Kinh tế biển là một trong những lĩnh vực trụ cột được Đà Nẵng chú trọng phát triển. Trong đó, Cảng Đà Nẵng được thành phố chú trọng chuyển đổi số, đầu tư cơ sở hạ tầng để cảng biển này ngày càng hiện đại, thông minh và đạt chuẩn "cảng xanh".
Cảng Đà Nẵng đã triển khai hàng loạt sáng kiến chuyển đổi số nhằm tiết kiệm thời gian, tăng tính chính xác, xóa bỏ các thủ tục giấy, giúp khách hàng thuận tiện giao dịch thông qua môi trường số. Những ứng dụng nổi bật như cảng điện tử ePort (electronic Port), cổng container tự động AutoGate, trạm nhiên liệu tự động,...
Phần mềm cảng điện tử ePort gắn với việc triển khai lệnh giao hàng điện tử; thông quan hải quan điện tử; hóa đơn điện tử và thanh toán điện tử không dùng tiền mặt, tạo điều kiện cho khách hàng giao dịch không tiếp xúc, không cần phải đến cảng. Phần mềm ứng dụng những công nghệ tiên tiến của thế giới như: sử dụng robot trong nhiều công đoạn để nâng cao năng suất, tăng hiệu quả công việc và giảm thiểu sai sót do thao tác thủ công; ứng dụng thuật toán nhận dạng mã container của Hungary, tự động nhận biết số container nhập xuất tàu và tại cổng cảng...
Trong khi đó, ứng dụng cổng container thông minh lần đầu tiên được áp dụng tại các cảng biển của Việt Nam, tạo thuận lợi cho cho lái xe và chủ hàng, đạt được hai mục tiêu quan trọng “không dùng giấy, không tiếp xúc”.
Với ứng dụng này, sau khi chủ hàng làm lệnh và điều xe thành công trên phần mềm ePORT, lái xe nhận lệnh qua APP điện thoại, cho xe đến cổng vào, hệ thống tự nhận dạng, Robot (RPA) tự làm lệnh, gửi thông tin bốc/hạ container qua APP lái xe. Khi lái xe đến cổng ra, hệ thống camera nhận dạng, Robot (RPA) tự làm lệnh mở barie cho xe về kho. Mọi thông tin về container được lưu trữ trên website ePORT để khách hàng/hãng tàu tra cứu, nhân viên cảng chỉ giám sát quá trình tự động thực hiện của hệ thống phần mềm tại Autogate.
Thủ tục này giúp giao nhận container chính xác, nhanh chóng, rút ngắn giao nhận hàng đến khách hàng xuất nhập khẩu. Chỉ mất khoảng 1 phút, xe có thể vào cảng bốc/hạ container, thay vì làm thủ tục giấy mất gần 10 phút như trước đây.
Cảng Đà Nẵng phát triển dựa trên 3 trụ cột gồm cảng biển, logistics và du lịch/dịch vụ. Cảng hoàn thành và đưa vận hành Trung tâm điều hành sản xuất và phòng máy chủ server (Data Center) áp dụng trên hệ thống máy chủ mới được trang bị, cáp quang phủ toàn cảng từ cầu tàu đến bến bãi.
Đến nay, Cảng Đà Nẵng là hạt nhân chuỗi cung ứng logistic toàn cầu với hệ sinh thái hàng hải gồm Cảng vụ, Hoa tiêu, Biên phòng, Hải quan, cơ quan thuế, hãng tàu và cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu... hướng đến cảng biển trực tuyến.
Ông Trần Lê Tuấn, Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng, cho biết, sau thời gian chuyển đổi số thì sản lượng hàng hóa tại cảng tăng trưởng ấn tượng hàng năm. Năm 2022, cảng có 49 sáng kiến trên nhiều lĩnh vực, nhiều bộ phận được đánh giá cao.
Riêng hai phần mềm cảng điện tử ePORT và cổng container tự động được cảng Tân Cảng - Cái Mép, Cam Ranh, Quy Nhơn, Hải Phòng và các đoàn trong nước, quốc tế đến tham quan học tập.
Các giải pháp về công nghệ thông tin được áp dụng giúp hàng hóa thông qua Cảng Đà Nẵng một cách an toàn và nhanh chóng nhất.
Trước đây, khi chưa áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin phòng khách hàng tại cảng luôn trong tình trạng dòng người xếp hàng chờ làm thủ tục. Hiện nay, việc đưa ứng dụng chuyển đổi số vào rất tạo thuận tiện cho khách hàng. Phòng vắng người đến làm thủ tục khi tất cả giao dịch đã thực hiện trên môi trường số.
Cùng với việc đẩy mạnh số hóa, Cảng Đà Nẵng tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng Cảng Tiên Sa, triển khai xây dựng khu bãi depot 20ha tại huyện Hòa Vang thành Trung tâm Logistics của miền Trung và Tây Nguyên. Trong chiến lược dài hạn, xây dựng và phát triển 2 bến cảng chính là Cảng Tiên Sa và Cảng Liên Chiểu cùng với Trung tâm Logistics.
Linh Trang và nhóm PV, BTV