Trường ĐH Quy Nhơn (QNU) với sứ mệnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học, truyền bá tri thức và chuyển giao công nghệ; góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội và phục vụ hiệu quả sự phát triển bền vững của đất nước, đặc biệt đối với khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên… 

Nhà trường đã có chiến lược và bước đi cụ thể như thế nào để cho “ra lò” nguồn nhân lực số đáp ứng nhu cầu? VietNamNet có trao đổi với các đơn vị chức năng của QNU.

Đưa TP Quy Nhơn trở thành một trung tâm trí tuệ nhân tạo 

TS Nguyễn Thành Đạt – Giám đốc Trung tâm CNTT&TT cho biết: Nhân lực là yếu tố quan trọng hàng đầu để phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghệ thông tin, kỹ thuật phần mềm, trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu, kỹ thuật và công nghệ... 

Mục tiêu của chương trình chuyển đổi số của tỉnh Bình Định đến năm 2030 là trở thành địa phương thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; đồng thời, xây dựng thành công chính quyền số, đưa TP Quy Nhơn trở thành một trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) của Việt Nam…

Để đón đầu cơ hội này, QNU phát huy thế mạnh là trường ĐH đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó yếu tố sư phạm là lõi chiến lược và lấy khoa học cơ bản, đặc biệt là toán học, kỹ thuật và công nghệ thông tin làm nền tảng cho tất cả ngành nghề đào tạo của nhà trường. Định hướng phát triển các ngành ứng dụng như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật phần mềm, khoa học dữ liệu, kỹ thuật điều khiển - tự động hóa … trình độ ĐH và thạc sĩ cũng được nhà trường ưu tiên. Những ngành nghề này sẽ là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực quan trọng, đón đầu phát triển công nghiệp, công nghệ mới, nhất là chuyển đổi số.

Khoa Toán và Thống kê của QNU là một trong ba trung tâm đào tạo và nghiên cứu Toán học, Toán ứng dụng mạnh trong cả nước, được Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2021-2030 lựa chọn để hỗ trợ, đầu tư và phát triển. Đây cũng là cơ sở để nhà trường đẩy mạnh liên kết với các viện, trường, trung tâm nghiên cứu, các đối tác trong và ngoài nước, phối hợp cùng doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ như Công ty TMA Solutions Bình Định (TMA Bình Định), Công ty FPT Software Quy Nhơn (FSoft Quy Nhơn) để dồng hành cùng tỉnh Bình Định trong việc cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, tham vấn chính sách cho địa phương nhằm phục vụ chuyển đổi số, thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 20/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XX) về chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.  

Đào tạo ngành Khoa học dữ liệu theo định hướng ứng dụng

Theo một số tổng kết mới nhất nhu cầu nhân lực cả khu vực công và tư đều đang thiếu, nhà trường đã có chiến lược đào tạo như nào để đáp ứng nhu cầu?

img 8859.jpg
TS Nguyễn Thành Đạt – Giám đốc Trung tâm CNTT&TT, Trường ĐH Quy Nhơn (Ảnh: Diễm Phúc)

- TS Nguyễn Thành Đạt: QNU được thành lập với sứ mệnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học, truyền bá tri thức và chuyển giao công nghệ; góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội và phục vụ hiệu quả sự phát triển bền vững của đất nước, đặc biệt đối với khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên… 

Đón đầu xu hướng chuyển đổi số, QNU đã mở ra các ngành đào tạo mới như Khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo AI…để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này.

Mỗi năm, QNU cung ứng gần 3.000 sinh viên tốt nghiệp các ngành đào tạo ĐH chính quy tại trường. Trong đó, sinh viên các ngành Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật phần mềm, KT Điện tử viễn thông, Toán ứng dụng, KT điều khiển Tự động hóa có tỉ lệ việc làm sau tốt nghiệp đạt khoảng 90% (từ năm 2018 đến 2022). 

- PGS Hồ Xuân Quang – Trưởng phòng Đào tạo sau ĐH: Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc CMCN 4.0 trên phạm vi toàn cầu với công nghệ lõi là Khoa học dữ liệu (Data Science), Dữ liệu lớn (Big Data), Điện toán đám mây (Cloud Computing), Internet vạn vật (IoT), Trí tuệ nhân tạo (AI) tác động sâu sắc đến nhận thức và hành động của con người. Thực tiễn cho thấy, Khoa học dữ liệu ngày càng trở nên quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với khoa học và sự vận hành của các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là quá trình chuyển đổi số của quốc gia hiện nay. 

Sớm nhận diện sự cấp thiết về nhu cầu nguồn nhân lực khoa học dữ liệu, nhất là đà tăng trưởng ấn tượng của hệ sinh thái khoa học công nghệ trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng, đặc biệt là Thung lũng Khoa học Quy Hòa, Quy Nhơn; đồng thời, với thế mạnh đào tạo về lĩnh vực toán học, thống kê, công nghệ thông tin, tự động hóa, tối ưu điều khiển…, QNU có nhiều thuận lợi để đào tạo ngành Khoa học dữ liệu theo định hướng ứng dụng.

Chính vì vậy, từ năm 2019, trường đã mở chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Khoa học dữ liệu ứng dụng; tháng 5/2022, mở ngành đào tạo Khoa học dữ liệu trình độ ĐH. Đến nay, trường đã tuyển sinh và đào tạo được 3 khóa đào tạo trình độ thạc sĩ với quy mô trên 40 học viên.

