Ngày 24/10, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh có công điện gửi các cơ quan, đơn vị về việc ứng phó với cơn bão số 6 (bão Trà Mi), trong đó đề nghị khẩn trương thông báo cho tất cả các chủ phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển, diễn biến và vùng nguy hiểm của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm, khẩn trương vào bờ, tìm nơi trú ẩn an toàn.
Các đơn vị chức năng được yêu cầu tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển...
Chủ tịch UBND các quận, huyện, các sở liên quan triển khai các hoạt động ứng phó với bão, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng triển khai phương án sơ tán người dân nhất là tại các khu vực trũng, thấp, ven sông suối, có nguy cơ sạt lở, lũ quét.
Người đứng đầu TP Đà Nẵng cũng yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo triển khai phương án phòng, chống ngập úng, khơi thông cống rãnh thoát nước; khẩn trương hoàn thành chằng chống và tỉa cây xanh đường phố...
Tại Quảng Nam, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao các sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven biển, ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất… chủ động di dời dân đến nơi an toàn.
Tỉnh đã lập 2 phương án sơ tán dân khi bão đổ bộ trực tiếp. Trong đó, trường hợp bão mạnh, cả tỉnh sẽ di dời 212.000 người; nếu là siêu bão sẽ sơ tán 396.000 người.
Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị tổ chức rà soát, triển khai phương án phòng, chống bão, mưa lũ theo phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro đã được phê duyệt...
Ngoài ra, Quảng Nam cũng rà soát, đề xuất mua sắm vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai. Trước mắt, trang bị điện thoại vệ tinh cho Bí thư và Chủ tịch tỉnh để phục vụ chỉ đạo ứng phó với bão số 6, đảm bảo việc điều hành, liên lạc thông suốt khi có tình huống xảy ra.
Tỉnh Quảng Ngãi cũng phát công văn khẩn yêu cầu thủ trưởng các địa phương, đơn vị tập trung ứng phó bão số 6; chỉ được đi công tác ngoài tỉnh khi có công việc cần thiết, không thể vắng mặt nếu chưa được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền.
Ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch tỉnh yêu cầu thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương xuống địa bàn được phân công để phối hợp, đôn đốc, kiểm tra công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó thiên tai.
Trước đó, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu các địa phương và đơn vị liên quan tổ chức kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, quản lý chặt chẽ việc ra khơi; duy trì liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu, sẵn sàng lực lượng và phương tiện để ứng cứu khi có yêu cầu.
Theo Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, tính đến 13h chiều 24/10, toàn tỉnh có 306 tàu cá với 3.783 lao động đang hoạt động trên biển. Tất cả các tàu, thuyền đã nhận được thông tin về diễn biến, hướng di chuyển của bão và đang khẩn trương đi tránh trú an toàn.
Tỉnh Bình Định yêu cầu các địa phương triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; chủ động di dời, sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi...
Đồng thời, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có lệnh; đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh, cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ và đồ dùng học tập tại những khu vực bị ảnh hưởng do bão, mưa, lũ.
Trong khi đó, tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các đơn vị, địa phương thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền biết diễn biến của bão, gió mạnh trên biển để chủ động sản xuất và phòng tránh, đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Ngoài ra, các đơn vị cần rà soát các kịch bản, phương án ứng phó thiên tai, sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm...