Việt Nam đã lựa chọn
"Vấn đề bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu và cũng là vấn đề toàn quốc, toàn dân, là lĩnh vực rất rộng lớn", Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nói tại Hội nghị Môi trường toàn quốc ngày 4/8.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đối khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ, khẳng định quyết tâm, trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050.
Không dừng lại ở lời cam kết "suông", ngay sau Hội nghị COP26, bản dự thảo Quy hoạch điện 8 tưởng như sắp phê duyệt lập tức được Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan chỉnh sửa lại.
"Chúng ta đã thực hiện cam kết này một cách thực chất, trách nhiệm, với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể", Phó Thủ tướng nói.
"Tăng điện gió, giảm điện than" chính là yêu cầu xuyên suốt của Chính phủ cho cơ quan soạn thảo và tư vấn quy hoạch điện 8.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, quá trình xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch Điện 8 là một minh chứng thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ về thực hiện cam kết COP26. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành hàng chục cuộc họp trong hơn 1 năm qua để rà soát, hoàn thiện Quy hoạch này nhằm giảm năng lượng hóa thạch, giảm điện than để hạn chế ô nhiễm môi trường. Qua rà soát, dự kiến sẽ giảm khoảng 20.000 MW điện than với hàng chục dự án, tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo như thủy điện, điện mặt trời, điện gió ngoài khơi.
Số liệu của Bộ Công Thương đưa ra tại báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về rà soát quy hoạch điện 8 cho thấy, công suất lắp đặt nguồn điện của Việt Nam đến năm 2030 có những thay đổi mạnh.
Theo Bộ Công Thương, nguồn điện gió trên bờ cần đưa vào vận hành thêm khoảng 12.000 MW trong giai đoạn đến năm 2030, trong đó có khoảng 2.800 MW tại miền Bắc cần đưa vào từ năm 2024-2025 để đảm bảo cấp điện.
Ngoài ra, nguồn điện gió ngoài khơi cũng được quy hoạch lên đến 7.000MW vào năm 2030 (3.000 MW tại miền Nam và 4.000 MW tại miền Bắc). Bộ Công Thương cho rằng nguồn điện gió ngoài khơi tại miền Bắc cần đưa vào vận hành sớm từ năm 2027 để đảm bảo cấp điện cho miền Bắc.
Trong những lần chia sẻ với PV. VietNamNet, TS Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), cho rằng: Phát triển năng lượng tái tạo để giảm phát thải khí nhà kính sẽ dựa chủ yếu vào năng lượng gió và mặt trời. Điện mặt trời cũng giảm được phát thải nhưng cũng gây khó khăn trong hệ thống điện khi chỉ phát ban ngày. Hệ thống lưới điện không đủ để truyền tải lượng điện mặt trời sản xuất ra khi tập trung chủ yếu ở Ninh Thuận, Bình Thuận… Nhu cầu sử dụng tại chỗ rất thấp, cho nên sản xuất nhiều điện mà không tải đi được. Muốn tải đi được phải xây dựng hệ thống truyền tải rất tốn kém. Vì thế điện mặt trời cũng chỉ phát triển có lộ trình để tránh tình trạng sản xuất ra không phát lên lưới được.
Nhìn chung, theo TS. Ngô Đức Lâm, phát triển điện gió là điều quan trọng để thực hiện cam kết net-zero vào năm 2050. Điện gió cũng là loại hình năng lượng đang được cả thế giới tập trung và ưu tiên phát triển.
Nhưng còn yếu tố khó lường
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điện gió ngoài khơi là lĩnh vực mới mẻ, cơ sở pháp lý, chính sách giá và các cơ chế đi kèm đến nay vẫn chưa được ban hành, nhất là cơ chế đấu thầu/đấu giá vẫn chưa rõ hình hài. Vì vậy, để năm 2030 công suất lắp đặt điện gió ngoài khơi đạt 7.000MW, cơ sở pháp lý cho lĩnh vực này phải rất rõ ràng, ổn định và có tính dự báo.
Câu chuyện 62 dự án điện gió trên bờ không kịp vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021, phải nằm đắp chiếu suốt nhiều tháng nay là bài học cho việc phát triển điện gió nói riêng và các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo khác nói chung thời gian tới.
Nhiều tháng nay, hàng loạt nhà đầu tư tư nhân đã gửi văn bản đến UBND tỉnh Lạng Sơn, Sở Công Thương Lạng Sơn đề xuất cho phép nghiên cứu đầu tư dự án điện gió. Đó là Công ty TNHH Baywa r.e. Projects Việt Nam, Tập đoàn Trung Nam, Công ty cổ phần Đầu tư Năng lượng Europlast, Tập đoàn Hà Đô… Cuối năm 2020, Công ty TNHH GE Việt Nam cũng đã đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn cho phép khảo sát để thực hiện 2 dự án điện gió với tổng công suất lên tới 418 MW.
Những 'siêu dự án' điện gió ngoài khơi với số vốn lên đến chục tỷ USD vẫn đang được các nhà đầu tư trong và ngoài nước xúc tiến nghiên cứu ở khắp các địa phương, trải dài khắp ba miền Bắc - Trung - Nam.
Các nhà đầu tư năng lượng tái tạo đến nay vẫn đang miệt mài tìm dự án mới để đầu tư, điều đó cho thấy sức hấp dẫn của mảng đầu tư kinh doanh này.
Nhưng, khoảng trống về cơ sở pháp lý, cơ chế giá khiến các hoạt động này chủ yếu vẫn dừng lại ở mức thăm dò tìm kiếm cơ hội. Một nhà đầu tư năng lượng tái tạo lớn chia sẻ: "Chúng tôi mong quy hoạch điện 8 được thông qua, cơ chế chính sách cho năng lượng tái tạo được ban hành để có được định hướng đầu tư thời gian tới. Còn hiện tại, chúng tôi vẫn tạm dừng các hoạt động đầu tư liên quan đến năng lượng tái tạo. Thực sự với một doanh nghiệp, thiếu dự án để đầu tư không phải là cảm giác dễ chịu vì như thế dòng tiền sẽ không có để hoạt động".