Hơn 2 năm qua, với sự đồng lòng của hệ thống chính quyền, các ngành, các cấp và người dân, tỉnh Bình Định đã có nhiều bước đi hiệu quả trong thực hiện Nghị quyết về chuyển đổi số của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong năm 2023, 3 trụ cột chính gồm chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trên con đường hoàn thiện của công cuộc chuyển đổi số địa phương đưa kinh tế tỉnh có nhiều khởi sắc…
Thay đổi thói quen làm việc từ hành chính sang xử lý trên môi trường điện tử
Với chính quyền số, hội nghị triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2023, với trên 500 cán bộ, công chức, viên chức là thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; đến các phòng ban, xã, thị trấn… được xem như bước khởi đầu của trong một năm “trở mình” tại Bình Định.
Một trong những mạng lưới giúp Bình Định “thay da đổi thịt” chính là nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP). Sở TT&TT Bình Định thông tin, nền tảng này đã kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP), phục vụ nhu cầu kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước. Tích hợp các hệ thống phần mềm dùng chung phục vụ chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh: Cổng thông tin điện tử; Quản lý văn bản và hồ sơ công việc; Cổng Dịch vụ công của tỉnh.
Theo Sở TT&TT, 100% các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn đã ứng dụng Hệ thống phần mềm văn phòng điện tử của tỉnh; thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử liên thông giữa các cơ quan trong tỉnh, liên thông với các bộ, ngành Trung ương qua trục liên thông văn bản quốc gia. Ứng dụng chứng thư số, chữ ký số được triển khai đến 100% cơ quan nhà nước của tỉnh, từ cấp tỉnh đến cấp xã. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ cấp phát 7.709 chứng thư số cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, trong đó 723 chứng thư số cho tổ chức, 5.643 chứng thư số cho cá nhân và 1.343 SIM PKI.
Cổng dịch vụ công của tỉnh đã cung cấp thủ tục hành chính, trong đó có 846 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) một phần, 941 DVCTT toàn trình. Tổng số hồ sơ được tiếp nhận từ ngày 1/1 đến 15/11 trên hệ thống đạt 443.858 hồ sơ, trong đó có 193.671 hồ sơ được người dân/doanh nghiệp nộp trực tuyến (trong đó hồ sơ một phần: 74.235 hồ sơ; hồ sơ trực tuyến toàn trình 119.436 hồ sơ).
Hệ thống được kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia và kết nối, chia sẻ với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ xác thực, định danh khai thác dữ liệu trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Hệ thống Hội nghị truyền hình của tỉnh và của cấp huyện đã kết nối liên thông phục vụ các phiên họp 4 cấp từ Trung ương đến cấp xã. Về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, tổng số tài khoản đã đăng ký là 210.081 (chiếm tỷ lệ 14% dân số), với số tài khoản có phát sinh cước là 80.361 (đạt 38,25% trên tổng số tài khoản).
Đánh giá về chính quyền số, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, với mục tiêu chung là đến năm 2025, tỉnh cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn, đưa Bình Định trở thành địa phương thuộc nhóm khá trong cả nước về chuyển đổi số; xây dựng thành công chính quyền số; công nghệ số được ứng dụng toàn diện trong mọi lĩnh vực, thay đổi tích cực đến phương thức sống, cách làm việc của người dân.
“Hoạt động ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính quyền số trên địa bàn tỉnh Bình Định đã có bước phát triển đột phá, quan trọng. Lãnh đạo, cán bộ, công chức các cấp từ cấp tỉnh đến cấp xã cơ bản thay đổi nhận thức, tư duy, thói quen làm việc từ hành chính, giấy tờ sang chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc trên môi trường điện tử. Ứng dụng CNTT phục vụ người dân, DN được đẩy mạnh, cổng dịch vụ công, hệ thống một cửa điện tử cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đã công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước...”, ông Tuấn nói.
Kết nối, chia sẻ từ chính quyền, doanh nghiệp, người dân
Song song chính quyền số, kinh tế số cũng được tỉnh quan tâm, hội thảo hợp tác phát triển CNTT-TT Việt Nam lần thứ 24 tổ chức tại tỉnh đã thu hút 20 DN công nghệ số tham gia triển lãm, giới thiệu các sản phẩm, công nghệ mới, phục vụ chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, DN góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số và kết nối, chia sẻ trong xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ngoài ra, tỉnh cũng tổ chức các đoàn công tác xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước nhằm kêu gọi các nhà đầu tư, nhất là liên quan về lĩnh vực CNTT, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo. Số lượng DN công nghệ số (DN cung cấp dịch vụ viễn thông - CNTT) trên địa bàn tỉnh hiện có 186 DN.
Tỉnh Bình Định đã thành lập Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định, hiện có Công ty TMA Bình Định và Công ty Fsoft Quy Nhơn đang làm việc tại Khu, với trên 1.000 nhân sự. Chính phủ đã kết nạp Trung tâm CNTT và Truyền thông trực thuộc Sở TT&TT tham gia vào Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung theo quyết định của Thủ tướng.
