Xây dựng Luật Tham gia lực lượng GGHBLHQ là cần thiết
Hoạt động gìn giữ hòa bình (GGHB) Liên Hợp Quốc thể hiện dưới hình thức các Phái bộ được Liên hợp quốc cử đến các khu vực đã tạm dừng xung đột hoặc đã có thỏa thuận hòa bình để GGHB tại các khu vực này. Đây là cơ chế đặc biệt trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc dựa vào nguồn lực và lực lượng do các nước thành viên đóng góp, thể theo những quy định về an ninh tập thể của Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã tích cực, chủ động trong việc tham gia hoạt động GGHB Liên Hợp Quốc.
Từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã thành lập 5 Bệnh viện dã chiến cấp 2 và hai Đội Công binh. Nhiều văn bản quy định về chế độ, chính sách cho lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình được ban hành.
Việt Nam cũng đã cử 786 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đi thực hiện nhiệm vụ GGHB của Liên Hợp Quốc tại Phái bộ UNMISS (Nam Sudan), Phái bộ MINISCA (Cộng hòa Trung Phi), Phái bộ UNISFA (khu vực Abyei),…
Các lực lượng Việt Nam đã và đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được lãnh đạo LHQ, chỉ huy phái bộ, chính quyền nước sở tại và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Trong quá trình triển khai lực lượng, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã kịp thời giải quyết chế độ, chính sách và công tác đảm bảo đối với các lực lượng trực tiếp tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam theo đúng quy định; kịp thời hướng dẫn, đảm bảo chế độ, chính sách cho trường hợp bị tai nạn, hy sinh khi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Nhiều nước đã ủng hộ Việt Nam trong đào tạo ngoại ngữ, xây dựng cơ sở vật chất, ủng hộ trang thiết bị phục vụ cho huấn luyện, đào tạo và triển khai tại phái bộ, ủng hộ phương tiện vận chuyển hàng hóa và con người đến phái bộ.
Tuy nhiên, công tác điều phối quốc gia về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc còn chưa được rõ nét; chưa được thực hiện đồng bộ, bài bản, dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển chọn, đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Liên hợp quốc. Một số chế độ, chính sách còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, chưa mang tính ưu tiên, khuyến khích cao, chưa bao quát hết các đối tượng được đề cập, chưa theo kịp với sự phát triển của nhiệm vụ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Vì vậy, việc xây dựng Luật Tham gia lực lượng GGHB Liên Hợp Quốc là cần thiết nhằm hoàn chỉnh khung pháp lý về việc Việt Nam tham gia hoạt động GGHB Liên Hợp Quốc để triển khai lực lượng tham gia theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, Hiến pháp, pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ huy, điều hành, thực hiện nhiệm vụ; đảm bảo hợp lý chế độ chính sách; rút ngắn quy trình, thủ tục pháp lý trong việc cử, điều chỉnh, rút lực lượng; xử lý những vấn đề phát sinh tại địa bàn.
Bộ Quốc phòng đề nghị xây dựng Luật bao gồm 3 chính sách lớn
Theo đề nghị của Bộ Quốc phòng, xây dựng Luật bao gồm 3 chính sách lớn:
Hoàn thiện thể chế về xây dựng lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động GGHB Liên Hợp Quốc. Theo đó, quy định rõ cơ quan quản lý, chỉ huy, chỉ đạo điều hành lực lượng tham gia hoạt động GGHB Liên Hợp Quốc và quy định cụ thể nội dung điều phối quốc gia đối với hoạt động GGHB Liên Hợp Quốc. Quy định hình thức, cơ chế xây dựng lực lượng, quy trình, điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn lực lượng, đào tạo, huấn luyện, chỉ huy trưởng lực lượng; quy định rõ và phân công trách nhiệm cụ thể cho Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đối với công tác xây dựng, chuẩn bị lực lượng tham gia hoạt động GGHB Liên Hợp Quốc theo cả hình thức cá nhân và đơn vị.
Hoàn thiện cơ chế triển khai lực lượng tham gia hoạt động GGHB Liên Hợp Quốc: Quy định cụ thể, thống nhất về thẩm quyền quyết định và quy trình cử mới, cử luân phiên, cử thay thế đột xuất, điều chỉnh, rút lực lượng đang tham gia hoạt động GGHB Liên Hợp Quốc; trách nhiệm của Chính phủ, các ban, bộ, ngành và các tổ chức Việt Nam. Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết các vấn đề phát sinh, đền bù thiệt hại khi mất, hỏng tài sản hoặc gây thương vong cho Liên Hợp Quốc hoặc bên thứ ba. Quy định thẩm quyền, quy trình rút lực lượng trong trường hợp khẩn cấp.
Hoàn thiện pháp luật về bảo đảm nguồn lực, chế độ chính sách đối với hoạt động GGHB Liên Hợp Quốc.