Cái chết của cậu bé 9 tuổi ở tỉnh Kratie là trường hợp tử vong đầu tiên do cúm gia cầm ở Campuchia trong năm 2024. Trước đó, trẻ bị sốt, khó thở, ho và ngất xỉu sau khi ăn gà và vịt do gia đình nuôi.
Theo Star, anh trai 16 tuổi của bệnh nhi trên có xét nghiệm dương tính với virus vào ngày 11/2 nhưng không có triệu chứng. Cậu bé đã được điều trị và các quan chức đang điều tra xem ai đã tiếp xúc với hai anh em cũng như nguồn lây virus. Từ đầu năm tới nay, ở Campuchia đã có 4 ca cúm gia cầm ở người.
Cúm gia cầm thường lây lan ở gà, vịt, các loại chim và không được coi là mối đe dọa đối với con người cho đến khi bùng phát vào năm 1997 ở những du khách đến chợ ở Hong Kong.
Hầu hết các trường hợp ở người đều liên quan đến tiếp xúc trực tiếp với gia cầm nhiễm bệnh. Nhưng cũng có lo ngại rằng virus có thể tiến hóa để lây lan dễ dàng hơn giữa người với người.
Trong tháng 2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) đã cảnh báo rằng các lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán được tổ chức ở nhiều nước châu Á thời gian này có thể khiến nguy cơ lây lan virus cao hơn.
Để ứng phó với số ca nhiễm gia tăng gần đây, WHO đã cập nhật đánh giá rủi ro về H5N1 ở Campuchia. Các chuyên gia dự đoán các ca lây nhiễm lẻ tẻ ở người có thể tiếp tục xảy ra ở các vùng nông thôn, chủ yếu do tiếp xúc với gia cầm nhiễm bệnh.
Tình trạng này nhấn mạnh sự cần thiết phải có các biện pháp giám sát và kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt, đặc biệt ở các vùng quê có trang trại gà vịt ở sân sau. Điều quan trọng là phải tuân thủ các biện pháp nấu nướng hợp vệ sinh và tránh tiếp xúc trực tiếp với gia cầm sống. Cơ quan y tế toàn cầu cũng đang nghiên cứu nhiều phương pháp điều trị khác nhau.