Sau khi bộ sách Người sao chổi, Cuộc nổi dậy của robot, Cuộc chiến vòng quanh thế giới do ChiBooks phát hành đoạt Giải C, Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 5, nhiều đơn vị xuất bản tin rằng dòng văn học kỳ ảo thực sự đã được ghi nhận.
Cũng trong chuỗi niềm tin đó, ngày 29/10, NXB Kim Đồng tổ chức buổi Booktalk Vẻ đẹp văn học kỳ ảo Việt Nam trong Truyện đường rừng và nhiều truyện khác với sự tham gia của các diễn giả: Tiến sĩ Văn học Nguyễn Thị Năm Hoàng, nhà văn Di Li, nhà báo Yên Ba.
Tại buổi Booktalk, NXB Kim Đồng giới thiệu các tác phẩm thuộc dòng văn học này: Truyện đường rừng (Lan Khai), Vàng và máu (Thế Lữ), Bên đường Thiên Lôi (Thế Lữ), Ba hồi kinh dị (Thế Lữ), Thần hổ (TchyA), Kho vàng Sầm Sơn (TchyA), Ai hát giữa rừng khuya (TchyA).
Các diễn giả cho rằng, có thể nói, báo chí và các nhà xuất bản chính là bệ đỡ cho văn học kỳ ảo Việt Nam lúc bấy giờ. Việc NXB Kim Đồng xuất bản những tác phẩm này góp phần định danh Truyện đường rừng. Đây cũng là một cách khám phá di sản văn học rực rỡ của thế hệ trước. Cách phân chia dòng văn học theo thể tài sáng tác này dẫn dắt người đọc vào thế giới huyền bí mà lý trí không giải thích được. Sự sợ hãi, thậm chí hoang đường, kinh dị kích thích trí não người đọc, khiến người ta tìm cách để giải thích, chính vì thế độc giả trở nên phần nào trưởng thành hơn. Mỗi nhà văn sẽ mang đến cho độc giả những trải nghiệm khác nhau làm phong phú thêm cho văn học nước nhà.
“Đây là một nỗ lực rất lớn của NXB Kim Đồng bởi biết đâu đấy nó sẽ khơi dậy một hướng đi cho dòng văn học này. Các bạn trẻ Việt Nam cũng hiểu được rằng, trong giai đoạn của Văn học Việt Nam trước đó đã từng có những tác phẩm hấp dẫn như vậy. Chúng ta sẽ chờ đón những tác phẩm tiếp theo ở dòng văn học tương đối đặc biệt này”, nhà báo Yên Ba nói.
Tiến sĩ Văn học Nguyễn Thị Năm Hoàng - Phó trưởng khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết tín ngưỡng dân gian người Việt xưa nay vẫn tồn tại những điều thuộc về tâm linh. Đó là lý do tại sao người ta vẫn nói "thần cây đa, ma cây gạo". Trong khi đó, văn học là nhân học, văn học phản ánh một phần đời sống tinh thần, tâm lý của con người, vì thế không thể thiếu những tác phẩm có yếu tố kỳ ảo.
Chính vì thế, theo TS. Năm Hoàng, với thể loại truyện kỳ ảo này, các tác giả mở ra một thế giới đầy sáng tạo. Với Lan Khai, đó là "truyện lồng trong truyện" khi từ vai trò người kể truyện tác giả lại đưa ra những nhân vật khác với những gì họ trải qua và kể lại. Với Tchya thì ngồn ngộn tư liệu và triết lý sống. Còn như Thế Lữ thì lại mang đến vẻ đẹp của văn chương với ngôn từ, với cách miêu tả kỹ lưỡng, phơi bày cho chúng ta những bức tranh rất đẹp, nên thơ của thiên nhiên, rừng núi, của hành trình du ký,…
“Dù nói những câu chuyện kỳ ảo nhưng những nhà văn này lại gợi cho chúng ta những câu chuyện về phong tục phong tục, tập quán của người Việt, ở đây là vùng miền núi, nơi đường rừng với cách ăn cách ở, cách nói, cách sinh hoạt thời đó. Bởi vậy, không khí mà họ đưa đến cho người đọc vừa huyền ảo huyễn hoặc vừa rất hiện thực. Điều đó cho thấy các nhà văn đã tham dự rất sâu sắc vào đời sống của người dân để viết nên những ''tiểu thuyết đậm chất phong tục" bên cạnh những ly kỳ, rùng rợn kia”, TS. Năm Hoàng chia sẻ.
Nhà văn Di Li cho rằng, bộ sách của NXB Kim Đồng cho người đọc thấy được vẻ đẹp huyền hoặc của rừng và hơn thế nữa nó còn có giá trị về bảo vệ rừng. Nhưng cô cũng lo ngại rằng: Ở thời đại công nghệ như hiện nay, những cuốn sách kỳ ảo kiểu này không biết còn thu hút được giới trẻ?
Tuy nhiên, nhà báo Yên Ba cho rằng, ở bất cứ thời kỳ nào, tuổi tác ra sao thì sự tò mò, ham muốn hiểu biết đều tồn tại nên không cần quá lo lắng việc độc giả trẻ có đón nhận hay không. Ra đời cách nay gần một thế kỷ, những tác phẩm của nhà văn Thế Lữ, Lan Khai, TchyA vẫn chứng tỏ sức hấp dẫn với nhiều thế hệ bạn đọc.