Phương châm “4+1” để giải vấn đề chung của các tổ chức
Ngày 11/9, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị trực tuyến giao ban quản lý nhà nước quý III/2023 với các sở TT&TT. Được kết nối trên toàn quốc với 67 điểm cầu, Hội nghị còn có sự tham dự của các Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, Nguyễn Thanh Lâm.
Tại hội nghị giao ban lần này, Bộ TT&TT với các sở TT&TT dành gần như toàn bộ thời gian để tìm các vấn đề nổi cộm, vướng mắc kéo dài của các lĩnh vực quản lý cũng như định hướng giải quyết, tháo gỡ.
Tổng hợp từ thực tế quản lý các lĩnh vực được phân công phụ trách, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nêu 2 vấn đề nan giải mà 63 sở TT&TT đều đang gặp phải, đó là câu chuyện thiếu người làm và họ cũng không biết bắt đầu từ đâu.
Cụ thể, nhiều sở TT&TT chỉ có 1, 2 nhân sự phụ trách chung tất cả lĩnh vực, từ bưu chính, chuyển đổi số, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đến công nghiệp ICT. Song song với câu chuyện thiếu người làm, ngành TT&TT hiện có nhiều lĩnh vực mới, điều này dẫn đến việc chuyên viên của các sở chưa rõ hết được nội hàm và vì vậy chưa biết làm thế nào, chưa phát huy được vai trò tham mưu, quản lý nhà nước.
Đưa ra lời giải cho vấn đề chung kể trên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gợi ý các sở TT&TT địa phương cần xử lý thách thức này theo phương châm “4+1”. Trong đó, việc cần làm ngay là dùng công cụ số, ứng dụng AI để thay cho 60% công sức lao động, giúp gia tăng năng suất. Thứ hai là đối với việc khó, việc mới, khi giao việc, Bộ TT&TT sẽ hướng dẫn, chỉ ra cách làm.
Thứ ba là tiến hành xã hội hóa, kêu gọi nhiều lực lượng cùng tham gia giải quyết các vấn đề của ngành tại địa phương, bằng việc thành lập tổ công tác hỗ trợ bao gồm đại diện các doanh nghiệp bưu chính viễn thông, CNTT, công nghệ số, các đơn vị báo chí, phát thanh truyền hình, in ấn, xuất bản trên địa bàn. Tổ công tác tại địa phương sẽ do giám đốc sở TT&TT là người chủ trì, giao nhiệm vụ - cách làm này sẽ giúp giảm tải công việc cho các sở, đồng thời giúp các sở có thể dùng được các nguồn lực tốt hơn.
Thứ tư là các đơn vị cần rà soát, thiết kế lại tổ chức của mình, bỏ bớt đi những việc cũ không còn giá trị để tối ưu hóa nguồn lực, dành thời gian công sức cho việc mới.
Với việc thứ 5 (có thể chưa làm được ngay), nhưng cũng rất quan trọng, đó là sở TT&TT nên có ngân sách để thuê các chuyên gia xuất sắc trong một thời gian ngắn, hoặc theo từng dự án để bổ sung những tri thức mới cho đơn vị mình. Các giám đốc sở TT&TT cần đề nghị với UBND tỉnh, nói chuyện với Hội đồng nhân dân về việc dành một phần ngân sách cho việc này.
Từ trường hợp cụ thể của Sở TT&TT Lào Cai trong việc dùng ngân sách nhà nước để thuê nhân sự làm CNTT, Bộ trưởng lưu ý: Thuê người vận hành hệ thống khác với thuê chuyên gia. Vận hành hệ thống trong thời gian dài thì tốt nhất là thuê doanh nghiệp. Thuê chuyên gia thì chỉ trong thời gian ngắn nhằm lấy tri thức mới, xuất sắc cho tổ chức.
Hiểu vấn đề của ngành, lĩnh vực là nhiệm vụ quan trọng
Qua trao đổi với một số sở, cơ quan tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét, việc nhận diện các vấn đề, vướng mắc kéo dài nhiều năm của ngành, lĩnh vực của lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ cũng như các sở TT&TT nhận diện đúng, chưa được coi là việc quan trọng và cũng chưa tìm cách xử lý dứt điểm.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng, các Sở TT&TT và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ cần phải nhận thức rằng: hiểu vấn đề của ngành, lĩnh vực, nhận thấy các vấn đề nổi cộm trong lĩnh vực mình quản lý là một nhiệm vụ quan trọng trong quản lý nhà nước. Trên cơ sở nhận biết đúng vấn đề, cần đặt đúng câu hỏi và không ngại hỏi. Thông thường, từ 70 - 90% các vấn đề, câu hỏi của các sở TT&TT, Bộ có thể trả lời được ngay. Giả sử có 10%, nhiều là 30% các câu hỏi của sở chưa có câu trả lời, Bộ sẽ giao các đơn vị nghiên cứu, lãnh đạo Bộ sẽ thảo luận, tìm hiểu kinh nghiệm trong nước và quốc tế để tìm ra lời giải.
Người đứng đầu ngành TT&TT đề nghị các sở TT&TT khi gặp vấn đề mới, khó thì đẩy lên Bộ, bởi đây cũng là cách để các cơ quan của Bộ giỏi lên, từ đó giúp Bộ, ngành TT&TT phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng một lần nữa khẳng định: Mục tiêu quản lý nhà nước là phát triển lành mạnh lĩnh vực được quản lý. Và muốn phát triển lành mạnh thì cần phải hiểu rõ được đâu là điểm nghẽn, từ đó giải quyết đến cùng điểm nghẽn này.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thống nhất cách làm mới của Bộ, đó là những việc mới, việc lớn về chiến lược, luật lệ, thể chế thì làm từ trên xuống, lãnh đạo viết trước và nhân viên góp ý. Những việc thường xuyên, đã có quy định và chiếm tới 95% các hoạt động thì bao giờ cũng đi từ dưới lên. “100% đi từ dưới lên không đúng, nhưng 100% đi từ trên xuống cũng không đúng”, Bộ trưởng chỉ rõ.
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Hướng dẫn những vấn đề chung cho toàn quốc, chung cho các tỉnh, chung cho các sở, là việc Bộ TT&TT phải làm. Các hoạt động chủ yếu diễn ra tại các địa phương, có đạt kết quả hay không là ở địa phương, nên Bộ cần phải hướng dẫn.Việc hướng dẫn phải cụ thể: Hướng dẫn cái gì? Hướng dẫn như thế nào và bao giờ xong?
Bộ trưởng cũng yêu cầu các các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ, khi nhận thấy vấn đề vướng mắc thì cần tăng cường đi địa phương, xuống cơ sở để khảo sát, tìm hiểu nhằm tìm ra cách giải quyết vấn đề đó. “Đi địa phương mà không có nội dung, mục đích rõ ràng thì không nên đi. Khi đã xác định được vấn đề thì đi thực tế, tập trung tìm ra lời giải”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo.
Nhấn mạnh chuyển đổi số đã đến lúc cần triển khai ứng dụng mạnh mẽ, Bộ trưởng nêu yêu cầu: Mỗi tỉnh sẽ thành lập 1 trung tâm chuyển đổi số, là nơi tập hợp các giải pháp chuyển đổi số xuất sắc của các doanh nghiệp. Đây cũng là nơi thể hiện các lời giải, cách làm, việc phải làm, tương tự như cẩm nang hướng dẫn Bộ TT&TT sẽ ban hành trong tháng 9. Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ TT&TT) sẽ triển khai một trung tâm chuyển đổi số tại một địa phương cụ thể, để làm mẫu, hướng dẫn cho các địa phương khác.