Thứ nhất, nếu giảm được thì sẽ giảm các mức lãi suất điều hành. Thứ hai, yêu cầu các đơn vị trong ngành ngân hàng điều hành chính sách tiền tệ bám sát diễn biến của thị trường.
Thống đốc chỉ đạo các tổ chức tín dụng “phải đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất”.
Những chỉ đạo của Thống đốc như vậy là đúng và trúng với tình hình thực tế hiện nay của nền kinh tế Việt Nam: lãi suất ngân hàng cao chót vót, tiếp cận vốn khó khăn và thanh khoản càng là vấn đề khó khăn nhất của doanh nghiệp.
Giảm lãi suất là mong mỏi của nhiều người
Tuy nhiên, thông điệp của Thống đốc cũng thể hiện sự do dự, nhất là việc giảm lãi suất điều hành vì còn phải phụ thuộc vào tình hình khi FED mới chỉ giảm đà tăng lãi suất, tỷ giá còn phụ thuộc vào đó, thanh khoản phải cần được cải thiện tốt hơn hiện nay.
Hơn nữa, chính sách tiền tệ lại phải gánh cùng lúc nhiều mục tiêu khác nhau, nhiều lúc đối chọi nhau như kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó quan trọng nhất là giữ thanh khoản cho nền kinh tế và giữ được giá trị tiền đồng.
Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã có 2 lần giảm các mức lãi suất điều hành từ 0,3-1%/năm trong tháng 3 và 4/2023 nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Tuy vậy, lãi suất vẫn còn cao, lãnh đạo nhiều Bộ, ngành và các nhà điều hành kinh tế khác đã không ít lần đề nghị giảm lãi suất.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, lãi suất vẫn đang ở mức bình quân 10%/năm và các doanh nghiệp kiến nghị giảm xuống mức 7 - 8%. Ông nói thêm, ngành ngân hàng cần có giải pháp về tín dụng để giải quyết vốn lưu động, thanh toán ngắn hạn cho các doanh nghiệp.
Mức lãi suất cho vay như phản ánh trên có lẽ chưa bao quát hết vì vẫn còn những phản ánh về các trường hợp ngân hàng vẫn cho vay đến 13-14%.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nơi chịu trách nhiệm về sự phát triển của doanh nghiệp, cho biết, lãi suất tăng làm chi phí vốn sản xuất của nhiều doanh nghiệp Việt Nam tăng theo, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp khó khăn về dòng tiền, bao gồm vốn lưu động và vốn đầu tư trung, dài hạn do dòng tiền rất yếu.
TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, từng phân tích, nếu lạm phát ở mức khoảng 4%, lãi tiết kiệm vào khoảng 6 - 7%/năm là phù hợp.
Đảm bảo dòng tiền, thanh khoản cho nền kinh tế
Lãi suất cao là vấn đề với doanh nghiệp, nhưng thanh khoản là vấn đề còn quan trọng hơn. Thanh khoản như dòng máu nuôi dưỡng tế bào. Thiếu thanh khoản, doanh nghiệp và ngân hàng đều gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận được vốn dù có thế chấp, có dự án hiệu quả; nhiều ngân hàng có vốn mà không thể cho vay bởi room tín dụng.
Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, có đại biểu đề nghị làm rõ tính hợp lý của cơ chế cấp hạn mức tín dụng hằng năm cho các ngân hàng thương mại có phù hợp với tình hình hiện nay và xu hướng thế giới. Lý do, nhiều ngân hàng hết room tín dụng và đồng thanh đề nghị nới thêm room tín dụng để góp phần hỗ trợ tăng trưởng.
Đại biểu đề nghị cho biết tính hợp lý của cơ chế cấp hạn mức tín dụng hằng năm cho các ngân hàng thương mại hiện nay.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã trả lời cặn kẽ tình trạng, nguyên nhân này và đến 2 tuần trước ngày cuối cùng của năm 2022 đã chỉ đạo nới room thêm 2% cho hạn mức tín dụng 14%.
Trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn, lạm phát không cao, doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế chỉ trông chờ vào tín dụng ngân hàng sau mấy năm dịch bệnh Covid-19 mà khu vực ngân hàng không thể cho vay, làm cho thanh khoản khó khăn, ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Trên thế giới, chẳng có mấy nước còn áp room tín dụng mang tính hành chính. Họ quản trị bằng các biện pháp kỹ thuật mang tính thị trường như tiêu chuẩn Basel 2, hệ số an toàn vốn CAR…
Room tín dụng đã được áp dụng cách đây 12 năm và trong chừng mực nào đó, đã phát huy tác dụng đối với quản trị. Song, đến lúc cần cân nhắc áp dụng lại các biện pháp thị trường để cả ngân hàng và doanh nghiệp có thể tìm đến nhau một cách tốt nhất, hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó, tiền ngân sách, vốn đầu tư công, vốn trái phiếu Chính phủ khó tiêu cũng dẫn đến nền kinh tế khan tiền, lãi suất bị đẩy lên, thanh khoản khó khăn là việc tất yếu. Điều này cho thấy, chính sách tài khóa cũng cần gánh vác với chính sách tiền tệ để hỗ trợ cho nền kinh tế.
Phản ứng chính sách nhanh, mạnh và hiệu quả là điều mà nền kinh tế và các doanh nghiệp cần nhất lúc này.
Lan Anh