Theo giới quan sát, vụ đánh bom vào khu vực đại sứ quán Iran ở Damascus hôm 1/4, tình nghi do các máy bay chiến đấu của Israel tiến hành, là một bước ngoặt kịch tính trong cuộc đối đầu dai dẳng lâu nay giữa hai nước. Tel Aviv hiện vẫn chưa lên tiếng nhận trách nhiệm, nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận Israel đứng sau vụ tập kích này.
Suốt nhiều thập kỷ qua, cả Tehran và Tel Aviv đã có vô số hoạt động chống lại nhau trong cả thế giới thực và thế giới ảo. Chúng bao gồm cả những vụ tấn công mạng, hoạt động hỗ trợ các lực lượng ủy nhiệm, nhiều cuộc không kích và bắn giết có chủ đích, gây thiệt hại cho cả hai bên.
Tuy nhiên, vụ tấn công đại sứ quán ở Damascus đặc biệt nghiêm trọng vì khiến 2 vị tướng và 5 sĩ quan khác thuộc Lực lượng đặc nhiệm Quds trong Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thiệt mạng. Lực lượng Quds là lực lượng tác chiến độc đáo, đã hỗ trợ các nhóm ủy nhiệm của Tehran và các đối tác khu vực bằng tiền bạc, vũ khí và trang thiết bị trong nhiều thập kỷ.
Trong lịch sử của mình, lực lượng Quds chưa bao giờ mất nhiều sĩ quan đến vậy trong một vụ tấn công của đối thủ. Ngay cả vụ tập kích của Mỹ hồi tháng 1/2020 nhằm vào chỉ huy lực lượng Quds lúc đó - Tướng Qassem Soleimani cũng không hạ sát các thành viên cấp cao khác của tổ chức, ngoài ông Soleimani.
Hơn nữa, Chuẩn tướng Mohammad Zahedi, vị tư lệnh lực lượng Quds vừa thiệt mạng trong vụ tấn công ngày 1/4, đang trực tiếp quản lý các mối quan hệ của IRGC với nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon, chính phủ Syria và các nhóm dân quân người Hồi giáo Shi’ite ở quốc gia đó, Phong trào Hồi giáo Hamas và nhóm Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ) tự xưng ở Dải Gaza và Bờ Tây.
Phản ứng của Iran, Mỹ và Israel
Ngay sau vụ tấn công đại sứ quán ở Damascus, các quan chức Iran, trong đó có lãnh đạo tối cao Ayatollah Khamenei đã công khai đổ lỗi cho Israel và thề sẽ trả thù. Ngoại trưởng Iran Hossein Amir nhấn mạnh: “Chúng tôi coi hành động gây hấn này đã vi phạm mọi chuẩn mực ngoại giao và điều ước quốc tế. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã hoàn toàn mất cân bằng tinh thần do những thất bại liên tiếp ở Gaza và việc ông ta không đạt được các mục tiêu theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái của mình”.
Từ quan điểm của Israel, mặc dù không thừa nhận đứng sau vụ việc, nhưng phát ngôn viên của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari tuyên bố, tòa nhà bị trúng không kích không phải là cơ sở ngoại giao, mà là địa điểm các quan chức của lực lượng Quds gặp gỡ các đối tác của họ trong khu vực để thúc đẩy các hoạt động chống lại Israel. Lý lẽ này của Israel đã không nhận được sự ủng hộ của nhiều nước.
Các hãng thông tấn trích dẫn lời một số quan chức Mỹ giấu tên từng nhận định, Tehran có thể phát động chiến dịch trả đũa Israel sau khi tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo kết thúc vào ngày 11/4. Tờ Wall Street Journal của Mỹ tối 11/4 thậm chí đưa tin, Iran đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công trực tiếp vào miền nam hoặc miền bắc Israel trong vòng 24 – 48 giờ tới.