Có thể nói, QNU là một trong những trường đại học tiên phong trên cả nước đào tạo trình độ đại học và thạc sĩ ngành Khoa học dữ liệu, cho thấy chủ trương đúng đắn trong việc đón đầu, dự báo xu hướng, chuẩn bị các điều kiện, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của Trường đối với lĩnh vực đào tạo mới này. 

Số hóa dữ liệu, từng bước liên thông

Nhà trường có nhiều bước tiến trong việc xây dựng dữ liệu số phục vụ chuyển đổi số, việc sử dụng và khai thác phục vụ giảng dạy mang lại hiệu quả cụ thể thế nào thưa ông?

TS Nguyễn Thành Đạt: Trong những năm qua, QNU đã ứng dụng CNTT, chuyển đổi số để phục vụ công tác quản lý, đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Trong công tác quản lý điều hành, toàn bộ văn bản đã được phát hành và lưu trữ trên môi trường số, không chỉ giúp tiết kiệm đáng kể chi phí in ấn giấy tờ, thời gian phát hành mà còn giúp cho công tác quản lý được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, mọi lúc mọi nơi. 

Hơn nữa, dữ liệu các lĩnh vực như tài chính, nhân sự, đào tạo, sinh viên, tuyển sinh…đã được số hóa, từng bước được liên thông, đồng bộ với nhau. Các quy trình tuyển sinh, xét tuyển nhập học đã được số hóa giúp cho hàng trăm nghìn thí sinh thuận tiện trong đăng ký tuyển sinh và xét tuyển nhanh chóng, tiết kiệm chi phí đi lại.

Hệ thống phần mềm và quy trình khảo thí cho phép sinh viên thi trắc nghiệm cuối kỳ tại trung tâm khảo thí (Test Center) giúp nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo tính khách quan, công bằng và hạn chế tối đa các vấn đề tiêu cực trong thi cử. 

Hệ thống Elearning được xây dựng liên thông, đồng bộ giúp cho Nhà trường đơn giản hóa quy trình đào tạo và quản lý điểm. Ngoài ra, chuyển đổi số trong công tác khảo sát sinh viên cũng được thực hiện trong nhiều năm qua, giúp cho nhà trường nắm bắt kịp thời chất lượng giảng dạy, phản hồi từ sinh viên về công tác đào tạo và từ đó, nâng cao chất lượng dạy học. 

Bên cạnh đó, sau hơn 2 năm hoạt động, thư viện số của trường đã tích tụ được kho tài nguyên với gần 7.000 đầu tài liệu. Trung bình mỗi ngày có hơn 10.000 hoạt động truy cập, khai thác tài liệu trên cổng thông tin của Thư viện nhà trường...

Đặc biệt, trong giai đoạn 2020-2025, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và công tác quản lý đào tạo, tháng 1/2020 QNU đã ban hành Kế hoạch về ứng dụng CNTT và Chuyển đổi số giai đoạn 2020-2025. Kế hoạch được xây dựng và triển khai nhằm đáp ứng các hoạt động trong Trường, bao gồm công tác quản lý, thủ tục hành chính, đổi mới nội dung, phương pháp dạy-học, kiểm tra đánh giá và nghiên cứu khoa học, cung cấp dịch vụ cho sinh viên, đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo trong giai đoạn mới. 

dh-quy-nhon-2.jpg

- PGS.TS Hồ Xuân Quang – Trưởng phòng Đào tạo sau ĐH: Từ năm 2020, Chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Khoa học dữ liệu của QNU đã nhận được nguồn tài trợ kinh phí của Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup (VINIF) một cách toàn diện, trọng điểm cả về hoạt động tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học, hỗ trợ người học đến cơ sở chất, trang thiết bị dạy học…Từ nguồn kinh phí này, nhà trường đã sử dụng hiệu quả trong việc tích hợp đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, hạ tầng, dữ liệu số…nhằm nâng cao chất lượng đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật điện tử - viễn thông, kế toán, tài chính-  ngân hàng… tạo nên sự cộng hưởng mạnh mẽ quá trình hiện thực hóa công cuộc chuyển đổi số từ tư duy, nhận thức đến hành động. 

Việc hợp tác với các đơn vị chức năng trong việc nâng cao năng lực cho SV được triển khai như thế nào, thưa ông?

- Thạc sĩ Cao Kỳ Nam – Trưởng phòng Công tác chính trị - Sinh viên: Nhà trường xác định năng lực chuyển đổi số cần chung tay từ nhiều bộ phận thuộc và trực thuộc Trường. Các Khoa/Bộ môn và các đơn vị phối hợp chặt chẽ theo chức năng, nhiệm vụ để nâng cao năng lượng toàn diện cho sinh viên. Trong đó tập trung cốt lõi là năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, gắn với chuyển đổi số. 

Đồng thời, nhà trường còn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chính quyền, các doanh nghiệp trong định hướng sinh viên thay đổi tư duy, phương thức học tập, nghiên cứu, thích ứng với các thành tựu công nghệ của xã hội.

- Thạc sĩ Nguyễn Khánh Linh - Phòng Khảo thí và Bảo đảm chất lượng: Những giải pháp nhà trường đang thúc đẩy để vượt qua những khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ đào tạo nguồn nhân lực số chất lượng cao có lẽ liên quan đến giải pháp hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để  tăng cường nguồn lực cho phát triển và ứng dụng công nghệ đào tạo nguồn nhân lực số chất lượng cao.

Nguyễn Hiền