Ngày 24/10, UBND tỉnh Quảng Nam có công văn về việc triển khai ứng phó với bão Trà Mi (bão số 6).
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng giao các sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven biển, ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở,… chủ động di dời dân đến nơi an toàn.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở NN&PTNT và các địa phương ven biển kiểm đếm, bằng mọi biện pháp thông báo cho tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và tàu thuyền tại khu neo đậu.
Ngoài ra, Chủ tịch Quảng Nam cũng giao Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chủ trì, phối hợp Sở TT&TT và các ngành, đơn vị liên quan rà soát, tham mưu đề xuất mua sắm vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai.
Trước mắt, trang bị điện thoại vệ tinh cho Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh để phục vụ chỉ đạo ứng phó với bão Trà Mi và thiên tai năm 2024, đảm bảo việc điều hành, liên lạc thông suốt khi có tình huống xảy ra.
Quảng Nam cũng đã lập 2 phương án sơ tán dân khi bão đổ bộ trực tiếp vào địa phương. Trong trường hợp bão mạnh, cả tỉnh sẽ di dời 212.000 người; nếu siêu bão sẽ sơ tán 396.000 người.
Hiện nay, các lực lượng quân sự, công an, biên phòng đều đã sẵn sàng phương án, nhân lực... để ứng phó trong các tình huống khi bão số 6 đổ bộ.
Tính đến trưa nay (24/10), Quảng Nam còn 55 tàu cá với 2.208 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó, hiện 2 tàu đã ra khỏi khu vực nguy hiểm của bão và 53 tàu đã vào khu vực trú ẩn an toàn.
Cũng trong sáng nay, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Nam đã trực tiếp đến các xã ven biển để kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng, chống bão.
Tại đây, Bộ CHQS tỉnh yêu cầu Ban CHQS cấp huyện và xã sẵn sàng lực lượng và phương tiện tại chỗ giúp dân chằng chống nhà cửa, di dời người dân đến nơi an toàn, nhất là khu vực ven biển, miền núi có nguy cơ sạt lở cao.
Đồng thời, phối hợp với biên phòng liên lạc trực tiếp với các phương tiện để tìm nơi trú ẩn an toàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, lương thực phẩm để chủ động tham gia phòng chống, khắc phục hậu quả mưa bão, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xảy ra trên địa bàn.
Thượng tá Trần Hữu Ích, Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam cho biết, Bộ CHQS tỉnh đã chủ động tham mưu cho các địa phương miền núi như Nam Trà My, Bắc Trà My, Tây Giang và Nam Giang nhanh chóng xác định các nơi có nguy cơ sạt lở đất để di dời bà con đến nơi an toàn.
Tại 6 huyện ven biển, đơn vị cũng phối hợp với địa phương kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn; phát huy lực lượng xung kích tại chỗ cấp xã để chằng chống nhà cửa, sẵn sàng ứng phó bão đổ bộ.