Hiện vẫn còn khá nhiều quan điểm trái chiều về hoạt động kinh doanh tài sản ảo, tài sản mã hóa.
Với góc nhìn của “người trong cuộc”, ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Báo VietNamNet nhằm giúp công chúng hình dung rõ nét hơn về chủ đề bị nhiều người đưa vào diện “nhạy cảm”.
Tài sản ảo sẽ chiếm tới 10% GDP toàn cầu, tương đương 16.000 tỷ USD vào năm 2030
Tài sản ảo/tài sản mã hóa đang dần được chấp nhận ở nhiều quốc gia. Việt Nam thì sao, thưa ông?
Ông Phan Đức Trung: Theo khảo sát của Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council) vào tháng 12/2023 trên 60 quốc gia về phân loại chính sách với tài sản ảo/tài sản mã hoá thì Việt Nam nằm trong 8 quốc gia thuộc nhóm Chính sách cấm với tài sản ảo.
Nhóm chính sách khi khảo sát chia làm 3 loại: Chính sách hợp pháp, Chính sách cấm một phần và Chính sách cấm. Trong đó 32/60 quốc gia có Chính sách hợp pháp với tài sản ảo và tài sản mã hoá, 19/60 quốc gia có Chính sách cấm một phần và 8 quốc gia có Chính sách cấm.
Đáng chú ý là 10 quốc gia trong G20 (chiếm 50% GDP toàn cầu) đều trong nhóm 32/60 quốc gia có Chính sách hợp pháp với tài sản mã hoá.
Có thể thấy Việt Nam vẫn còn khá e dè về mặt hành lang pháp lý đối với tài sản ảo?
Để có chính sách quy định đầy đủ về tài sản ảo cần có sự tiếp cận theo 3 góc độ: Công nghệ, kinh tế tài chính và pháp lý. Đây là vấn đề khó khăn mà mọi quốc gia trên toàn cầu đều gặp khi xây dựng hành lang pháp lý.
Có thể tham khảo một con số được Lực lượng Đặc nhiệm tài chính quốc tế về chống rửa tiền (FATF) công bố năm 2023: Hiện có tới 75% quốc gia còn đang lúng túng trong xây dựng khung pháp lý cho Nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP).
Về mặt công nghệ, Việt Nam chúng ta có xu hướng tiên phong trong các ứng dụng công nghệ blockchain cho khởi nghiệp sáng tạo. Trong khi đó, việc ứng dụng vào nền kinh tế truyền thống của công nghệ blockchain lại cần các doanh nghiệp truyền thống hướng tới các quy mô toàn cầu hoặc các giao dịch xuyên biên giới. Có thể thấy một vấn đề phát sinh là Việt Nam hiện còn thiếu các doanh nghiệp đủ lớn sẵn sàng khai thác và ứng dụng công nghệ này.
Đâu là những quan điểm sai lầm phổ biến hiện nay tại Việt Nam khi đề cập tới tài sản ảo?
Tài sản ảo, tài sản mã hoá, tiền ảo, tiền mã hoá, tài sản số là rất nhiều cách gọi khác nhau về loại tài sản ứng dụng công nghệ blockchain mà khoa học máy tính gọi là token. Với mỗi cách tiếp cận khác nhau, sẽ có cách gọi và cách hiểu khác nhau. Tiếp cận từ góc độ quản trị rủi ro thì gọi là tài sản ảo (tiếp cận từ FATF), tiếp cận từ góc độ tính thuế gọi là tài sản số (tiếp cận từ chuẩn mực kế toán IFRS), tiếp cận từ góc độ fintech (công nghệ tài chính) thì gọi là tiền mã hoá...
Tại Việt Nam, cách tiếp cận phổ biến thường gặp là “tài sản ảo”. Cách tiếp cận này cũng phù hợp với tiêu chí quản trị rủi ro mà FATF đưa ra và được chấp nhận rộng rãi trên phạm vi toàn cầu. Từ góc độ tiếp cận này, chúng ta có những định nghĩa cơ bản như Tài sản ảo (VA), Nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VA-VASP). Tuy nhiên, do việc phổ cập kiến thức chưa đầy đủ dẫn tới việc nhiều người hiểu tài sản ảo nghĩa là không có thật, không có giá trị hay nghĩa là xấu.
Vì vậy, tôi cho rằng cùng với việc ban hành một hành lang pháp lý đầy đủ, hoàn thiện về VA-VASP, chúng ta cần thúc đẩy phổ cập nhận thức đúng về token là một sản phẩm ứng dụng công nghệ blockchain và là một lớp tài sản mới sinh ra kể từ ngày Bitcoin ra đời năm 2009.
