Từ tự hào đến cảm giác tội lỗi
Ẩn mình giữa những ngọn đồi thoai thoải và những hàng cây cao chót vót, trang trại của Yang (sống ở Hàn Quốc) trông không có gì đặc biệt. Trong 30 năm qua, Yang điều hành trang trại nuôi chó lấy thịt gần Ansan (Nam Chungcheong, Hàn Quốc).
Trước đó, người đàn ông 73 tuổi này làm nghề lái xe, rong ruổi trên hành trình dọc theo đường cao tốc Kyungbu ở Hàn Quốc suốt nhiều năm.
Năm 30 tuổi, Yang có ước mơ trở thành nông dân. Vì vậy, năm 1985, ông quyết định chuyển về vùng nông thôn, làm một căn nhà và lập trang trại.
"Hồi đó, quyết định kinh doanh là đúng đắn. Nhưng, ngày nay ở Hàn Quốc có nhiều thứ đang thay đổi, công việc rất mệt mỏi", Yang bày tỏ.
Việc kinh doanh của Yang bị ảnh hưởng do số lượng người ăn thịt chó giảm tại Hàn Quốc. Theo một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, trong năm 2023, 9/10 người trẻ Hàn Quốc được hỏi không ăn thịt chó. Còn một nửa số người cho rằng ăn thịt chó là việc làm "ghê tởm".
Tuy nhiên, đó chỉ là số liệu, có khoảng hơn 5,1 triệu người vẫn nấu thịt chó hoặc phục vụ các món như Bosintang - canh thịt chó hầm giúp bồi bổ sinh lực.
Sau khi nghỉ công việc lái xe, lập trang trại, Yang bắt đầu nuôi chó. Theo thói quen, mỗi sáng và tối, Yang đến các trường học và nhà hàng gom đồ ăn thừa về cho chó ăn.
Hồi năm 2020, giá 600g thịt chó sống khoảng 6600 won (hơn 130.000 đồng). "Tôi từng cảm thấy tự hào và hạnh phúc khi nuôi chó", Yang tâm sự.
"Khoảng 4 năm trước, tôi nhận thấy bán thịt chó không còn tương lai vì người ta không còn muốn ăn món ăn này và dư luận ngày càng tiêu cực. Điều đó khiến tôi cảm thấy tội lỗi", Yang bày tỏ.
Từ bỏ nuôi chó lấy thịt để trồng rau
Tháng 3/2023, trang trại nuôi chó lấy thịt của Yang là trang trại thứ 18 ở Hàn Quốc đóng cửa vĩnh viễn và 200 chú chó cùng con của chúng được giải cứu.
Yang đã đạt được thỏa thuận với một nhóm bảo vệ quyền động vật. Nhóm này dành nhiều năm tiếp cận với những người muốn bỏ nghề nuôi chó như Yang nhưng không có đủ khả năng để chuyển hướng công việc khác.
Sandkyung Lee - một người làm việc ở nhóm bảo vệ quyền động vật đến trang trại của Yang và cứu các chú chó khỏi những chiếc lồng đầy phân, không đảm bảo thoáng mát trong mùa hè nóng nực hay giữ ấm áp trong mùa đông khắc nghiệt. Thậm chí, nhiều chú cún bị suy dinh dưỡng hoặc mắc bệnh về da và mắt.
"Chúng được cho ăn đồ ăn thừa của nhà hàng. Hầu hết các chú cún bị nhốt chung, chúng tranh giành đồ ăn, không gian sống, các vết thương không được chữa trị. Đó là điều kiện sống gây ảnh hưởng về thể chất lẫn tinh thần của những chú chó", Sandkyung Lee tâm sự.
Nhóm bảo vệ quyền động vật ký thỏa thuận với người nuôi đóng cửa vĩnh viễn trang trại và giúp những cá nhân như Yang tìm sinh kế mới như trồng dược liệu hoặc trồng rau...
Sau khi dùng khoản trợ cấp của nhóm bảo vệ quyền động vật, hàng ngày, Yang thức dậy mỗi sáng để làm việc tại trang trại. Ông chăm sóc các ruộng rau trên mảnh đất 500m2 và bán khoai lang, dưa hấu, đậu cho các cửa hàng tạp hóa.
"Tôi luôn xem những chú chó là nguồn thu nhập của mình và nuôi để lấy thịt. Tuy nhiên, khi làm việc với nhóm bảo vệ quyền động vật, tôi nhận thấy họ đối xử rất tử tế với những chú cún. Tôi đã học hỏi được rất nhiều điều", Yang chia sẻ.
Giờ đây, Yang không còn nghe thấy tiếng sủa của những chú chó trong chuồng mỗi ngày. Thay vào đó, người nông dân U80 nghe tiếng gió xào xạc khi thổi qua những ruộng rau xanh ngắt của ông.
"Tôi nghĩ nhiều người nuôi chó muốn đóng cửa cơ sở chăn nuôi nếu họ có được sự hỗ trợ phù hợp. Thái độ của tôi với vật nuôi đã thay đổi, cuộc sống của tôi cũng tốt đẹp hơn", Yang chia sẻ.
Theo Dân trí
Vô văn hóa mới nuôi chó rồi thả rông ngoài đường
Phụ nữ Trung Quốc nuôi chó, mèo thay con
Thay vì kết hôn, sinh con, nhiều phụ nữ sinh sau năm 1980, có học thức cao chọn nuôi thú cưng, dành thời gian, tiền bạc để chăm sóc chúng như người thân.