TP.HCM có 2 dự án trọng điểm về đường sắt là ga Bình Triệu và Thủ Thiêm. Tuy nhiên, hàng thập kỷ trôi qua, các dự án này chỉ tồn tại ‘trên giấy’, chưa thể triển khai gì ngoài vẽ ranh quy hoạch. Hệ lụy kéo theo là cuộc sống chật vật của hàng nghìn hộ dân sống trong khu quy hoạch 'treo’. Phóng viên VietNamNet ghi nhận thực tế các dự án này.
Tháng 10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1769/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định ga Bình Triệu và ga Thủ Thiêm là ga đầu mối hành khách, kết nối đến các sân bay trong khu vực.
Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) được giao triển khai quy hoạch cả hai dự án này.
Một lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho biết, hiện Bộ GTVT đang giao các cơ quan liên quan phối hợp với TP.HCM để xem xét tiếp tục triển khai hai dự án trên.
Đối với nhà ga Thủ Thiêm được Thủ tướng phê duyệt năm 2013 (ga đầu mối bao gồm tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến đường sắt nhẹ TP.HCM - Cảng hàng không quốc tế Long Thành). Dự án đang thực hiện rất chậm và mới ở bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi nên chưa đủ cơ sở để tổ chức lập đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500.
Trong năm 2022, Sở GTVT TP từng kiến nghị Bộ GTVT sớm lập quy hoạch chi tiết 1/500 đối với ga Thủ Thiêm theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mới đây nhất, ngày 13/3/2023, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường ký văn bản số 842/ UBND-DA về góp ý Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đường sắt Thủ Thiêm- Long Thành đoạn qua địa bàn TP.HCM. Trong đó, lãnh đạo UBND TP có đề cập về vị trí các nhà ga Thủ Thiêm với diện tích dự kiến khoảng 17,2 ha.
TP.HCM đề nghị Ban Quản lý dự án đường sắt chủ động báo cáo Bộ GTVT sớm tổ chức nghiên cứu toàn diện về quy mô nhà ga Thủ Thiêm như một ga đường sắt trung tâm của TP.HCM có tổ chức kết nối đồng bộ với tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương) - Giai đoạn 2 (đoạn Bến Thành - Thủ Thiêm).
Đối với ga Bình Triệu thuộc tuyến đường sắt Bắc – Nam, là tuyến giao thông huyết mạch, quan trọng của đất nước. Tuyến đường sắt có chiều dài khoảng 14km qua địa bàn quận 3, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh và TP Thủ Đức.
Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ga Bình Triệu thuộc nhóm các ga chính khu đầu mối đường sắt TP.HCM và nằm trong quy hoạch tuyến Hòa Hưng - Trảng Bom. Sau khi tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đưa vào khai thác, đoạn Bình Triệu - Hòa Hưng sẽ được định hướng chuyển thành đường sắt đô thị kết nối sân bay Tân Sơn Nhất - ga Bình Triệu - ga Thủ Thiêm và sân bay Long Thành.
Đồng thời ga Bình Triệu còn là ga đầu mối hành khách sau khi kéo dài tuyến đường sắt TP.HCM - Tây Ninh đến cửa khẩu Mộc Bài để có thêm phương án kết nối liên vận quốc tế với đường sắt Campuchia. Tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ triển khai sẽ kết nối với ga đầu mối hành khách trung tâm Bình Triệu để vận chuyển hành khách từ phía Cần Thơ, Tây Ninh vào trung tâm thành phố được thuận lợi và hiệu quả.
Quan trọng là vậy, song đến nay dự án vẫn thuộc diện quy hoạch 'treo'. Hiện các bên liên quan vẫn đang trong quá trình lập quy hoạch dự án nên chưa rõ thời điểm triển khai.
Cần sớm thực hiện hai ga đường sắt
Ông Lê Văn Cường (63 tuổi, ngụ tại phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) cho biết, hơn 2 thập kỷ người dân quyết bám trụ với mảnh đất của mình, nhiều gia đình đã nối tiếp hai thế hệ sinh ra ở đây.
"Người dân đã quá khổ, vì hàng chục năm sống trong cảnh khó khăn do nhà cửa không được cải tạo, sang nhượng không được. Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi bức xúc chính là việc không ai rõ mình phải chờ đợi bao lâu và khi nào dự án mới được triển khai", ông Cường bức xúc nói.
Tìm câu trả lời này, ông Khương Văn Mười - nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM cho biết, theo quy hoạch ở TP.HCM có các ga đầu mối là ga Thủ Thiêm và ga Bình Triệu.
Trong đó, ga Thủ Thiêm là ga đầu mối của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến đường sắt nhẹ TP.HCM - sân bay Long Thành, tuyến metro số 2, BRT số 1. Còn ga Bình Triệu ngoài là đầu mối kết nối tàu đi Mộc Bài (Tây Ninh), Cần Thơ, nối ra Nha Trang, còn có thể phục vụ thêm cho nhu cầu vận tải nội thành (kết nối với ga Sài Gòn).
Theo ông, mặc dù hai dự án ga đường sắt đã có trong quy hoạch nhưng do phải chờ vạch tuyến đường sắt, quy hoạch hoàn chỉnh nên đến nay vẫn chưa thể triển khai.
Với điều kiện phát triển kinh tế và nhằm phù hợp với tốc độ phát triển khu vực Nam bộ đang diễn ra rất nhanh, số lượng hàng hóa và giao thông đang tăng từng ngày thì việc triển khai sớm hai ga này là rất cần thiết
“Đây là quy hoạch đã được nghiên cứu rất kỹ. Trong hệ thống vận tải công cộng thì đường sắt vận chuyển khối lượng hành khách đông nhất, giúp giảm bớt ùn tắc và rất quan trọng trong hệ thống giao thông liên vùng, giúp phát triển kinh tế qua việc luân chuyển hàng hóa. Việc có hai ga này sẽ giúp quy hoạch vùng hoàn thiện hơn, tác động cả đến quy hoạch không gian, đô thị vùng phía Nam”, ông Mười nhấn mạnh.
Ủng hộ việc triển khai hai dự án ga đầu mối của ngành đường sắt nhưng chuyên gia, thạc sĩ Lê Văn Thành, nguyên Trưởng Phòng Nghiên cứu văn hóa xã hội - Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng cần phải xem xét quyền lợi chính đáng của người dân.
“Với những dự án quy hoạch ‘treo’ quá lâu sẽ gây ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống của người dân. Trong đó, nổi bật nhất là vấn đề xây dựng, mua bán, chuyển nhượng nhà đất… Điều này dễ gây bức xúc cho người dân nhất”, thạc sĩ Lê Văn Thành chia sẻ.
Theo ông, để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân, TP cần xem xét lại tổng thể các quy hoạch nếu dự án nào không phù hợp nữa thì nên gỡ bỏ, dự án nào tiếp tục triển khai thì có những chính sách hộ trợ để giúp người dân ổn định cuộc sống.
“Với những dự án tiếp tục triển khai cần thông tin công khai, minh bạch cho người dân nắm bắt về phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư ra sao? Nếu dự án chưa triển khai thì Nhà nước nên tạo điều kiện cho người dân được xây dựng, sửa chữa nhà tạm thời để họ ổn định cuộc sống trong thời gian chờ đợi. Cần nhất lúc này là cấp chính quyền sớm công bố có lộ trình rõ ràng, để người dân biết”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.