BHXH bắt buộc hạn chế người hưởng lương hưu quá cao
Người hưởng lương hưu cao nhất cả nước hiện nay là ông P.P.N.T. (cư trú tại TPHCM). Sau nhiều lần điều chỉnh, hiện tại ông T. nhận mức lương hưu 140 triệu đồng/tháng, mức hưởng của ông T. tiếp tục tăng thêm khi lương hưu được điều chỉnh.
Lương hưu của ông T. cao là vì khi nghỉ hưu, ông T. là Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc của một công ty nước ngoài và đã có quá trình đóng với mức rất cao trong 23 năm tham gia BHXH.
Giai đoạn trước năm 2007 khi quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH theo mức lương thực tế (không bị giới hạn mức trần như quy định hiện hành), đóng BHXH bình quân của ông T. có những thời điểm hơn 200 triệu đồng/tháng.
Kể từ khi Luật BHXH 2006 có hiệu lực, quy định mức trần tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc cao nhất bằng 20 tháng lương cơ sở thì việc người đóng BHXH bắt buộc có thể nhận mức lương hưu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng đã không còn.
Theo giải thích từ BHXH Việt Nam, việc quy định mức trần đóng BHXH nhằm đảm bảo sự bình đẳng giữa những người tham gia BHXH với nhau.
Thực tế có nhiều người làm quản lý trong các doanh nghiệp FDI có mức lương từ 200 -300 triệu đồng/tháng, nếu không quy định mức trần mức đóng cao khi hưởng lương hưu sẽ rất cao, điều này tạo nên sự chênh lệch lớn giữa những người hưởng lương hưu.
Trong khi chính sách BHXH có vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh và được nhà nước bảo hộ vì thế nên lương hưu thường xuyên được điều chỉnh để người về hưu đảm bảo cuộc sống.
Nếu không quy định mức trần sẽ tạo sự chênh lệch lớn khi điều chỉnh tăng lương hưu.
Đơn cử như tháng 7 vừa qua, khi nhà nước điều chỉnh lương hưu tăng 15%, với mức lương hưu 140 triệu đồng tháng, ông T. ở TPHCM sẽ được tăng thêm 14 triệu đồng/tháng, trong khi đa số những người hưởng lương hưu thấp chỉ tăng rất thấp, có người chỉ được tăng vài trăm ngàn, hoặc một vài triệu đồng mỗi tháng.
Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, quy định về mức trần lương tính đóng BHXH cơ bản sẽ tạo ra mặt bằng chung với khoảng cách không quá lớn giữa những người nhận lương hưu; nếu tham gia mức tối đa trong thời gian dài vẫn đảm bảo có lương hưu cao.
Đóng Bảo hiểm hưu trí bổ sung để hưởng lương hưu cao
Theo ông Phạm Minh Huân, để có mức lương hưu cao, nhà nước khuyến khích người lao động và doanh nghiệp tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện được miễn giảm thuế.
Luật BHXH năm 2024 có một số thay đổi về chính sách lương hưu. Theo điều luật này, BHXH gồm năm loại hình gồm: Trợ cấp hưu trí xã hội, BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Luật BHXH 2024 quy định chế độ hưu trí bổ sung loại hình bảo hiểm do người sử dụng lao động và người lao động tự nguyện thỏa thuận, không giới hạn mức đóng.
Khoản đóng góp vào quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung được quản lý theo từng tài khoản hưu trí cá nhân. Hoạt động quản lý quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch và phải bảo đảm đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.
Mức chi trả bảo hiểm hưu trí bổ sung được xác định trên cơ sở số dư tài khoản hưu trí cá nhân tại thời điểm chi trả, được tích lũy thông qua hoạt động đầu tư quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung theo nguyên tắc thị trường.
Thêm vào đó, quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung là quỹ tài chính độc lập với ngân sách Nhà nước; được hạch toán, kế toán, lập báo cáo tài chính, kiểm toán theo quy định của pháp luật về kế toán và pháp luật về kiểm toán.
Nguồn hình thành quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung bao gồm đóng góp của người sử dụng lao động, người lao động và tiền sinh lời của hoạt động đầu tư của quỹ. Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung được sử dụng để chi trả chế độ hưu trí bổ sung cho người lao động, chi phí tổ chức và hoạt động quản lý.
Đối với quỹ này, nhà nước khuyến khích phát triển thông qua các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về thuế. Qua đó, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm sự lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn.
Hiện nay Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ LĐTB&XH ban hành thông tư hướng dẫn văn bản thỏa thuận tham gia gia bảo hiểm hưu trí bổ sung giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Trường hợp nếu người lao động muốn lương hưu cao hơn thì có thể tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện đã được áp dụng song hành với quy định về trần lương tính đóng BHXH cơ bản.