Chiến sự Nga – Ukraine
Giá năng lượng, lạm phát, lãi suất, tăng trưởng kinh tế, tình trạng thiếu lương thực trên thế giới dự kiến sẽ phụ thuộc vào diễn biến của cuộc xung đột Nga - Ukraine trong những tháng tới. Theo tạp chí The Economist, kết quả trước mắt nhiều khả năng vẫn là bế tắc. Moscow được tin sẽ tiếp tục duy trì chiến dịch ở nước láng giềng, với hy vọng tình trạng thiếu năng lượng cùng những thay đổi chính trị ở Mỹ sẽ làm suy yếu sự ủng hộ của phương Tây, đặc biệt là viện trợ quân sự cho Kiev.
Nước Mỹ chia rẽ
Mặc dù đảng Cộng hòa của cựu Tổng thống Donald Trump không đạt kết quả tốt như kỳ vọng trong cuộc bầu cử giữa kỳ hồi tháng 11/2022, nhưng họ đã giành lại quyền kiểm soát Hạ viện từ tay đảng Dân chủ của đương kim Tổng thống Joe Biden. Điều này được cho có thể giúp phe Bảo thủ gây khó khăn, làm lu mờ chương trình nghị sự sắp tới của ông Biden trong 2 năm cuối nhiệm kỳ.
Ngoài ra, sự chia rẽ trong chính trường và dư luận Mỹ về việc nạo phá thai, quyền sở hữu súng và các vấn đề nóng khác dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng sau một loạt phán quyết gây tranh cãi của Tòa án Tối cao. Việc ông Trump chính thức tham gia tranh cử tổng thống năm 2024 nhiều khả năng sẽ “đổ thêm dầu vào lửa”.
Nguy cơ suy thoái đe dọa thế giới
Giới quan sát nhận định, các nền kinh tế lớn sẽ rơi vào suy thoái khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát hậu đại dịch, vốn đang chịu thêm tác động của giá năng lượng cao.
Suy thoái kinh tế của Mỹ được tin tương đối nhẹ, nhưng ở châu Âu sẽ dữ dội hơn. Nỗi đau sẽ mang tính toàn cầu khi đồng đô la mạnh làm tổn thương các nước nghèo, vốn đã bị ảnh hưởng bởi giá lương thực tăng vọt.
Các điểm nóng âm ỉ
Theo nhiều nhà phân tích, ngoài chiến sự Nga – Ukraine, thế giới cũng cần “dè chừng” sự bùng nổ của một số điểm nóng âm ỉ ở những nơi khác. Đó là căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên khi Bình Nhưỡng đang đẩy mạnh các vụ phóng tên lửa; “Thùng thuốc súng chực chờ nổ” Kosovo, tỉnh tách khỏi Serbia năm 1999 và tuyên bố độc lập năm 2008; Căng thẳng Mỹ - Trung Quốc vì nhiều vấn đề, kể cả Đài Loan; Đụng độ Trung Quốc - Ấn Độ ở khu vực biên giới, trên dãy Himalaya...
Các liên minh đang thay đổi
Giữa những biến động về địa chính trị, thế giới có thể sẽ chứng kiến sự thay đổi tương ứng của các liên minh. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), vốn được hồi sinh vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine, sẽ chào đón 2 thành viên mới. Ảrập Xêút sẽ tham gia ký kết Hiệp định Abraham, một thỏa thuận nhằm bình thường hóa quan hệ ngoại giao và tăng cường hòa bình giữa các nước Trung Đông.
Các liên minh khác có tầm quan trọng ngày càng tăng là Bộ Tứ (Quad) gồm Mỹ, Australia, Nhật, Ấn Độ; AUKUS gồm Mỹ, Anh và Australia và I2U2, diễn đàn liên kết Ấn Độ, Israel, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất và Mỹ.
Sự phục hồi của du lịch thế giới
Cụm từ “du lịch trả thù” sẽ vẫn được nhắc đến nhiều trong năm 2023, đánh dấu việc mọi người sẽ đi du lịch ngày càng nhiều, bù lại quãng thời gian bị hạn chế và giãn cách vì đại dịch Covid-19. Du lịch thế giới dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn năm 2022, khi Trung Quốc rốt cuộc đã đảo ngược chính sách “Không Covid” và bắt đầu tái mở cửa đón du khách quốc tế từ ngày 8/1.
Các chuyến du lịch nước ngoài của công dân Trung Quốc, vốn đã giảm xuống gần như bằng 0 trong ba năm qua, sẽ được phép trở lại cùng với việc bãi bỏ giới hạn về số chuyến bay chở khách quốc tế.
Tác động với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu
Do khủng hoảng nguồn cung năng lượng, một số nước đã quay trở lại với nhiên liệu hóa thạch, vốn bị xem là kém thân thiện với môi trường hơn. Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP27) tháng 11/2022, các nước sản xuất dầu mỏ đã chặn lời kêu gọi loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, ngay cả khi mục tiêu là giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C.
Tuy nhiên, trong trung hạn, các nước phương Tây, đặc biệt là các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ đẩy nhanh việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo như một giải pháp thay thế an toàn hơn cho nhiên liệu hydrocarbon.