Lớp tài sản này có cả mặt tốt lẫn mặt xấu, giống như mọi loại tài sản khác trên thế giới. Việc chúng ta cần làm là học cách quản lý, nhận biết cơ hội và rủi ro trong tương lai.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, sự hình thành và phát triển của lớp tài sản này là không thể đảo ngược. Ước tính quy mô của tài sản ảo sẽ chiếm tới 10% GDP toàn cầu, tương đương 16.000 tỷ USD vào năm 2030, theo báo cáo của tổ chức tư vấn Boston Consulting Group (BCG).
Đừng e ngại, né tránh và tách biệt ra khỏi dòng chảy chung của toàn cầu
Nhiều người e ngại sự phát triển của tài sản ảo có thể kéo theo nguy cơ tác động tiêu cực tới quyền lợi của con người, và cao hơn nữa là an ninh quốc gia? Ông có đồng tình với sự e ngại này và có khuyến nghị gì thêm?
Như tôi đã nói, tài sản ảo hay tài sản mã hóa đều có tác động tiêu cực và tích cực, giống như tất cả các loại hình tài sản khác.
Tài sản ảo được sinh ra bởi khoa học kỹ thuật, và tội phạm thường có xu hướng sử dụng công nghệ mới để khai thác các lỗ hổng trong kinh tế cũng như an ninh quốc gia, nên sự e ngại như trên là hoàn toàn có thể hiểu được.
Tôi cũng luôn đồng tình với các quan điểm về việc cần phải nhận diện, kiểm soát và chuẩn bị các phương án xử lý các mặt tối này nhằm đảm bảo quyền lợi người dân cũng như các vấn đề an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh đây là góc nhìn quản trị rủi ro chứ không phải góc nhìn e ngại, né tránh. Hiện nay, công nghệ đã làm thể giới phẳng hơn, có sự liên kết mạnh mẽ giữa các quốc gia với nhau hơn. Vì vậy, mỗi quốc gia sẽ cần có những đánh giá cụ thể về các vấn đề địa chính trị, quyền lợi người tiêu dùng... để thúc đẩy, tối ưu hóa các mặt tích cực của công nghệ, tăng cường hội nhập theo xu hướng chung và hạn chế những mặt tiêu cực chứ không thể vì bất kỳ sự e ngại nào mà tách biệt ra khỏi dòng chảy chung của toàn cầu.
Việc không công nhận tính hợp pháp của tài sản ảo khiến các giao dịch tài sản ảo buộc phải lùi vào khu vực “kinh tế ngầm” (theo số liệu của Fulbright năm 2018, “kinh tế ngầm” của Việt Nam chiếm tới 20 – 30%GDP). Đây có phải là điều khiến ông trăn trở?
Số liệu từ Chainalysis và đã được đại diện Bộ Tư pháp Mỹ chia sẻ cho thấy, đã có tới 120 tỷ USD tiền mã hóa được chuyển vào Việt Nam từ tháng 6/2022 - 6/2023. Do thiếu hành lang pháp lý quản lý VA-VASP nên toàn bộ số tiền này đang chưa được kiểm soát tốt cũng như gây thất thu về thuế và kéo theo nhiều vấn đề khác như phòng chống rửa tiền, bảo vệ người dùng...
Vì vậy, tôi cho rằng nếu chúng ta có chính sách quản lý chặt chẽ thì thay vì việc đi vào nền kinh tế ngầm chưa được kiểm soát, dòng tiền này có thể sẽ trở thành một động lực tốt giúp thúc đẩy nền kinh tế.
Trong quá trình thúc đẩy phổ cập kiến thức blockchain ở Việt Nam, tôi thấy rất nhiều cách để Chính phủ có thể điều chỉnh theo hướng tích cực đối với nền kinh tế này thông qua sự ủng hộ từ các bạn khởi nghiệp ở tuổi đời còn rất trẻ hay các nhà đầu tư nước ngoài.
Việc không sớm có chính sách về tài sản ảo còn gây hiệu ứng ngược như việc kéo Việt Nam vào Danh sách Xám của FATF năm 2023. Tôi rất hy vọng Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt sớm được thực thi đúng kế hoạch sẽ là tiền đề phát triển hành lang pháp lý tài sản mã hoá tại Việt Nam.
Theo ông, nếu giao dịch tài sản ảo thoát khỏi diện “kinh tế ngầm” thì sẽ đem lại những lợi ích gì cho Việt Nam khi hội nhập quốc tế?
