Theo các quan chức Israel, có tới 150 con tin đang bị Hamas giam giữ ở Dải Gaza. Trong khi đó, Nhà Trắng cho biết, 17 người Mỹ hiện vẫn mất tích và một phần trong số họ có thể đang nằm trong tay nhóm vũ trang Hồi giáo này.
Hamas đã đe dọa sẽ hành quyết các con tin và phát sóng video về vụ hành quyết nếu Israel tấn công không báo trước vào các mục tiêu ở Gaza.
Trong một bài viết đăng tải trên CNN, chuyên gia phân tích an ninh Mỹ Peter Bergen nhấn mạnh, cách tiếp cận ít rủi ro nhất đối với các con tin là giành lại tự do cho họ thông qua thương lượng. Các quan chức Qatar đang liên lạc với Hamas nhằm đạt được một thỏa thuận như vậy.
Theo ông Bergen, Qatar nằm trong số rất ít chính phủ có ảnh hưởng với Hamas, vì nước này đã viện trợ hàng trăm triệu USD cho các gia đình nghèo ở Gaza những năm gần đây.
Qatar cũng có thành tích trung gian dàn xếp các vụ phóng thích. Ví dụ, tháng trước, chính quyền Doha đã giúp đảm bảo việc thả 5 tù nhân Mỹ bị Iran giam giữ, trong đó Washington phải chấp nhận dỡ bỏ phong tỏa 6 tỷ USD doanh thu từ dầu mỏ của Tehran và gửi đến một ngân hàng của Qatar để sử dụng cho các mục đích nhân đạo ở Iran.
Chuyên gia Mỹ lưu ý, nếu các bên có thể đạt thỏa thuận trao đổi như trước đây, Hamas nhiều khả năng sẽ đưa ra yêu cầu cứng rắn. Trong một lần trao đổi năm 2011, nhóm từng buộc Chính phủ Israel phải chấp nhận trao trả 1.000 tù nhân người Palestine để đổi lấy tự do cho mình binh sĩ Do Thái Gilad Shalit.
Tất nhiên, phía Israel hiện vẫn còn những lựa chọn khác, chẳng hạn như giao cho các lực lượng đặc nhiệm thực hiện chiến dịch giải cứu. Song, điều đó cần dựa trên việc biết chính xác vị trí của các con tin. Các lực lượng đặc nhiệm Mỹ đang chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Israel, nhưng không tham gia sứ mệnh giải cứu con tin trên thực địa.
Cho đến nay chưa có dấu hiệu nào về nơi các con tin đang bị giam giữ. Trong khi đó, Hamas đang vận hành một mạng lưới đường hầm dưới mặt đất ở Gaza, khiến việc xác định vị trí các con tin trở nên vô cùng khó khăn, nếu họ bị nhốt giữ trong đó.
Khi tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) bắt cóc các nhà báo và nhân viên cứu trợ Mỹ năm 2012, Washington đã phát động một chiến dịch giải cứu vào năm 2014, dựa trên những dấu hiệu phản ánh họ đang bị giam giữ tại một địa điểm cụ thể ở Syria. Song, các con tin đã bị di dời đến địa điểm khác khi chiến dịch giải cứu diễn ra. ISIS sau đó đã giết chết các con tin Mỹ.
Ngoài ra, việc giải cứu cũng có thể gây nguy hiểm cho con tin, ngay cả khi lực lượng đặc nhiệm lành nghề nhất được triển khai. Năm 2010, Taliban bắt cóc nhân viên cứu trợ người Anh Linda Norgrove và đội đặc nhiệm SEAL 6 nổi tiếng tinh nhuệ của Hải quân Mỹ đã được giao thực hiện chiến dịch giải cứu. Các cuộc điều tra sau đó hé lộ, Norgrove rốt cuộc đã thiệt mạng vì một mảnh lựu đạn văng ra trong quá trình giải cứu cô.
Những kẻ bắt giữ con tin cũng có thể giết tù nhân của chúng trong thời gian diễn ra các hoạt động giải cứu. Năm 2014, trong khi đội đặc nhiệm SEAL 6 hành động ở Yemen, nhà báo người Mỹ Luke Somers đã bị bọn bắt cóc thuộc mạng lưới khủng bố Al Qaeda sát hại.
Một nghiên cứu năm 2017 của ông Bergen và cộng sự thuộc tổ chức New America phát hiện, suốt 15 năm qua, trong 42 trường hợp con tin phương Tây bị các nhóm khủng bố bắt giữ và các nhà chức trách có thực hiện những chiến dịch giải cứu họ, 20% các con tin đã mất mạng.
Ông Bergen kết luận, việc giành tự do cho các con tin thông qua đàm phán, có thể do người Qatar làm trung gian, là cách tiếp cận có rủi ro thấp nhất đối với cuộc khủng hoảng hiện nay. Nếu Hamas có thể thả trẻ em và người lớn tuổi trước trong số các con tin nhóm đang giam giữ, đây sẽ là một khởi đầu tốt.