Làm rõ “mức lương tham chiếu”
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau băn khoăn về nội dung trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Vấn đề đầu tiên là cần phải làm rõ mức lương tham chiếu áp dụng trong Luật BHXH sửa đổi.
Từ 1/7/2024 thực hiện cải cách tiền lương nhưng người lao động chưa biết lương của mình tính như thế nào. Dù cơ quan soạn thảo đưa ra mức tham chiếu, nhưng tham chiếu cụ thể là như thế nào, áp dụng ra sao thì chưa được quy định cụ thể.
Từ kinh nghiệm làm về chính sách tiền lương nhiều năm trong Quốc hội, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, tham chiếu lương cơ sở 1,8 triệu nhân với hệ số (1,83 đối với bậc trung cấp, 2,86 đối với đại học) thì ra số tiền lương. Thế nhưng bây giờ quay lại lấy 1,8 triệu làm tham chiếu ngược lại là chưa phù hợp, không đảm bảo lý lẽ, chưa thuyết phục.
Trong báo cáo tóm tắt tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật BHXH sửa đổi do Uỷ ban thường vụ Quốc hội gửi các đại biểu, cơ quan này cho rằng, việc thay đổi “mức lương cơ sở” bằng “mức lương tham chiếu” chưa được dự liệu đầy đủ.
Theo Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 27 của trung ương quy định bãi bỏ “mức lương cơ sở” khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Như vậy, theo lộ trình thực hiện, từ 1/7/2024, sẽ không còn “mức lương cơ sở” để làm căn cứ điều chỉnh tiền lương đóng BHXH để tính lương hưu và tính hưởng một số chế độ BHXH.
Nội dung này chưa được dữ liệu đầy đủ khi Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp 6 nên trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, qua nhiều lần đề nghị, ngày 15/5 vừa qua, Chính phủ mới đề xuất thay “mức lương cơ sở” bằng “mức tham chiếu” trong dự thảo Luật.
Theo giải thích thuật ngữ “Mức tham chiếu” trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi là mức tiền do Chính phủ quy định dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ BHXH trong Luật này.
Mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế và phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước, quỹ BHXH.
Do đây là nội dung mới được đặt ra, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá tác động và nghiên cứu bổ sung một số nội dung về nguyên tắc cụ thể xác định mức tham chiếu trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi, theo hướng bảo đảm tuân thủ quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 28…
Thận trọng với phương án rút BHXH một lần
Về nội dung rút BHXH một lần, trong hai phương án Chính phủ trình trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi, đa số đại biểu Quốc hội tán thành phương án một. Đó là phương án cho người lao động tham gia BHXH trước khi Luật BHXH có hiệu lực từ 1/7/2025, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện thì được rút; những người tham gia BHXH sau khi luật có hiệu lực thì không được rút.
Phương án hai: Người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất… không nhận được đa số ý kiến đồng tình.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, mặc dù hai phương án Chính phủ trình đều chưa phải là những phương án tối ưu, có thể chưa giải quyết triệt để tình trạng hưởng BHXH một lần, chưa dự kiến phòng ngừa được phản ứng tập thể người lao động, song đây đang là các phương án chiếm ưu thế, nhất là phương án một.
Bên cạnh đó, có ý kiến đồng tình với phương án hai để không tạo “lát cắt” giữa đối tượng tham gia trước và sau khi luật có hiệu lực. Ý kiến khác đề nghị tích hợp phương án hai, theo đó, đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng từ sau ngày 1/7/2025 đến 30/6/2030 thì vẫn được hưởng BHXH một lần theo lộ trình giảm dần.
Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, nếu chọn phương án một, để người lao động rút BHXH một lần ồ ạt thì đi ngược lại tinh thần của Nghị quyết Trung ương 28 hướng tới BHXH toàn dân.
Việc để người lao động rút hết BHXH một lần sẽ không đảm bảo chính sách an sinh cho người lao động khi về già. Trong khi phương án để người lao động được rút 50% cũng được nhiều ý kiến đánh giá phù hợp, không phải không có lý. Phương án này vẫn giữ chân người lao động ở lại hệ thống BHXH, hướng tới tiếp tục tham gia BHXH để về già có lương hưu hoặc trợ cấp hàng tháng.
“Người lao động đóng BHXH 15 năm, mức đóng trên 3 triệu đồng/ tháng, nếu rút một lần chỉ được khoảng 15 triệu, tiêu vài hôm là hết. Thế nhưng, người đó khi về già sẽ là gánh nặng an sinh xã hội. Do vậy, phải tuyên truyền để người lao động hiểu rõ an sinh xã hội là chính sách nhân văn được nhà nước bảo hộ”, ông Lợi nói.
Từ đánh giá trên, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng nên để sau cải cách tiền lương rồi lấy thêm ý kiến về vấn đề rút BHXH một lần cho cặn kẽ, từ đó có phương án phù hợp, đưa vào Luật BHXH cũng chưa muộn.
"Việc xây dựng Luật không dựa vào số lượng Luật được thông qua mà quan trọng nhất phải là chất lượng Luật khi được ban hành đi vào cuộc sống. Vì vậy, không thể vội vàng thông qua khi còn nhiều ý kiến băn khoăn”, ông Lợi lưu ý.