Để trả lời câu hỏi này, tôi cho rằng chúng ta cần có một đánh giá toàn diện về lợi ích của tài sản ảo khi được công nhận và đóng góp vào nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, ít nhất thì việc có đầy đủ hành lang pháp lý VA-VASP cũng sẽ góp phần quan trọng giúp Việt Nam thoát khỏi Danh sách Xám của FATF, giảm thiểu khoản thiệt hại khoảng 7,8% GDP/năm theo ước tính của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra với các quốc gia khi bị rơi vào danh sách này. Đáng chú ý, đây là một con số lớn nhưng diễn ra âm thầm và gây thiệt hại ngầm ở các doanh nghiệp có vốn nước ngoài nên chúng ta không thấy rõ mà thôi.
Ngoài ra, tôi nghĩ khi có chính sách đủ tốt, có thể dòng chảy 120 tỷ USD từ nền kinh tế ngầm hiện nay sẽ góp phần thu hút vốn FDI bằng một con số nào đó. Hiện tại, vốn FDI vào Việt Nam khoảng 25 tỷ USD/năm.
Cũng chỉ vì chưa có quy định pháp luật đầy đủ, minh bạch, nên một số doanh nghiệp/cá nhân người Việt cung cấp tài sản ảo phải hoạt động dựa trên giấy phép được cấp bởi nước ngoài, không đem lại giá trị cho cộng đồng và đất nước Việt Nam. Cảm nghĩ của ông thế nào khi biết thực tế đó?
Chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức cần tuân thủ đầy đủ quy định pháp lý các nước sở tại khi xin cấp phép VASP, đồng thời lưu ý việc hoạt động tại Việt Nam khi chưa được cấp phép là "vùng xám" trong bức tranh kinh tế. Tuy nhiên, dù xin cấp phép tại bất kỳ quốc gia nào thì vẫn có những tiêu chuẩn toàn cầu như chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố, chống tài trợ phổ biến vũ khí hàng loạt (AML/CFT/CBF) cần phải được tuân thủ nghiêm túc.
Tại Việt Nam, với môi trường pháp lý chưa hoàn chỉnh, các VASP nên phối hợp với Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) trong chương trình xã hội truy vết các hoạt động lừa đảo ChainTracer để thể hiện rõ cam kết và hành động cụ thể trong nỗ lực tuân thủ pháp lý của mình, đồng thời có thể chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm thông qua những hội thảo đóng góp ý kiến về chính sách với các cơ quan quản lý.
Tóm lại, chúng tôi cổ vũ và kêu gọi cộng đồng, các VASP hãy chung tay, tích cực thúc đẩy phổ cập kiến thức và chia sẻ để góp phần tạo dựng một hành lang pháp lý có tính cạnh tranh quốc tế.
Chính phủ đã quyết tâm đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách Xám vào năm 2025. Ông đánh giá thế nào về tính khả thi của việc này?
Tôi rất tin tưởng vào quyết tâm của Chính phủ, đặc biệt là sau khi Thủ tướng Chính phủ công bố 17 cam kết với FATF bằng Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 23/2/2024. Tuy nhiên, để Việt Nam ra khỏi danh sách Xám vào năm 2025 thì thời gian không còn nhiều và cần sự nỗ lực của tất cả các ban ngành.
Chúng ta có thể học hỏi một số kinh nghiệm quốc gia đã ra khỏi danh sách Xám trong vòng 6 tháng như Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE). Lúc Việt Nam vào danh sách Xám cùng UAE vào năm 2023 thì danh sách này có 26 nước, hiện tại UAE và 4 nước khác đã ra khỏi danh sách.
Một số quốc gia xung quanh chúng ta như Thái Lan, Singapore đều cũng không nằm trong Danh sách Xám và có chính sách pháp lý rõ ràng về tài sản mã hóa. Tôi cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể tham khảo các quy định pháp lý từ các quốc gia đó.
Cơ hội hiếm có để gia tăng năng lực cạnh tranh cho Việt Nam
Một thời gian dài, blockchain thuộc diện chủ đề nhạy cảm. Nhiều hoạt động, sự kiện blockchain tại Việt Nam chỉ dám diễn ra một cách âm thầm, hoạt động “chui”. Những người công khai thảo luận về blockchain được xem là những “người dũng cảm”. Vì sao ông lại quyết tâm “lên thuyền” với các cộng sự để thành lập Hiệp hội Blockchain Việt Nam?