Tel Aviv tuyên bố đang trong tình trạng cảnh giác cao độ và sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xảy ra.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 10/4 đã nhắc lại "cam kết sắt đá" về việc sẽ bảo vệ Israel trong trường hợp nước này bị Iran cùng các tổ chức vũ trang thân cận tấn công. Song, Washington cũng đồng thời cử phái viên Trung Đông liên lạc với chính phủ các nước trong khu vực như Ảrập Xêút, Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, Qatar và Iraq để đề nghị họ tác động và hối thúc Iran kiềm chế.
Quan điểm thận trọng
Trong bối cảnh “cuộc chiến trong bóng tối” kéo dài hàng thập kỷ giữa Iran - Israel vẫn chưa bùng phát thành xung đột quy mô lớn hơn, triết lý của Tehran cho đến nay luôn là đáp trả tương xứng nhưng có chừng mực nhằm cố gắng tránh leo thang xung đột.
Tờ The Conversation dẫn lời Javed Ali, cựu quan chức chống khủng bố cấp cao Mỹ hiện là chuyên gia an ninh quốc gia tại Đại học Michigan lưu ý, dù nhà lãnh đạo tối cao Iran Khamenei hôm 10/4 quả quyết “Israel sẽ bị trừng phạt”, nhưng quốc gia Hồi giáo thường sẽ đợi nhiều ngày, nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều năm trước khi ra tay.
Một nguồn tin thân cận tình báo Mỹ tiết lộ với hãng thông tấn Reuters rằng, trong chuyến công du Oman ngày 7/4, Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian đã ngầm chuyển một thông điệp tới Washington rằng Tehran sẽ đáp trả Israel theo cách “có kiểm soát, tránh leo thang tình hình” và sẽ không hành động vội vàng.
Cũng theo các nguồn thạo tin, ông Amirabdollahian đã cho thấy Iran sẵn sàng giảm căng thẳng nếu các yêu cầu của nước này được đáp ứng, bao gồm cả một lệnh ngừng bắn lâu dài ở Dải Gaza. Song, Tel Aviv đã bác bỏ đòi hỏi này vì muốn tiêu diệt Hamas, nhóm được Tehran hậu thuẫn đã gây ra vụ đột kích đẫm máu vào lãnh thổ Israel hồi tháng 10 năm ngoái và châm ngòi nổ cho giao tranh ở Gaza suốt hơn 6 tháng qua.
Iran cũng tìm cách khôi phục các cuộc đàm phán với Mỹ về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của họ. Quá trình thương lượng đó đã bị đình trệ trong gần 2 năm qua khi cả hai bên đều cáo buộc nhau đưa ra những yêu cầu vô lý.
Các nhà phân tích đánh giá, thông điệp ngoại giao trên ám chỉ cách tiếp cận thận trọng của Iran khi nước này cân nhắc cách đáp trả vụ tấn công ngày 1/4 theo cách vừa khẳng định được sức mạnh răn đe và uy tín trước các đồng minh trong khu vực, vừa tránh lôi kéo Mỹ vào cuộc đối đầu với Israel.
Truyền thông Israel và các nhà bình luận quốc tế đã nêu ra một loạt kịch bản trả đũa của Iran, từ sử dụng các lực lượng ủy nhiệm như Hamas ở Gaza, Hezbollah ở Lebanon, lực lượng nổi dậy Houthis ở Yemen, các nhóm dân quân ở Syria hay Iraq cho đến các vụ tấn công trực tiếp của quân Tehran bằng tên lửa và máy bay không người lái vào lãnh thổ Israel hoặc các cơ sở ngoại giao của Tel Aviv ở nước ngoài. Tuy nhiên, tất cả các biện pháp này đều tiềm ẩn các rủi ro kèm theo.
Giới quan sát đều thống nhất rằng, trong trường hợp Iran hiện thực hóa tuyên bố “trừng phạt” Israel, đây nhiều khả năng sẽ không còn là cuộc xung đột giữa hai nước mà còn kéo theo sự tham gia của những quốc gia khác có lợi ích lớn ở Trung Đông, bao gồm cả Mỹ. Khi đó, “lửa xung đột” chắc chắn sẽ lan rộng hơn nữa ở một khu vực vốn đã đầy bất ổn.