Tháng 11/2021, gã khổng lồ công nghệ Yandex giới thiệu Chervonenkis, siêu máy tính mạnh nhất của Nga và xếp thứ 19 thế giới. Yandex sử dụng Chervonenkis để đào tạo thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) cho các ứng dụng như tìm kiếm web và dịch. Nó được tạo ra bằng cách liên kết hơn 1.500 con chip của Nvidia với nhau.
Theo tờ Cnews, vào tháng 2, Bộ Nội vụ Nga thừa nhận gặp rắc rối trong việc tìm kiếm các con chip “cây nhà lá vườn” và hệ quả là phải chuyển sang các con chip do Intel sản xuất.
Hậu quả của cấm vận công nghệ
Sự lệ thuộc của Nga vào công nghệ phương Tây, đặc biệt là chip, chính là trọng tâm của các lệnh trừng phạt mà Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng các nước đồng minh áp đặt lên Nga do cuộc chiến tại Ukraine. Phát biểu trước cả nước, ông Biden cho biết lệnh cấm Nga nhập khẩu công nghệ quan trọng, bao gồm bán dẫn, sẽ hạn chế “khả năng tiếp cận tài chính và công nghệ đối với các lĩnh vực chiến lược của kinh tế và giáng cấp năng lực công nghiệp trong những năm tới”. Lệnh cấm vận sẽ ảnh hưởng đến khả năng hiện đại hóa quân sự, công nghiệp hàng không, chương trình vũ trụ của Nga.
Bộ Thương mại Mỹ cấm doanh nghiệp trong nước giao dịch với hàng loạt pháp nhân Nga có quan hệ với quân đội nhà nước. Quy định bao trùm các thiết bị như vi điện tử, thiết bị viễn thông, cảm biến, chỉ đường, điện tử hàng không, thiết bị hàng hải.
Theo Samuel Bendett, một chuyên gia về công nghệ Nga tại CAN, ngành công nghiệp Nga nói chung được hưởng lợi từ dòng chảy tự do thương mại. Các lệnh cấm vận sẽ có hiệu ứng rất lớn. Trong gần một thập kỷ, Kremlin giới thiệu các biện pháp nhằm giải phóng doanh nghiệp và hạ tầng trong nước khỏi công nghệ nước ngoài, trong đó có chip. Tuy nhiên, đến nay, nỗ lực đó mới đạt thành công hạn chế.
Xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga giúp nước này có lợi thế trên trường quốc tế. Song, phần lớn lĩnh vực quân sự và thương mại lại phụ thuộc vào linh kiện, kiến thức kỹ thuật nước ngoài. Đó là một điểm yếu lớn và được bộc lộ rõ trước các lệnh cấm vận.
Lấy hàng không làm ví dụ. Nga lệ thuộc vào các linh kiện máy bay do Boeing và Airbus sản xuất, nhưng hai hãng đã ngừng giao hàng cho Nga từ khi chiến sự Ukraine nổ ra. Tim Frye, Giáo sư Khoa học chính trị Đại học Columbia, nhận xét: “Họ có thể duy trì hoạt động trong 2 hay 3 tháng, nhưng đến lúc nào đó, họ sẽ cần linh kiện mới”. Không chỉ phần cứng, ngay cả hệ thống đặt vé cũng mang đậm dấu ấn của doanh nghiệp ngoại và công nghệ ngoại.
Điều tương tự diễn ra trong lĩnh vực sản xuất và thiết bị máy tính. Do lệnh cấm bán dẫn, LADA – nhà sản xuất xe hơi lớn nhất của Nga – thông báo phải đóng cửa tạm thời vì không có đủ vi xử lý cần thiết dùng trong chế tạo ô tô.
Công nghệ Nga không thể đứng độc lập
Chiến lược của Mỹ tương đồng với các nỗ lực kiềm chế Trung Quốc và công nghệ Trung Quốc những năm gần đây. Năm 2020, Nhà Trắng cấm xuất khẩu chip sang các công ty Trung Quốc, trong đó có Huawei. Quyết định khiến Huawei chịu thiệt hại nặng nề khi mảng kinh doanh smartphone gần như sụp đổ. Song, nó cũng châm ngòi cho nỗ lực đầy tham vọng nhưng không kém phần khó khăn của chính phủ Trung Quốc nhằm xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn hùng mạnh của riêng mình.
Về lâu dài, các lệnh cấm vận công nghệ có thể đẩy nhanh quá trình ban-căng hóa công nghệ khi Nga, tương tự Trung Quốc, tìm kiếm sự tự chủ công nghệ. Dù vậy, tính đến thời điểm hiện tại, ông Bendett nhận định các sản phẩm Nga chưa đủ tốt. “Không có cách nào khởi động lại một ngành công nghiệp tốt hơn việc bị loại bỏ”, ông nói.
Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng, chưa có quốc gia nào đạt được độc lập công nghệ nói chung và độc lập bán dẫn nói riêng. Bản thân con chip là sản phẩm cộng tác xuyên biên giới, từ thiết kế cho đến sản xuất. Ví dụ, chip Baikal sử dụng thiết kế của người Nga nhưng sản xuất tại nhà máy của TSMC (Đài Loan). Trong khi đó, TSMC nói sẽ tôn trọng các lệnh cấm vận của phương Tây, đồng nghĩa với khả năng gián đoạn nguồn cung chip tới Nga.
Ngay cả các công ty hàng đầu thế giới như Apple cũng không thể tự đứng một mình. Hãng thiết kế chip M1 để đưa vào sản phẩm nhưng phải giao cho TSMC chế tạo, TSMC lại sử dụng máy móc của ASML, một doanh nghiệp Hà Lan. Đó là chưa kể các khâu như cấp phép bản quyền, bằng sáng chế, thiết kế, giả lập, tích hợp, robot hay xử lý vật liệu. Nếu Nga bị cả thế giới quay lưng, công nghệ Nga có thể gặp thảm họa.
Một vấn đề khác không thể không nhắc tới là chảy máu chất xám. Không có chuyên gia phần cứng, phần mềm chất lượng, không quốc gia nào có thể nghĩ đến tự chủ công nghệ. Khi các công ty nước ngoài lũ lượt rời bỏ thị trường Nga, những người lao động có học thức và kỹ năng cũng ồ ạt di cư. Thiếu đi yếu tố con người, Nga sẽ không thể đạt tới trình độ công nghệ đẳng cấp thế giới.
Du Lam