Động thái đó hơi chậm nhưng đáng khích lệ, thể hiện chính sách tiền tệ được điều hành “chủ động, linh hoạt”.
Phản ứng chính sách như trên vừa khác xa so với cách phản ứng bị động, cứng nhắc, quá “thận trọng” hồi năm ngoái, làm nền kinh tế bó cứng, vừa đi trước các động thái của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED), cơ quan sẽ họp và có quyết định về lãi suất USD vào ngày 21-22/3 tới đây.
Cách đây hơn một tuần, ông Jerome Powell - Chủ tịch FED cho biết “… lãi suất có thể lên cao hơn”. Nhưng nay có tin tốt là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 0,4% trong tháng 2-2023, thấp so với mức tăng 0,5% ghi nhận trong tháng 1-2023. Tính theo năm, CPI tháng 2 là 6,4%, thấp so với mức tăng hàng năm.
Như vậy, áp lực tăng lãi suất đồng USD vẫn còn, nhưng tốc độ tăng có lẽ sẽ giảm đi. Sau nhiều lần điều chỉnh, lãi suất đồng đô la Mỹ đã lên tới 4,5-4,75%, cao nhất trong vòng 40 năm, làm cho mấy ngân hàng Mỹ phá sản, tỷ giá chao đảo khắp nơi.
Để tránh dòng vốn ngoại chạy khỏi nền kinh tế về Mỹ, biên độ tỉ giá USD/VND đã được điều chỉnh từ mức +-3% lên +-5%, có hiệu lực từ ngày 17/10/2022.
Tỷ giá biến động đương nhiên kéo theo lãi suất tăng. Trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã có 2 lần điều chỉnh lãi suất điều hành, mỗi lần thêm 0,5 - 1 điểm phần trăm vào các ngày 23/9 và 25/10.
Những động thái đó, nay nhìn lại, là rất chậm chạp, giật cục và không thể lường được với cộng đồng doanh nghiệp bởi ít nhất FED đã bắt đầu tăng lãi suất đồng USD từ đầu năm 2022 và đưa ra xu hướng rõ ràng để đưa mức lạm phát về 2% như bình thường.
Để đạt mục tiêu “góp phần kiềm chế lạm phát”, tỷ giá VND/USD đã được ổn định suốt 3 quý đầu 2022, đến giữa tháng 10 mới tăng không hề cảnh báo trước. Phản ứng chính sách như vậy một mặt vừa làm hao hụt dự trữ phải mất rất nhiều thời gian và công sức để tích trữ, vừa gây tâm lý kinh doanh rất không tốt.
Lẽ ra để tỷ giá và lãi suất được điều chỉnh dàn ra trong thời gian dài, song hành với tín hiệu của thị trường, thì lại tăng đột ngột, giật cục khiến nền kinh tế phải chịu những cú sốc rất lớn, tác động tiêu cực đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Do phản ứng chính sách như vậy, lãi suất thực trong tín dụng tăng quá cao. Lạm phát của Việt Nam năm 2022 chỉ là 3,15% mà lãi suất bình quân 9-10% là quá cao. Thử so sánh, ở Mỹ, lãi suất 4-4,5% mà lạm phát 8-9%, nghĩa là lãi suất USD âm 4-5%.
Trong năm ngoái, tổng phương tiện thanh toán được khống chế ở mức thấp chưa từng có trong lịch sử hàng chục năm qua. Tổng cục Thống kê cho biết, đến cuối tháng 12/2022 tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng 3,85% so với cuối năm 2021; còn trong năm 2021 tốc độ tăng 8,31%, và trước đó tốc độ tăng đều đạt 2 chữ số.
Tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán cả năm chưa bằng một nửa tốc độ tăng GDP lần đầu tiên ở Việt Nam trong vài chục năm qua. Đây là điều cực kỳ bất cập khi chỉ số giá tiêu dùng rất thấp.
Trong điều kiện bình thường doanh nghiệp luôn cần vốn vay, trong điều kiện phục hồi sau đại dịch thì nhu cầu vay vốn tăng lên cao. Kênh huy động vốn mang tên trái phiếu doanh nghiệp bị tắc nghẽn nên nhu cầu vay vốn ngân hàng của doanh nghiệp tăng lên gấp bội lần.
Đã có nhiều ý kiến kêu gọi cơ quan quản lý nới room, tăng thanh khoản cho nền kinh tế, nhưng cái room hành chính đó chỉ được nới ra trong những ngày cuối cùng của năm 2022, làm biết bao doanh nghiệp không thể tiếp cận được vốn mà suy kiệt, mất thanh khoản. Nhiều doanh nghiệp than khóc rằng: “Lợi nhuận không đủ trả lãi vay ngân hàng”.
Trong khi doanh nghiệp và nền kinh tế lao đao, ngân hàng lãi lớn trong năm 2022. Ví dụ, Vietcombank lãi 37.300 tỉ đồng, Techcombank 25.500 tỉ đồng, BIDV 23.000 tỉ đồng, VPBank 21.200 tỉ đồng… và còn danh sách dài nữa.
Đúng là kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra. Về mặt tâm lý, thật khó biện minh mức lợi nhuận như vậy khi nhiều ngành cực kỳ khó khăn, thanh khoản là vấn đề nghiêm trọng nhất hiện nay. Cam kết giảm lãi suất cho vay của hơn 20 ngân hàng là chưa đủ.
Phác họa một vài con số như vậy để thấy, lẽ ra phản ứng chính sách tiền tệ hài hòa hơn, đừng coi lạm phát là con ngáo ộp, thì nền kinh tế đã khác, hàng trăm ngàn doanh nghiệp đã có thể tồn tại.
Trước mắt, áp lực tỷ giá vẫn còn vì còn trông chờ vào phản ứng của FED. Hơn nữa, áp lực đó vẫn còn trong bối cảnh huy động ngoại tệ giảm gần 10,5% trong khi tín dụng ngoại tệ cho vay tăng 1,1% đến cuối tháng 2 so với cuối năm 2022. Bên cạnh đó, áp lực về xuất nhập khẩu, cán cân thanh toán và lạm phát e là ngày càng lớn.
Để hỗ trợ cho chính sách tiền tệ, dứt khoát phải khơi thông lại kênh huy động trái phiếu doanh nghiệp và đặc biệt, phải giải ngân được 700.000 tỷ đồng đầu tư công. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phòng hậu họa những trường hợp như ngân hàng SCB.
Những chính sách đó cần được thực hiện hài hòa, chủ động, linh hoạt để nền kinh tế không gặp những cú sốc nhân tạo như vừa qua.
Tư Giang