Biết bản thân có tiền sử cao huyết áp nhiều năm, ông T. (64 tuổi, ở Gia Lâm, Hà Nội) tự đo huyết áp, kết quả chỉ số là 140/90mmHg. Ông uống 1 viên thuốc huyết áp nhưng triệu chứng không cải thiện. Khoảng 2,5 giờ sau, bệnh nhân được người nhà đưa tới Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang trong tình trạng liệt nửa người trái, khó nói.
Tại đây, bệnh nhân được các bác sĩ khám đánh giá, chụp cắt lớp vi tính, làm các xét nghiệm liên quan đến đột quỵ cấp. Bệnh nhân nhận chẩn đoán nhồi máu não cấp với thang điểm quy đổi đột quỵ NIHSS 10 điểm.
Bác sĩ lập tức chỉ định cho ông sử dụng thuốc tiêu sợi huyết. Sau khoảng 10 phút, cơ lực tay của ông T. được cải thiện. 30 phút sau, gần như các triệu chứng đã được cải thiện, bệnh nhân tự đứng dậy đi lại tốt, điểm NIHSS từ 10 điểm giảm xuống còn 5 điểm. Bệnh nhân đã được ra viện.
Một trường hợp đột quỵ khác được cứu kịp thời do đưa đến viện sớm (dưới 4,5 giờ từ khi có dấu hiệu khởi phát) là ông N.V.D (61 tuổi, Bắc Ninh). Ông D. nhập viện trong tình trạng tê bì sau gáy, lan xuống tay, yếu liệt người trái, nói khó. Ngay lập tức, bệnh nhân được người nhà đưa tới Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.
Ông D. được chẩn đoán đột quỵ não thể nhẹ, dùng thuốc kháng tiều cầu kép, kiểm soát huyết áp, kiểm soát mỡ máu. Sau dùng thuốc khoảng 30 phút, ông đã có thể tự nói được, cơ lực cải thiện rõ rệt, tay và chân bên phải vận động nâng lên khỏi giường, ý thức tỉnh táo.
Năm 2022, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tiếp nhận, điều trị khoảng 1.000 ca đột quỵ, tuy nhiên chỉ có 45 bệnh nhân nhập viện trong thời gian "vàng", không bị ảnh hưởng di chứng nặng nề do bệnh này.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hùng cho hay người Việt Nam thường tự ý dùng thuốc hay các biện pháp dân gian như: cạo gió, chích máu ngón tay,… chữa đột quỵ. Trong khi đó, nếu không đưa người bệnh đến các cơ sở y tế sẽ bỏ lỡ cơ hội quý để điều trị bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng phục hồi.
Theo các bác sĩ, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của những người vốn mắc các bệnh lý tim mạch, huyết áp, mỡ máu... Tại nhiều cơ sở y tế, số bệnh nhân đột quỵ, tim mạch, huyết áp tăng cao sau những ngày trời nóng bức.
Các bác sĩ khuyến cáo, đặc biệt là người cao tuổi mắc các bệnh lý tim mạch, nên ở trong nhà, tránh ra ngoài trời khi nhiệt độ cao, thậm chí cuối buổi chiều nhiệt độ ngoài trời vẫn nóng dễ khiến người bệnh gặp nguy hiểm. Cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh… tránh cơ thể sẽ bị mất nước và chất điện giải, ảnh hưởng rất lớn đến hệ tim mạch.