Tại phiên toàn thể thứ 4 ngày 11/6 về hiện đại hóa quân đội và những năng lực quốc phòng mới, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam là xây dựng và tăng cường khả năng quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình.
"Người trước, súng sau"
Việt Nam đã trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh tự vệ nên thấu hiểu sự tàn phá và hậu quả của xung đột, bạo lực. Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh, chủ trương xây dựng quân đội, xây dựng tiềm lực quốc phòng đủ mạnh để tăng cường khả năng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc; đồng thời thực hiện trách nhiệm nghĩa vụ quốc tế cao cả.
"Quốc phòng Việt Nam là nền quốc phòng toàn dân, mang tính chất hòa bình, tự vệ; tích cực, chủ động, kiên quyết, kiên trì ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh. Mục tiêu xuyên suốt của quốc phòng Việt Nam là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ vững ổn định chính trị, môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước. Cam kết thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ quốc tế cao cả, mong muốn đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng, hợp tác phát triển chung của khu vực và thế giới", Bộ trưởng nói.
Theo quan điểm của Việt Nam, tăng cường tiềm lực quốc phòng là nâng cao sức mạnh tổng hợp của toàn quân, toàn dân và toàn thể hệ thống chính trị; nâng cao sức mạnh tổng hợp toàn diện, cả tiềm lực chính trị, tinh thần, tiềm lực kinh tế, khoa học công nghệ; chứ không đơn thuần là nâng cao sức mạnh quân sự.
Việt Nam chủ trương tăng cường khả năng quốc phòng không đơn thuần là mua sắm, sản xuất, hiện đại hóa vũ khí trang bị, mà là nâng cao sức mạnh quốc phòng trên nhiều phương diện; xây dựng tiềm lực quốc phòng, quân sự theo chiến lược thống nhất, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khả năng tác chiến và trình độ, năng lực của lực lượng vũ trang.
Tăng cường khả năng quốc phòng thể hiện cả ở xây dựng tổ chức, biên chế, trang bị, nghệ thuật quân sự, khoa học kỹ thuật, cơ sở bảo đảm hậu cần thường xuyên được duy trì, hoàn thiện và không ngừng phát triển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.
Trong đó, trước tiên và then chốt là xây dựng QĐND Việt Nam vững mạnh về chính trị, tinh thần, với quan điểm “người trước, súng sau”; có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống quân sự, quốc phòng.
Xây dựng Quân đội hiện đại về tổ chức, biên chế theo hướng tinh, gọn, mạnh, có cơ cấu hợp lý giữa các thành phần lực lượng, phù hợp với vũ khí, trang bị, nghệ thuật tác chiến.
Phát triển nền công nghiệp quốc phòng hiện đại, lưỡng dụng, tự cường và mở rộng hợp tác quốc tế với các đối tác tiềm năng. Bộ Quốc phòng Việt Nam chủ trương phát triển nền công nghiệp quốc phòng không chỉ phục vụ mục đích quân sự, mà còn phục vụ nhu cầu dân sinh...
Để tăng cường khả năng quốc phòng, đương nhiên không thể thiếu hiện đại hóa vũ khí, trang thiết bị quân sự. Tuy nhiên, Việt Nam luôn chủ trương chỉ tập trung hiện đại hóa vũ khí, trang bị quân sự để phục vụ mục đích bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình.
Không liên kết với nước này để chống lại nước kia
"Nền quốc phòng của Việt Nam là nền quốc phòng mang tính chất hòa bình và tự vệ. Tăng cường tiềm lực quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc.
Việt Nam chủ trương tăng cường khả năng quốc phòng bằng nội lực và điều kiện, khả năng của mình, không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống lại nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế", Bộ trưởng Quốc phòng nhấn mạnh lại.
Việt Nam chủ trương tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, tăng cường xây dựng lòng tin chiến lược với các nước; luôn mong muốn mở rộng hợp tác quốc phòng.
Việt Nam thấu hiểu giá trị của hòa bình, mong muốn duy trì và quyết tâm gìn giữ hòa bình đất nước, quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc. Việt Nam luôn kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bình đẳng, cùng có lợi; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ; mong muốn là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Về các vấn đề Biển Đông, Việt Nam kiên trì, kiên quyết nguyên tắc giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia; tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, cam kết thực thi nghiêm túc DOC và mong muốn hướng tới xây dựng một COC hiệu quả, thực chất và có tính pháp lý rõ ràng hơn.
Theo Đại tướng Phan Văn Giang, tăng cường năng lực quốc phòng, nếu không minh bạch, sẽ rất dễ dẫn đến nghi kỵ, hiểu lầm; nếu không vì mục đích chính nghĩa, rất dễ kéo theo chạy đua vũ trang. Hệ lụy là, lòng tin chiến lược giữa các quốc gia suy giảm, cạnh tranh chiến lược gia tăng, nguy cơ đối đầu hiện hữu, an ninh truyền thống phức tạp, chiến tranh, xung đột tiềm ẩn, khó lường.
Trên tất cả là hòa bình, hợp tác và phát triển, đây luôn là lợi ích, là nguyện vọng chính đáng, là mong ước tương lai chung của các quốc gia, dân tộc.
"Với Việt Nam chúng tôi, xây dựng và tăng cường khả năng quốc phòng không gì khác mục đích này - Để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân", Đại tướng bày tỏ.
Bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đã thu hút sự theo dõi đặc biệt của các đại biểu, diễn giả và các nhà quan sát quốc tế tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 19, diễn ra từ 10-12/6 sau hai năm trì hoãn vì đại dịch Covid-19.
Sau bài phát biểu, Bộ trưởng Phan Văn Giang đã trả lời một số câu hỏi của các đại biểu tại đối thoại.
Thành Nam
Kiên định chính sách quốc phòng “bốn không”
Việt Nam xây dựng, phát triển quân đội 'bốn không' để phòng vệ
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng chia sẻ về quan điểm của Việt Nam trong phát triển, xây dựng quân đội với mục tiêu “bốn không” để phòng vệ.