Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, Việt Nam thường xuyên đối mặt với bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, hạn hán và các hiện tượng thời tiết cực đoan có xu hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và cường độ, ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định và bền vững. Các tác động rất nặng nề khi mức thiệt hại là 3,2% GDP vào năm 2020. Ước tính biến đổi khí hậu có thể làm giảm thu nhập quốc dân tới 3,5% vào năm 2050.
Các nghiên cứu cho thấy, tính dễ bị tổn thương do khí hậu ảnh hưởng đến hơn 74% dân số Việt Nam. Những người có sinh kế phụ thuộc vào khí hậu, những người sống trong nghèo đói, bao gồm phụ nữ, trẻ em, người già và người khuyết tật chịu tác động nhiều nhất.
Phát biểu tại "Hội thảo quốc tế về Tác động của Biến đổi khí hậu tới việc thụ hưởng quyền của các nhóm dễ bị tổn thương: chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt" do Bộ Ngoại giao phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức tại Hà Nội ngày 29/7, ông Đỗ Hùng Việt, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, với chủ trương lấy “nhân dân làm trung tâm, chủ thể”, Việt Nam quan tâm đặc biệt đến vấn đề bảo đảm quyền con người trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Các nội dung đó trong chính sách, pháp luật ở Việt Nam cũng được xây dựng trên cơ sở nội luật hóa các điều ước quốc tế.
Tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ), Việt Nam tham gia Nhóm Nòng cốt cùng với Philippines và Banglades, thúc đẩy các nghị quyết hàng năm về biến đổi khí hậu và quyền con người, với trọng tâm mỗi năm tập trung vào quyền của từng nhóm cụ thể như quyền trẻ em, quyền phụ nữ, quyền người cao tuổi, quyền của người di cư… Các nghị quyết cũng kêu gọi các quốc gia tăng cường hợp tác và hỗ trợ các nước đang phát triển về tài chính, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực nhằm đưa ra các biện pháp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Việt Nam đang vận động ứng cử làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 – 2025, với phương châm “tôn trọng và hiểu biết, đối thoại và hợp tác, bảo đảm tất cả quyền con người cho tất cả mọi người”. Đất nước quyết tâm triển khai các cam kết tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), bao gồm cả việc đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cũng như các cam kết theo những công ước quốc tế về nhân quyền đã tham gia.
Bà Kanni Wignaraja, Trợ lý Tổng Thư ký LHQ kiêm Giám đốc UNDP khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đánh giá cao các nỗ lực của Việt Nam. Theo bà, Việt Nam đã trở thành một quốc gia đi đầu trên thế giới trong thúc đẩy làm rõ mối quan hệ giữa quyền con người và biến đổi khí hậu, và cộng đồng quốc tế đang dõi theo những cam kết rõ ràng, cụ thể và sáng kiến dẫn dắt của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Bà Wignaraja nhắc lại phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26, trong đó nêu bật nhu cầu “chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới kinh tế xanh, tuần hoàn, bền vững, bao trùm và nhân văn; mọi hành động phải dựa vào tự nhiên và lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể và động lực phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau".
Lãnh đạo UNDP khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng đề xuất ba hướng tiếp cận để Việt Nam có thể đạt được những mục tiêu và tham vọng đã đề ra, trong đó chú trọng huy động sự tham gia của toàn xã hội và tất cả người dân, đặc biệt là tầng lớp thanh niên.
Đồng quan điểm, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam khẳng định, các cơ quan LHQ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện những cam kết đã có.
Cũng tại hội nghị, đại sứ các nước, đại diện của Liên minh châu Âu (EU), các diễn giả đến từ các cơ quan, ban ngành của Việt Nam và các tổ chức nghiên cứu quốc tế đã có những chia sẻ thẳng thắn, cung cấp thông tin, đánh giá cũng như những bài học kinh nghiệm thiết thực từ các quốc gia ở nhiều khu vực, nhiều trình độ phát triển trong ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là đối với nhóm dễ bị tổn thương.
Tuấn Anh