Chúng tôi không cho rằng đây là một ngành nghề nhạy cảm mà chỉ là các ứng dụng của ngành công nghệ blockchain khá phức tạp do liên quan trực tiếp tới cùng lúc 3 lĩnh vực là công nghệ, kinh tế và pháp lý. Đặc biệt, ở giai đoạn sơ khai, các ứng dụng của ngành blockchain bị lợi dụng cho nhiều hoạt động tiêu cực, dẫn đến sự e ngại của số đông người dân.
Tuy nhiên, đánh giá tổng thể, công nghệ blockchain là một công nghệ mới, có nhiều ứng dụng quan trọng cho nhiều ngành nghề, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt, đây là cơ hội hiếm có để gia tăng năng lực cạnh tranh cho Việt Nam một cách hiệu quả, ít đòi hỏi sự đầu tư hơn so với nhiều công nghệ khác như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (BigData),...
Nhận thức được lợi thế Việt Nam có thể nắm bắt theo kịp công nghệ này cũng như việc tập hợp được đội ngũ chuyên gia có năng lực, tâm huyết, nên chúng tôi đã quyết tâm thành lập Hiệp hội với mong muốn đem lại giá trị cho đất nước cũng như cộng đồng ứng dụng công nghệ này trên thế giới.
Ông có thể chia sẻ một vài kỷ niệm khó quên, những câu chuyện “cười ra nước mắt” trong những ngày đầu hoạt động trên cương vị lãnh đạo Hiệp hội Blockchain?
(Cười), Vâng, các kỷ niệm “cười ra nước mắt” ở Hiệp hội Blockchain Việt Nam thì nhiều lắm.
Ngay khi đăng ký thành lập, chúng tôi thường xuyên bị nhầm sang một công nghệ vật liệu xây dựng vì có chữ block. Lúc ấy chúng tôi quyết định dịch chữ blockchain sang tiếng Việt là công nghệ chuỗi khối. Tuy nhiên, rất may mắn là sau đó các cơ quan quản lý nhà nước vẫn chấp thuận tên chính thức là “Hiệp hội Blockchain Việt Nam”.
Đến ngày khai trương, anh em bạn bè nô nức đến chúc mừng nhưng đồng thời cũng e dè hỏi chúng tôi đây có phải hiệp hội buôn bán coin hay tiền ảo hay không. Cảm xúc lúc ấy thật lẫn lộn vừa buồn cười vừa lo lắng vì kiến thức phổ cập trong cộng đồng vẫn còn quá thấp.
Tuy nhiên, thành thật mà nói thì chính những kỷ niệm đó làm chúng tôi quyết tâm nhiều hơn trong việc phổ cập kiến thức tới cộng đồng sau này.
Mong muốn lớn nhất của ông lúc này trong vai trò lãnh đạo Hiệp hội Blockchain Việt Nam là gì, thưa ông?
Tôi mong muốn và tin tưởng đến một ngày nào đó công nghệ blockchain ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành nghề. Đơn cử như ứng dụng công nghệ này vào nền tảng của các sản phẩm fintech. Điều này sẽ góp phần thay đổi tích cực, mạnh mẽ, gia tăng giá trị cho ngành ngân hàng truyền thống, nơi được coi là huyết mạch của mọi nền kinh tế nhưng chi phí vận hành lại đang càng ngày càng cao.
Tôi cho rằng, cùng với Tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC), công nghệ tokenizer sẽ thay đổi tiếp nối các hoạt động chứng khoán toàn cầu. Việt Nam sẽ có một cơ hội tham gia vào đó để không tụt hậu và từng bước theo kịp các nền kinh tế phát triển. Các ngành khác như logistic, y tế, giáo dục... cũng sẽ có những sự thay đổi tương tự.
Ông dự báo bao lâu nữa, Việt Nam sẽ có thể tự hào khi được ghi tên trên bản đồ thế giới về blockchain nói chung và tài sản ảo/tài sản mã hóa nói riêng?
Hiện nay Việt Nam đã ghi danh trên bản đồ thân thiện với công nghệ này toàn cầu. Ví dụ như theo Chainalysis, 20% dân số Việt Nam có sở hữu tài sản mã hoá, Việt Nam đứng thứ 3 toàn cầu về giao dịch tài sản mã hoá. Nhiều người có thể cho rằng đây là các con số tiêu cực vì tài sản mã hóa ở Việt Nam vẫn được xếp vào nhóm kinh tế ngầm.
Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng, nếu chúng ta có chính sách đúng thúc đẩy thì đây là một ngành kinh tế tiềm năng, đóng góp đáng kể vào tiến trình phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Cảm ơn ông vì đã thẳng thắn chia sẻ nhiều thông tin thú vị với độc giả VietNamNet!