Covid-19 thúc đẩy chuyển đổi số, khiến nhu cầu về lập trình viên ở các công nghệ đám mây, máy học, trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam gia tăng, kéo theo mức lương tăng tương xứng.
Cùng với đó, yêu cầu đối với các giám đốc công nghệ trong giai đoạn bình thường mới cũng cao hơn.
Báo cáo thị trường công nghệ thông tin của TopDev, nền tảng tuyển dụng nhân sự công nghệ tại Việt Nam, sẽ cho cái nhìn tổng thể về hình ảnh lập trình viên trong trong nước trong giai đoạn Covid-19.
Những công nghệ được trả lương cao nhất trong danh sách có thể được chia thành 2 nhóm lớn: Nhóm công nghệ cao liên quan đến xu hướng trí tuệ nhân tạo, máy học (Kubernetes, TensorFlows, Python) và điện toán đám mây (AWS, GCP, Azure).
Đây là hệ quả của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trên toàn thế giới cũng như tác động đáng kể từ Covid-19. Sau hai mảng này, các công nghệ cơ bản liên quan đến phát triển web, hệ thống và thiết bị di động vẫn có thứ hạng cao đáng kể.
Lương lập trình viên mới nằm vào khoảng 342USD/tháng. Trong vòng 5 năm đầu, lương có thể lên mức 1.161USD. Đối với người có kinh nghiệm cao hơn, mức lương chênh lệch chủ yếu dựa trên vị trí và trách nhiệm đối với hoạt động kinh doanh.
Giám đốc hoặc cấp cao hơn sẽ có mức lương ít nhất là 2.200USD. Mức lương của cấp quản lý kỹ thuật sẽ cao hơn so với cấp quản lý theo định hướng kinh doanh.
Ba ngành có thu nhập cao hàng đầu hiện nay là an ninh, công nghệ cao và fintech. Du nhập vào Việt Nam từ năm 2015, lĩnh vực công nghệ cao (AI, IoT, điện toán đám mây, ...) được coi là chìa khóa mang lại lợi thế cạnh tranh, là xu hướng bắt buộc trong năm 2021. Fintech được xem là ngành thực sự cần thiết đối với các ngân hàng và tất cả các hệ thống quản trị doanh nghiệp. Dù nằm trong top những ngành có mức lương cao nhưng các doanh nghiệp vẫn gặp thách thức khi tìm kiếm nhân sự cho hầu hết các vị trí IT.
Covid-19 dẫn đến thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số, nâng tầm quan trọng của dịch vụ đám mây và DevOps (một công việc gắn kết giữa lập trình viên - developer và vận hành - operation). Do đó, nhu cầu về kỹ sư đám mây và DevOps. Những người này có thể kiếm lương 2.000USD trở lên, ngang với các vị trí quản lý.
Riêng các vị trí giám đốc công nghệ (CTO), Giám đốc thông tin (CIO), hay vị trí quản lý được gắn với nhiều trách nhiệm hơn trong thời kỳ bình thường mới. Hiện nay những nhân sự này phải quản lý con người & quản lý hiệu suất, lập kế hoạch và chiến lược, quản lý rủi ro, an ninh mạng & đáp ứng khả năng mở rộng song hành cùng với sự ổn định.
Lương của các vị trí cấp cao này có thể từ 3.000USD đến hơn 5.000USD.
Trong khảo sát của TopDev, hầu hết lập trình viên có độ tuổi từ 20 đến 34 tuổi. Nhiều lập trình viên bắt đầu lập trình từ sớm và khoảng 8,24% số đó bắt đầu lập trình trước năm 20 tuổi. Hiện tại, số lượng lập trình viên trẻ tuổi tại Việt Nam chiếm đại đa số với hơn 54% có độ tuổi từ 20-29 tuổi. Đặc biệt, nhóm trên 40 tuổi chỉ chiếm khoảng 10%.
Trong số này, 52,5% người có hơn 3 năm kinh nghiệm, 30% người có trên 5 năm kinh nghiệm. Hơn một nửa (55,1%) làm việc tại TP.HCM, còn lại là Hà Nội (34,2%) và các nơi khác. Trong đó, lập trình viên nữ chỉ chiếm 7,85%, nhưng gia tăng so với năm ngoái.
Hiện nay lập trình viên dùng Java vẫn phổ biến nhất. Do những thay đổi trong Covid-19 và nhu cầu thị trường, các lập trình viên đều đánh giá các công nghệ về đám mây, DevOps, AI, máy học,... sẽ phát triển trong năm 2021, và họ mong muốn được học hỏi hoặc làm việc trong mảng này.
Cùng với đó, các nhà tuyển dụng cũng đang tìm kiếm các vị trí chuyên môn có thể đảm đương được những công nghệ mới nói trên.
Hầu hết lập trình viên đều có trình độ đại học (42%) hoặc cao đẳng (27%). Số còn lại tham gia các khóa học lập trình chuyên sâu (ngắn hơn 24 tháng). Và cuối cùng trong danh sách là chương trình đào tạo nghề.
Theo báo cáo của TopDev, lập trình viên Việt Nam có kỹ năng cao so với mức trung bình toàn cầu. Điều này phù hợp với nhận xét của nhiều chuyên gia công nghệ quốc tế.
Chẳng hạn, lập trình viên Việt Nam đứng hạng 29 toàn thế giới trong Bảng xếp hạng kỹ năng dành cho lập trình viên trong Báo cáo của Skillvalue năm 2019 (đại diện duy nhất khu vựĐông Nam Á trong Top 30). Hạng 23 thế giới trong Bảng xếp hạng kỹ năng dành cho lập trình viên trong Báo cáo của HackerRank năm 2016.
Trong 5 năm trở lại đây, nhu cầu nhân lực IT tại Việt Nam không ngừng tăng cao. Dựa trên báo cáo thị trường IT năm 2020 của TopDev và tốc độ tăng trưởng số lượng lập trình viên tại Việt Nam, năm 2021 Việt Nam cần 450.000 nhân lực CNTT. Tuy nhiên, tổng số lập trình viên hiện tại ở Việt Nam (tính đến Q1 / 2021) là 430.000, có nghĩa là 20.000 vị trí lập trình viên sẽ không được lấp đầy trong tương lai gần.
Hải Đăng (Ảnh: Topdev)
Bị chê "ki bo", Apple buộc phải chiều lòng lập trình viên
Apple đã nâng mức hoàn trả từ 200 USD lên 500 USD cho mẫu máy thử nghiệm mà hãng này từng cho lập trình viên thuê để phát triển ứng dụng cho máy Mac.