Các cuộc hòa đàm trực tiếp gần đây nhất giữa Moscow và Kiev diễn ra vào ngày 29/3. Các quan chức cho biết quá trình đối thoại tiếp tục từ xa, nhưng cả hai bên hôm 17/5 thừa nhận các cuộc đàm phán đã bị đình trệ.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 18/5 cho hay: “Các cuộc thương lượng đang không tiến triển và chúng tôi nhận thấy các nhà đàm phán Ukraine không hoàn toàn sẵn sàng tiếp tục quá trình này”.
Hãng thông tấn Interfax trước đó dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko nói, hai nước đã không tổ chức các cuộc thương lượng "dưới bất kỳ hình thức nào" và Kiev trên thực tế đã "rút lui khỏi tiến trình hòa đàm".
Ngược lại, cố vấn Bộ Nội vụ Ukraine Anton Gerashchenko đổ lỗi cho Tổng thống Nga Vladimir Putin về sự bế tắc.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần đề xuất tổ chức đối thoại trực tiếp với người đồng cấp Nga Putin, nhưng Moscow đã từ chối với lí do thiếu tiến triển trong các cuộc hòa đàm song phương.
Thụy Điển - Phần Lan cùng nhau mua sắm thêm vũ khí
Bộ Quốc phòng Phần Lan thông báo, nước này và Thụy Điển sẽ cùng nhau mua thêm súng ống và vũ khí chống tăng sau khi cùng nộp đơn xin gia nhập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trong thông cáo ngày 18/5, nhà chức trách Phần Lan cho hay, Helsinki và Stockholm sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực mua sắm quốc phòng, trong đó Phần Lan ký thỏa thuận mua vũ khí chống tăng, kể cả tên lửa, đạn dược và những khí tài liên quan khác, từ nhà sản xuất Thụy Điển Saab Dynamics.
Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Kaikkonen cũng cho phép chuẩn bị một hợp đồng chung với Thụy Điển nhằm mua sắm các loại vũ khí cỡ nhỏ, bao gồm súng trường tấn công, súng ngắn và vũ khí tự vệ cá nhân.
Croatia muốn ngăn Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO
Tiếp sau động thái của Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Croatia Zoran Milanovic tiết lộ ông có kế hoạch chỉ thị cho Đại sứ Mario Nobilo, đại diện thường trực của đất nước tại NATO ngăn Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh quân sự này.
Phát biểu trước các phóng viên ngày 18/5, ông Milanovic cho hay, việc từ chối chấp thuận sẽ hướng sự chú ý của dư luận quốc tế sang những vấn đề mà cộng đồng người Croatia ở nước láng giềng Bosnia-Herzegovina đang phải đối mặt.
Theo các luật bầu cử hiện hành ở Bosnia-Herzegovina, các đại diện của cộng đồng người Croatia thiểu số tại đây muốn đắc cử phải giành được phiếu ủng hộ của những người Hồi giáo Bosnia, còn được gọi là Bosniak. Ông Milanovic coi đây là điều bất công và muốn nước láng giềng sửa đổi luật này.
“Như tôi nói trước đó, người Croatia ở Bosnia-Herzegovina đối với tôi quan trọng hơn toàn bộ biên giới Nga - Phần Lan”, ông Milanovic giải thích.
Thụy Điển và Phần Lan chính thức phá vỡ lịch sử trung lập của họ vào ngày 15/5 khi nộp đơn xin gia nhập NATO. Tuy nhiên, việc chấp nhận các thành viên mới cần có sự đồng ý của tất cả các nước thành viên hiện tại của liên minh do Mỹ dẫn đầu.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã công khai phản đối 2 quốc gia Bắc Âu trở thành thành viên của NATO. Đài RT dẫn lời ông Milanovic nhấn mạnh, Ankara đã “chỉ ra cách đấu tranh vì lợi ích quốc gia” và họ chắc chắn sẽ không thay đổi quyết định cho đến khi đạt được những điều mình muốn, bao gồm cả đòi hỏi Thụy Điển và Phần Lan từ bỏ việc hỗ trợ những tổ chức bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố.
Các phát biểu mới nhất của Tổng thống Croatia đã tạo ra rào cản mới đối với tiến trình gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan.
Tuấn Anh