Startup tiếp theo xuất hiện trên Shark Tank Việt Nam mùa 5 tập 8 là Gill Carmo đến từ Lisbon, Bồ Đào Nha. Anh đến Việt Nam 10 năm trước và đã lập gia đình với một người phụ nữ Việt.
Gill Carmo hiện là Nhà đồng sáng lập và điều hành của iMotorbike - một startup mua bán xe máy online có công ty mẹ tại Singapore nhưng đang hoạt động tại Việt Nam và Malaysia.
Chia sẻ về startup của mình, Gill Carmo cho biết, iMotorbike sẽ sàng lọc theo một số tiêu chí và tự ứng tiền để nhập lại xe cũ của người dùng. Sau đó, startup này tiến hành kiểm tra, sửa chữa lại xe trước khi bán lại chiếc xe cho người dùng mới. Thông tin chi tiết về xe sẽ được cập nhật đầy đủ trên website của iMotorbike.
Việt Nam có 70 triệu xe máy được đăng ký, 10 triệu xe máy đổi chủ mỗi năm. Theo chia sẻ của Gill Carmo, đây sẽ là mảng thị trường màu mỡ để startup phát triển.
Cho đến nay, iMotorbike đã giao dịch hơn 1.000 xe máy và tạo ra doanh thu hơn 1,1 triệu USD chỉ trong vòng 11 tháng. Biên lợi nhuận là 7% trong mỗi giao dịch. Chu kỳ hàng tồn kho trung bình là 26 ngày.
Đến với Shark Tank Việt Nam, Gill Carmo kêu gọi các shark đầu tư 600.000 USD cho 5% cổ phần của công ty.
Theo chia sẻ của startup này, iMotorbike hiện tập trung hoạt động ở TP.HCM và Kuala Lumpur (Malaysia). Tại Việt Nam, startup có nguồn cung từ nhiều nơi và có khoảng 120 xe máy trong kho. Trong đó, 30 chiếc ở Việt Nam, số còn lại ở Malaysia.
Gill Carmo cho biết thêm, iMotorbike thường từ chối 70-80% lượng xe thẩm định. Lý do là chỉ muốn nhập nguồn hàng có chất lượng thật tốt để sớm quay vòng vốn. Do mua xe bằng dòng tiền của chính mình, startup quyết định gọi thêm vốn đầu tư để bổ sung vào nguồn vốn của công ty. Trước đó, iMotorbike đã huy động được tổng cộng 1,5 triệu USD.
Trước chia sẻ của startup, Shark Louis (Tổng Giám đốc Công ty quản lý Quỹ đầu tư Saigon Asset Management) thắc mắc về việc iMotorbike có lợi nhuận gộp tương đối thấp (7%) nhưng lại định giá doanh nghiệp lên đến 12 triệu USD.
Lý giải cho điều này, nhà sáng lập Gill Carmo cho rằng anh sử dụng phương pháp so sánh tương đương với các công ty mua bán xe hơi như Carro, Carsome.
Tuy nhiên, lời giải thích không được các “cá mập” hài lòng bởi theo Shark Louis, cách so sánh này không công bằng khi người tiêu dùng ở Việt Nam không giống với các quốc gia khác. Bên cạnh đó, với biên lợi nhuận 7%, giả sử doanh thu hàng năm là 1,5 triệu USD, startup cần tới 142 năm để đạt 12 triệu USD, bằng với mức định giá hiện tại.
Trả lời câu hỏi của Shark Linh (cựu Giám đốc Chiến lược và Vận hành, tập đoàn VinaCapital) về công nghệ, Gill Carmo cho biết iMotorbike có một chức năng nội bộ có thể hỗ trợ hoạt động của công ty. Anh muốn phát triển chức năng hỗ trợ này để có thể sắp xếp hợp lý hoạt động từ mua, quản lý hàng tồn kho đến bán xe máy. Gill Carmo cũng khẳng định doanh nghiệp của mình là kinh doanh dựa trên công nghệ.
Tuy vậy, Shark Bình (Chủ tịch HĐQT NextTech Group) - vị “cá mập” công nghệ của Shark Tank lại không đồng tình với nhận định đó. Ông phân tích, trong trường hợp của iMotorbike công nghệ không thể chuyển đổi gì nhiều.
Theo Shark Bình, mô hình kinh doanh của iMotorbike giống như C2B2C (Consumer to Business to Consumer – Người tiêu dùng đến doanh nghiệp đến người tiêu dùng), một mô hình thương mại. Như vậy, startup cần chi phí cao bởi phải tuyển dụng nhiều kỹ thuật viên và sử dụng dòng tiền của mình để mua hàng.
Shark Hưng (Phó chủ tịch HĐQT Cen Group) nhận định, mô hình kinh doanh của iMotorbike có tiềm năng ở Việt Nam. Nhưng dưới góc độ đầu tư ngắn hạn, ông không thấy khả năng thoái vốn với tỷ suất sinh lời cao. Ngoài ra, ông không muốn đầu tư nước ngoài vì khó quản lý. Vì vậy, Shark Hưng từ chối ra deal cho Startup này.
Shark Liên và Shark Linh cũng từ chối startup vì không phù hợp với chiến lược đầu tư. Với Shark Louis, ông cho rằng startup định giá cao và thiếu lợi thế cạnh tranh nên cũng rút lui khỏi thương vụ này.
Với “cá mập” còn lại của chương trình, Shark Bình quan ngại về mô hình kinh doanh của startup. Ông nhận xét mô hình kinh doanh của iMotorbike là “mô hình hybrid”, lai giữa một mô hình truyền thống và được hỗ trợ bởi công nghệ. Vì vấn đề trọng yếu đó nên ông quyết định không đầu tư.
Do bị một loạt “cá mập” từ chối, thương vụ đã phải khép lại và nhà sáng lập iMotorbike ra về với không một đồng vốn đầu tư nào.
Trọng Đạt