Xét về mức độ ảnh hưởng của các ngành công nghiệp Việt Nam đến thị trường toàn cầu cũng có thể cho biết vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị và cơ cấu của ngành xét trên tổng thể thị trường toàn cầu.
Chiều 19/10 tại Hà Nội, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Samsung cùng phối hợp tổ chức Diễn đàn đa phương (MSF) 2022 với chủ đề: "Cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu cho Việt Nam: Hợp tác đa phương trong nâng cao năng lực và Trách nhiệm tra soát”.
Diễn đàn đa phương MSF 2022 diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam và thế giới đang dần phục hồi sau hơn 2 năm gián đoạn vì dịch Covid-19, nhằm nỗ lực trả lời cho câu hỏi: Việt Nam sẽ cần làm những gì để hiện thực hóa cơ hội nâng tầm vị thế của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu? Giai đoạn hiện nay vừa là thách thức đồng thời cũng là cơ hội cho nền kinh tế nước ta nói chung và khối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói riêng.
Phát biểu tại Diễn đàn Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là mục tiêu xuyên suốt của Đảng và Nhà nước từ Đại hội III đến nay. Qua 35 năm kiên trì thực hiện mục tiêu này, công nghiệp Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định. Quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2021 đạt khoảng 370 tỷ USD, là nền kinh tế lớn thứ 4 Đông Nam Á; thu nhập bình quân đầu người hơn 3.700 USD; quy mô thương mại đạt 670 tỷ USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do với trên 60 nước, vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới và ngày càng đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, các chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, công nghiệp chế biến chế tạo ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế, với mức đóng góp trong GDP tăng từ 13% năm 2010 lên 16,7% năm 2020. Cơ cấu ngành công nghiệp đã chuyển biến tích cực, giảm dần tỉ trọng các ngành thâm dụng tài nguyên, các ngành công nghệ thấp, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghệ trung bình và công nghệ cao. Năng lực cạnh tranh công nghiệp đã được cải thiện đáng kể, Báo cáo cạnh tranh công nghiệp của UNIDO đã đưa Việt Nam từ nhóm “các nền kinh tế đang phát triển” lên nhóm “các nền kinh tế công nghiệp mới nổi”.
Bên cạnh các thành tựu đã đạt được, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nêu rõ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tới vẫn còn nhiều thách thức. Đại dịch Covid-19 và các cuộc chiến tranh thương mại, xung đột vũ trang thời gian vừa qua đã tạo ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất trên toàn cầu; đặc biệt là nguy cơ đứt gãy chuỗi giá trị, gián đoạn nguồn cung. Do đó, xu hướng tái cấu trúc, định hình và cân bằng lại chuỗi cung ứng ngày càng được đẩy nhanh nhằm tránh tập trung vào một số thị trường truyền thống. Xu thế này có thể mang lại dòng vốn dịch chuyển đầu tư quốc tế lớn vào công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới. “Tuy nhiên điều này cũng đặt ra nhiều thách thức đối với doanh nghiệp khi năng lực sản xuất, quản trị, chất lượng sản phẩm, … chưa thể đáp ứng đúng yêu cầu và các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn đặt ra”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu.
Trong khuôn khổ Diễn đàn đa phương lần này, thông qua việc thảo luận câu chuyện của các chuỗi giá trị công nghiệp đã góp phần lan toả các bài học kinh nghiệm và gợi mở then chốt tới các chuỗi giá trị khác, đặc biệt là các chuỗi giá trị mà Việt Nam có tiềm năng và triển vọng.
