Theo hãng tin AP và Reuters, các nước dự hội nghị đã nhất trí thành lập một quỹ đặc biệt mà các nhà thương thuyết gọi là "tổn thất và thiệt hại", nhằm thanh toán những thiệt hại mà các nước dễ bị tổn thương phải gánh chịu do tác động của biến đổi khí hậu.
Thỏa thuận này là một chiến thắng lớn đối với các quốc gia nghèo hơn, những nước đã từ lâu kêu gọi được bồi thường vì họ thường là nạn nhân của lũ lụt, hạn hán, nắng nóng, mất mùa và những trận bão dù họ chỉ chịu trách nhiệm rất nhỏ đối với tình trạng ô nhiễm đang làm toàn cầu nóng lên.
Thỏa thuận đạt được tại thành phố nghỉ mát Sharm El-Sheikh, Ai Cập cũng là một thắng lợi đối với các quốc gia đang phát triển - những nước đã đấu tranh suốt nhiều thập niên, để đòi một hình thức đền bù cho "sự tổn thất và thiệt hại" đối với những gì họ phải gánh chịu từ các hình thái thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra.
Theo thỏa thuận, quỹ "tổn thất và thiệt hại" ban đầu sẽ nhận đóng góp của các nước phát triển và các nguồn tư nhân lẫn công cộng khác như các tổ chức tài chính quốc tế. Mặc dù ban đầu các nền kinh tế mới nổi lớn như Trung Quốc sẽ không bắt buộc phải đóng góp, nhưng lựa chọn đó vẫn còn và sẽ được đàm phán trong những năm tới. Đây là yêu cầu chính của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, những nước lập luận rằng Trung Quốc và các nước gây ô nhiễm lớn khác (hiện được phân loại là các nước đang phát triển) có khả năng tài chính và trách nhiệm thanh toán theo cách của họ.
Quỹ sẽ được dùng chủ yếu cho những nước dễ bị tổn thương lớn nhất, song vẫn có thể sử dụng để trợ giúp cho các nước có thu nhập trung bình đang bị tàn phá nghiêm trọng bởi các thảm họa khí hậu.