Tiếp tục triển khai Kế hoạch của UBND tỉnh về việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, đã tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ người dân đưa 517 sản phẩm OCOP lên sàn TMĐT. Số hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số là 424 hộ/586 hộ SXNN toàn tỉnh, đạt 72,3%.
100% doanh nghiệp, tổ chức thuộc trường hợp áp dụng hóa đơn thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử. Doanh thu của các DN viễn thông trên địa bàn tỉnh năm 2023 ước đạt 1.363 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 57 tỷ đồng; Doanh thu của các doanh nghiệp bưu chính trên địa bàn tỉnh năm 2023 ước đạt 200 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 4 tỷ đồng.
Một trong những dẫn chứng rõ nét trong kinh tế số đó chính là logistics. Ngành này đã có những đóng góp không nhỏ trong hoạt động xuất nhập khẩu, tiếp tục đưa hoạt động xuất nhập khẩu thành một điểm sáng bởi tốc độ tăng trưởng vượt bậc chưa từng có so với những năm trước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 đạt 2.060 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 1.606,3 triệu USD (cao nhất từ trước đến nay), tăng 11,3% so với cùng kỳ; nhập khẩu đạt 453,7 triệu USD, giảm 4,4% so với cùng kỳ, cán cân thương mại hàng hóa của tỉnh năm 2022 xuất siêu 1.152,6 triệu USD.
Một trụ cột khác là xã hội số, theo Sở TT&TT, tổng số thuê bao điện thoại di động là 1.599.302 thuê bao; thuê bao băng rộng di động là 1.003.221 và thuê bao băng rộng cố định là 324.654; tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh là 78,7%. 11/11 huyện, thị xã, thành phố có văn bản/kế hoạch triển khai trên địa bàn, với 159/159 xã, phường, thị trấn đã thực hiện thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng tại 1.176 thôn/xóm với 4.353 người tham gia.
Tổ công nghệ số cộng đồng/Công nghệ số thanh niên đã ra quân tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân mở tài khoản dịch vụ công, tài khoản VNeID; Dịch vụ phản ánh hiện trường của đô thị thông minh... Cụ thể, về mở tài khoản sử dụng Cổng Dịch vụ cổng quốc gia đã tạo được 74.390/63.226 tài khoản, đạt 118% chỉ tiêu; 66.000 người dân ngoài độ tuổi thanh niên được đoàn viên thanh niên hướng dẫn, hỗ trợ mở tài khoản sử dụng Cổng Dịch vụ công quốc gia, đã hỗ trợ người dân tạo 113.813 tài khoản, đạt 172% chỉ tiêu được giao trong năm 2023; 40% tổng số tài khoản sử dụng Cổng Dịch vụ công quốc gia (của đoàn viên thanh niên và của người dân được đoàn viên thanh niên hướng dẫn tạo lập) có phát sinh giao dịch thực tế, hiện có 64.741/188.203 tài khoản có phát sinh giao dịch thực tế, đạt tỷ lệ 34%, tăng 2 điểm % so với kỳ báo cáo trước; Hướng dẫn kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2 VNeID cho người dân trên địa bàn tỉnh, đã hướng dẫn người dân đăng ký, kích hoạt thành công 73.921 tài khoản VNeID.
Nêu cao trách nhiệm của “người đứng đầu”
Chủ tịch Bình Định nhận định, chuyển đổi số nhằm hướng đến phục vụ lợi ích của người dân, DN, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và sự phát triển bền vững của địa phương; giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, kết hợp xây dựng văn hóa, văn minh thời đại số…
Để quá trình chuyển đổi số diễn ra hiệu quả, bền vững, thực chất, đồng bộ, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các DN, tổ chức và người dân, đạt được các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 05-NQ/TU, tỉnh Bình Định thực hiện một số giải pháp trọng tâm.
Tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân và DN tại cơ quan, đơn vị, địa phương về vai trò và hiệu quả mang lại của hoạt động chuyển đổi số.
Đồng thời, nêu cao trách nhiệm của “người đứng đầu” trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động chuyển đổi số; xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài và xuyên suốt của cơ quan, đơn vị, địa phương; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả cung ứng dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và DN.
Thực hiện rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật nhằm điều chỉnh các mối quan hệ mới phát sinh trong quá trình chuyển đổi số; xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp công nghệ số, khuyến khích đổi mới, sáng tạo; thu hút các DN công nghệ số đầu tư vào tỉnh; triển khai thống nhất sử dụng các nền tảng số trong phạm vi toàn tỉnh.
Giải pháp cấp bách là tập trung đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực CNTT chất lượng, sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Chủ động liên kết với các viện, trường, trung tâm nghiên cứu và các đối tác trong và ngoài nước, đẩy mạnh hợp tác với Trường ĐH Quy Nhơn, Phân hiệu ĐH FPT tại tỉnh Bình Định để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số.
“Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình thực hiện chuyển đổi số ở Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ, đặt ra yêu cầu bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng về quản trị hiện đại, thích ứng với chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của chính quyền tỉnh…” Chủ tịch tỉnh Bình Định gợi mở.
Công Sáng – Nguyễn Hiền