Cụ thể, Diễn đàn đa phương MSF 2022 gồm chuỗi các hoạt động gắn kết trong một mạch xuyên suốt, từ tham vấn các bên trong việc xác định vấn đề và trọng tâm, cho tới tiến hành khảo sát và nghiên cứu cùng với các phát hiện quan trọng, để từ đó các chuyên gia và người tham dự cùng phân tích và đưa ra các góc nhìn mang tính gợi mở cho các giải pháp gắn với các trọng tâm thảo luận của Diễn đàn, bao gồm các nội dung trọng tâm: Năng lực nội tại của doanh nghiệp Việt trong chuỗi giá trị; Liên kết chuỗi; Đổi mới sáng tạo; Hợp tác đa phương; Thúc đẩy trách nhiệm tra soát.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Choi Joo Ho- Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết, từ năm 2015 cho đến nay, Samsung Việt Nam đã và đang phối hợp cùng với Bộ Công Thương Việt Nam để cải thiện năng lực cạnh tranh trong sản xuất cũng như chất lượng thông qua việc cử các chuyên gia có kinh nghiệm hàng chục năm đến Việt Nam hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp trong nước. “Ngoài ra, chúng tôi cũng đang thúc đẩy mở rộng sự tham gia của các nhà cung ứng trong nước vào chuỗi cung ứng của Samsung và chúng tôi cũng đang tiếp tục nỗ lực đảm bảo những nhân viên được làm viêc trong môi trường tôn trọng, an toàn, đảm bảo về bình đẳng giới, tuân thủ các luật pháp về lao động và nhân quyền dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau không chỉ trong nội bộ các pháp nhân của Samsung mà còn với các nhà cung ứng của Samsung”- ông Choi Joo Ho thông tin .
Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng nêu giải pháp, Việt Nam cần chủ động hơn trong quá trình tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, xây dựng chiến lược, mục tiêu và kế hoạch thực hiện
Cụ thể, có kế hoạch phân bổ nguồn lực hợp lý cho nâng cao năng lực, tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là năng lực đổi mới sáng tạo và thích ứng. Ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, cần tận dụng nhiều hơn các hỗ trợ từ các đối tác khác nhau: Doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế. “Các doanh nghiệp dẫn dắt trong chuỗi cần phát huy vai trò trong hỗ trợ doanh nghiệp khác về công nghệ, đào tạo lao động để giúp tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu”- đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chỉ ra.
Trên cơ sở đó, phát huy vai trò cầu nối để thúc đẩy hợp tác đa phương để nâng cao năng lực, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Tại phiên thảo luận tại diễn đàn, ông Ngô Khải Hoàn- Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, việc lựa chọn 06 ngành ưu tiên phát triển tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ bao gồm: dệt may, da giày, điện tử, ô tô, cơ khí và công nghệ cao đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ về việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp của Việt Nam. Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhất để Việt Nam khẳng định vị thế của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Hoàn thông tin thêm, việc lựa chọn 06 ngành ưu tiên phát triển trên là tín hiệu, cơ sở để thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp FDI đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng trong lĩnh vực nêu trên. Đặc biệt, tăng cường thúc đẩy các doanh nghiệp FDI đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ, có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, trước những thách thức về biến đổi khí hậu và yêu cầu của người tiêu dùng trên toàn thế giới, đặc biệt là ở thị trường các nước phát triển, xu thế phát triển bền vững, sử dụng nguồn lực hiệu quả, và trách nhiệm tra soát… đang trở thành xu thế tất yếu của ngành công nghiệp toàn cầu trong giai đoạn tới. Do đó, các doanh nghiệp cần tập trung chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất công nghiệp theo hướng phát triển bền vững kinh tế tuần hoàn; giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải, sản xuất xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu… dần hướng tới đáp ứng tiêu chuẩn của các nước có nền công nghiệp tiên tiến, phát triển trên thế giới.
Thứ trưởng khẳng định, với sự đồng lòng và quyết tâm của Chính phủ, các tổ chức, các hiệp hội và các doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam sẽ được phát triển mạnh mẽ, từng bước gia tăng khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, giúp ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng và công nghiệp chế biến, chế tạo nói chung sẽ phát triển vượt bậc, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Qua đó, thực hiện mục tiêu được đặt ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: Đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Văn Quý
Xét về mức độ ảnh hưởng của các ngành công nghiệp Việt Nam đến thị trường toàn cầu cũng có thể cho biết vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị và cơ cấu của ngành xét trên tổng thể thị trường toàn cầu.