Không gian tăng trưởng chính đến từ chuyển đổi số ngành, lĩnh vực
Chiều ngày 30/8, tại trụ sở Bộ TT&TT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số chủ trì phiên họp chuyên đề thứ 2 trong năm nay của Ủy ban với chủ đề “Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực”.
Được kết nối trực tuyến với điểm cầu của 63 địa phương, Hội nghị còn có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, Ủy viên Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số; Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung cùng lãnh đạo các Ban chỉ đạo chuyển đổi số bộ, ngành, địa phương.
Khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của kinh tế số, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nhấn mạnh kinh tế số phải trở thành động lực chính cho tăng trưởng nhanh và bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Để đạt mục tiêu kinh tế số chiếm tối thiểu 20% GDP vào năm 2025 như Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đề ra, kinh tế số phải tăng trưởng gấp 3 - 4 lần tăng trưởng GDP, tức là khoảng trên 20%/năm. “Đây là nhiệm vụ khó khăn, thách thức và cần phải có giải pháp đột phá mới có thể đạt được”, Bộ trưởng nhận định.
Trên cơ sở phân tích thực trạng 2 thành phần chính của kinh tế số là Công nghiệp ICT và kinh tế số từng ngành, lĩnh vực, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số chỉ rõ: Không gian phát triển kinh tế số Việt Nam nằm ở các ngành, các lĩnh vực là chính.
Bên cạnh đó, đặc biệt lưu ý đến sự cần thiết phải đo lường được kinh tế số quốc gia cũng như kinh tế số từng ngành, lĩnh vực, địa phương. Chỉ có đo lường được mức độ phát triển kinh tế số với độ trễ thấp, theo tháng, theo quý thì mới có dữ liệu để thúc đẩy phát triển kinh tế số.
Cùng với việc bàn giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực, việc đo lường mức độ phát triển kinh tế số cũng là vấn đề được các đại biểu quan tâm thảo luận. Phản ánh từ các lãnh đạo địa phương, sở TT&TT cho thấy, các địa phương đều gặp khó khăn trong khâu đo lường kinh tế số của tỉnh, thành phố mình.
Theo ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội (Bộ TT&TT), số liệu chính thức về tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam sẽ do Bộ KH&ĐT, trực tiếp là Tổng cục Thống kê công bố.
Tuy nhiên, xét thấy vai trò động lực quan trọng của chuyển đổi số, kinh tế số với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, để có cơ sở dự báo xu hướng, đánh giá tác động của chính sách với sự tăng trưởng kinh tế số, trong thời gian Tổng cục Thống kê chưa chính thức công bố, nhóm nghiên cứu của Bộ TT&TT và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đề xuất phương pháp để ước tính và đo lường các chỉ tiêu về kinh tế số.
Kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy, ước tính tỷ trọng kinh tế số trên GDP cả nước liên tục tăng từ năm 2021 đến nay, từ 11,91% năm 2021 lên 14,29% năm 2022 và ước tính 6 tháng đầu năm 2023 là gần 15%. Trong đó, năm 2022 tỷ lệ giữa kinh tế số ICT và lan tỏa ICT trong các ngành, lĩnh vực lần lượt là 65% và 35%.
Về việc đo lường tỷ trọng kinh tế số, người đứng đầu ngành TT&TT lưu ý rằng cần đào tạo, hướng dẫn để chính các tỉnh, thành phố nắm được công thức, biết cách thức đo, có thể tự đo được thì địa phương mới biết cách để thúc đẩy phát triển kinh tế số trên địa bàn.
Phổ cập smartphone để thúc đẩy kinh tế số
Việc phổ cập smartphone là một yếu tố quan trọng để người dân chuyển đổi các hoạt động từ thế giới thực lên môi trường số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Theo thống kê của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), trong 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, số địa phương có tỷ lệ thuê bao smartphone cao hơn 80% là 25; 38 địa phương còn lại có tỷ lệ này dưới 80%.
Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) Nguyễn Thành Phúc cho biết, trên cơ sở phân tích tình hình thực tế tại Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Cục đề xuất 5 giải pháp để nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng smartphone tại các địa phương để thúc đẩy kinh tế số.
Trong đó, 2 giải pháp trọng tâm là chỉ đạo doanh nghiệp xây dựng và triển khai chương trình chuyển đổi thuê bao sử dụng công nghệ cũ 2G/3G sang smartphone và tăng cường thực thi Thông tư 43 năm 2020 của Bộ TT&TT để góp phần tăng cường chuyển đổi các máy di động smartphone hoạt động trên mạng.
