Hiện Việt Nam có khoảng 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động (Số liệu Tổng điều tra kinh tế năm 2021). Trong đó, theo “Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2021”, tỷ lệ doanh nghiệp có số lao động sử dụng email thường xuyên trên 50% trong công việc là 43%.
Nếu tính cả các công cụ liên lạc tích hợp như chat, họp trực tuyến video, chia sẻ, soạn thảo tài liệu, bảng tính, trình diễn hỗ trợ cả môi trường desktop & mobile, tỷ lệ này còn lớn hơn nhiều. Tuy vậy, hầu như toàn bộ thị trường dịch vụ thư điện tử tại Việt Nam hiện nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài.
Thực tế cho thấy, nếu như các sản phẩm, dịch vụ số như ứng dụng chat, gọi xe, trình duyệt, phần mềm diệt virus… đều đã ít nhiều ghi dấu ấn người Việt thì với thị trường thư điện tử, đóng góp của người Việt gần như là con số 0 trong lĩnh vực này.
Mới đây, một công ty Việt Nam đang muốn thay đổi thực trạng đó bằng việc tung ra thị trường dịch vụ thư điện tử Make in Việt Nam. Tuy sử dụng mã nguồn mở của nước ngoài, đây là một sản phẩm đã được Việt hóa, tùy chỉnh và được kỳ vọng sẽ góp phần đặt những viên gạch đầu tiên trong việc phát triển các dịch vụ thư điện tử của người Việt.
Sự ra đời của sản phẩm này cũng hưởng ứng chính sách thúc đẩy việc sử dụng phần mềm nguồn mở mà Bộ Thông tin & Truyền thông đã khởi xướng.
PV VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Trương Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Cổ phần Giải pháp Thông tin (iWay) để thảo luận về sự phát triển của thị trường thư điện tử tại Việt Nam, cũng như để xem liệu người Việt có thể làm được gì trong mảng thị trường này.
PV: Ông có thể chia sẻ về quy mô, thị phần cũng như tốc độ phát triển của thị trường giải pháp email tại Việt Nam?
Ông Trương Anh Tuấn: Sau hơn năm mươi năm ra đời với chức năng ban đầu chỉ là gửi và nhận thư đến, xu hướng hiện nay là các hệ thống email đã phát triển thành giải pháp thư điện tử và liên lạc tích hợp, với các tính năng quan trọng như lịch, soạn thảo, chia sẻ tài liệu, chat, họp video và hỗ trợ cả nền tảng di động.
Về dịch vụ thư điện tử tích hợp, các doanh nghiệp tại Việt Nam thường có hai lựa chọn là đăng ký dịch trên cloud và triển khai dùng riêng.
Nhà cung cấp dịch vụ cloud đang dẫn đầu thị trường là Google với chính sách miễn phí cho doanh nghiệp đã có từ lâu. Tuy nhiên chính sách này đã dần bị thắt chặt.
Theo thông báo chính thức từ Google, kể từ ngày 1/8/2022, hãng này sẽ ngừng cung cấp miễn phí dịch vụ G Suite Legacy Free. Đây là bộ công cụ bao gồm Gmail, Drive, Docs, Meet, Calendars... theo tên miền riêng từng được Google cấp phát miễn phí cho các tổ chức, doanh nghiệp.
Chi phí để duy trì một tài khoản Google với giá từ 6 đến 18 USD/tháng sẽ không phù hợp với nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Đó là cơ hội cho các nhà cung cấp dịch vụ trong nước, nhất là các dịch vụ thư điện tử nguồn mở tích hợp.
PV: So với các quốc gia khác trên thế giới, thói quen và nhu cầu sử dụng email của người dùng và doanh nghiệp Việt có gì khác biệt?
Ông Trương Anh Tuấn: Hai năm dịch Covid-19 vừa qua đã làm thay đổi sâu sắc đến thói quen làm việc của nhiều người Việt Nam.
Người dùng có xu hướng chuyển dịch từ giao tiếp trực tiếp sang làm việc online. Do đó, các doanh nghiệp, tổ chức đang cần đến những giải pháp thư điện tử tích hợp với đầy đủ các tính năng như lịch, soạn thảo, chia sẻ tài liệu, chat, họp video, và hỗ trợ nền tảng di động.
Đối với sự khác biệt về nhu cầu sử dụng, nhiều người Việt muốn dùng các dịch vụ với máy chủ tại Việt Nam (vì lý do an ninh, đứt cáp quang). Họ cũng muốn được hỗ trợ và cung cấp dịch vụ bởi người Việt, hiểu tiếng Việt mà vẫn đầy đủ tính năng với chi phí phù hợp.