Thời gian tới, bên cạnh triển khai thanh tra, kiểm tra việc nhập khẩu, lưu thông các máy điện thoại 2G Only, 3G Only; Bộ TT&TT sẽ chỉ đạo nhà mạng ngăn chặn máy 2G Only, 3G Only (không tuân thủ Quy chuẩn QCVN 117:2020/BTTTT) kết nối vào mạng viễn thông di động và triển khai các giải pháp truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang sử dụng smartphone.
Trong phiên chuyên đề thứ hai của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, nội dung thảo luận tiếp tục được dành phần lớn thời gian. Đại diện Bộ Giao thông vận tải; các tỉnh Hải Phòng, Bình Thuận, Lạng Sơn cùng các doanh nghiệp Smartlog, ezCloud, Vinatex, InfoRe đã chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm đột phá cùng những ý tưởng mới để phát triển kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực.
Nói về cách giải quyết bài toán Cảng biển số, ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm CNTT - Bộ Giao thông vận tải cho biết, với sự đồng hành của 2 Bộ TT&TT và Giao thông vận tải ngay từ khi tìm kiếm giải pháp đến triển khai ứng dụng thực tế, từ chỗ mới chỉ ứng dụng tại 1 cảng thì đến nay nền tảng Cảng biển số của Công ty Smart Logistics Technology đã được ứng dụng tại 21/148 cảng lớn và nền tảng đã kết nối 15 cảng. “Đến nay, có thể khẳng định là doanh nghiệp Việt Nam đủ sức giải bài toán Cảng biển số”, ông Lê Thanh Tùng chia sẻ.
Chia sẻ kinh nghiệm của địa phương đầu tiên triển khai nền tảng Cửa khẩu số, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho hay, sau gần 2 năm, hiện 100% xe hàng đã khai báo trực tuyến trên nền tảng. Nền tảng đã được nâng cấp 26 lần với 300 lần chỉnh sửa lớn nhỏ theo điều kiện thực tế, và đến nay, đã xử lý cho 369.000 lượt phương tiện, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu là 53,57 tỷ USD.
Phát triển kinh tế số theo con đường Việt Nam
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng một lần nữa nhấn mạnh, kinh tế số đã và đang đóng vai trò ngày một quan trọng và trở thành động lực chính để phát triển kinh tế, đặc biệt là trong và sau khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra.
Chỉ rõ về lâu dài kinh tế số ngành sẽ là chính, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Việt Nam cần thúc đẩy chuyển đổi số để tạo ra kinh tế số trong từng ngành, từng lĩnh vực, đưa dữ liệu và công nghệ số thẩm thấu một cách tự nhiên, mặc định vào từng hoạt động của nền kinh tế.
Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là một chặng đường dài, là ứng dụng nhiều hơn là nghiên cứu. Bởi vậy, đặc điểm dân tộc, ngữ cảnh đất nước, đặc thù của từng ngành là yếu tố quyết định. Bài toán Việt Nam thì tạo ra lời giải và sản phẩm Việt Nam, tạo ra cách tiếp cận Việt Nam.
“Việt Nam phải đi con đường Việt Nam và vì đi con đường Việt Nam mà chúng ta có cơ hội tiến lên đi đầu. Một lý luận về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số Việt Nam có ý nghĩa quyết định. Bộ TT&TT đặt mục tiêu xây dựng lý luận này”, Bộ trưởng khẳng định.
Đưa ra khái niệm kinh tế số theo nghĩa rộng với mong muốn ai cũng có thể hiểu và làm được, Bộ trưởng cũng chỉ ra rằng, muốn tăng trưởng nhanh, cao hơn thì cần không gian mới, cần lực lượng sản xuất mới, cần nguồn lực sản xuất mới, cần yếu tố sản xuất mới và cần động lực mới. Không gian mới là kinh tế số, lực lượng sản xuất mới là công nghệ số, nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số và yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số, động lực mới là đổi mới sáng tạo số.
Phát triển kinh tế số Việt Nam cơ bản phải dựa trên đổi mới sáng tạo số, phải đầu tư vào hạ tầng số, phải tích hợp kinh tế số vào mọi ngành, mọi lĩnh vực, phải hoàn thiện thể chế số, phải thực hiện quản trị số và phải đào tạo kỹ năng số, nhân lực số và đặc biệt là thu hút nhân tài số.
Bộ trưởng cũng chỉ rõ, học hỏi lẫn nhau vẫn là yếu tố quan trọng. Bộ TT&TT sẽ tổng hợp các kinh nghiệm hay về phát triển kinh tế số của các địa phương, các ngành, các nước để chia sẻ. Bản tin về kinh nghiệm phát triển kinh tế số sẽ được thực hiện hàng tháng, giống như bản tin chuyển đổi số.