PV: Được biết, mới đây iWay đã cho ra đời Email+, một giải pháp email rất mới trên thị trường. Ông có thể chia sẻ về Email+ và bối cảnh ra đời của sản phẩm này?
Ông Trương Anh Tuấn: Email+ là giải pháp thư điện tử và liên lạc tích hợp với máy chủ đặt tại Việt Nam, được vận hành và hỗ trợ 24/7 bởi chuyên gia người Việt.
Việc ra đời Email+ là sự ấp ủ, nung nấu từ rất lâu của chúng tôi cũng như các anh em đồng nghiệp trong câu lạc bộ Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA). Mong muốn của chúng tôi là xây dựng một giải pháp email toàn diện mang thương hiệu Việt do người Việt vận hành.
Đầu năm nay, khi có thông báo từ Google về việc dừng hỗ trợ Google Legacy Free, được sự cổ vũ của các đồng nghiệp trong VFOSSA cũng như lãnh đạo các ban ngành liên quan, iWay đã phối hợp cùng với Zextras (Italia) xây dựng nên Email+.
Đây là giải pháp thư điện tử và liên lạc tích hợp với đầy đủ tính năng tương tự như các giải pháp email thông dụng khác như của Google, Microsoft nhưng với chi phí chỉ chưa bằng một nửa và là một giải pháp hoàn hảo để thay thế Google Suite.
PV: Như ông cũng vừa nhắc ở trên, ai cũng biết Google, Microsoft là những ông lớn trong ngành CNTT toàn cầu, vậy Email+ có gì để cạnh tranh họ?
Ông Trương Anh Tuấn: Không thể phủ nhận Google, Microsoft là những ông lớn trong ngành CNTT toàn cầu, trong đó Google đứng đầu về số lượng tài khoản email.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tự tin Email+ có thể cạnh tranh sòng phẳng với Google hay Microsoft vì những lý do sau:
Email+ là giải pháp email toàn diện có đầy đủ tính năng tương tự Google như Email, Drive/Docs, Calendar, Chat, Video Call, Team Meeting,…
Giải pháp mail này được tối ưu về UI/UX, giúp người dùng có những trải nghiệm tốt nhất với máy chủ đặt tại Việt Nam và được vận hành, hỗ trợ kỹ thuật bởi chuyên gia người Việt.
Email+ kế thừa nền tảng email nguồn mở đã được phát triển gần 20 năm. Đây là nền tảng thư điện tử có tính bảo mật cao, được tin dùng ở khắp nơi trên thế giới với hơn 500 triệu người dùng.
Đóng góp vào việc xây dựng, triển khai và vận hành nền tảng này ngoài iWay còn có Zextras - công ty đứng thứ hai thế giới, đứng đầu Châu Âu về phát triển và cung cấp dịch vụ cho hệ thống thư điện tử nguồn mở.
Với tất cả những điều đã nêu ở trên cùng 20 năm kinh nghiệm cung cấp dịch vụ thư điện tử tích hợp, chúng tôi tin Email+ sẽ là một giải pháp email có thể cạnh tranh sòng phẳng với các nhà cung cấp dịch vụ tên tuổi khác.
PV: Là đơn vị phát triển nền tảng số Make in Việt Nam, theo ông, việc dữ liệu của người Việt được lưu trữ ở Việt Nam sẽ đóng vai trò thế nào trong câu chuyện giữ gìn chủ quyền số?
Ông Trương Anh Tuấn: Trong thời đại công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số toàn diện, dữ liệu đang trở thành nguồn tài nguyên quan trọng bậc nhất, có thể so sánh với nhiên liệu hóa thạch trong thế kỷ trước. Làm chủ, sản sinh và khai thác dữ liệu một cách hiệu quả sẽ là động lực mới cho sự phát triển kinh tế xã hội.
Một trong những vấn đề sống còn đảm bảo việc làm chủ và khai thác hiệu quả dữ liệu của chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân tại Việt Nam là dữ liệu phải được lưu trữ trong nước. Không có cách gì để có thể làm chủ dữ liệu nếu nó đang được lưu trữ “nhờ” ở nước ngoài, đặc biệt khi nói về an ninh và an toàn dữ liệu.
Chính vì vậy, với nhiều cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, đặc biệt với các cơ quan nhà nước thì yêu cầu sử dụng giải pháp có máy chủ đặt tại Việt Nam là yêu cầu bắt buộc. Những nhà cung cấp dịch vụ đặt máy chủ lưu trữ tại Việt Nam, tuân thủ pháp luật Việt Nam về an ninh, an toàn không gian mạng mới đảm bảo khả năng làm chủ dữ liệu, qua đó đảm bảo giữ gìn chủ quyền số của Việt Nam.
PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
Trọng Đạt