Reuters đưa tin, trước đó, giới chức Mỹ cũng phát hiện một khinh khí cầu do thám tình nghi của Trung Quốc bay lơ lửng trên bầu trời bang Montana trong vài ngày qua.
"Một khinh khí cầu giám sát tầm cao đã được phát hiện và Bộ Chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ (NORAD) đang tích cực theo dõi hoạt động của nó. Người dân Canada vẫn an toàn, và Canada đang thực hiện các bước để đảm bảo an ninh không phận quốc gia bao gồm cả việc giám sát khả năng xảy ra sự cố thứ hai", Bộ Quốc phòng Canada khẳng định vẫn thường xuyên liên lạc với phía Mỹ.
Theo AP, trong tuyên bố, Canada không nhắc tới Trung Quốc hay quốc gia nào là chủ nhân của chiếc khinh khí cầu đang bay trên không phận Canada.
“Các cơ quan tình báo Canada đang làm việc với đối tác Mỹ, và tiếp tục có những biện pháp cần thiết để bảo vệ thông tin nhạy cảm của Canada trước mối đe dọa từ tình báo nước ngoài”, Bộ Quốc phòng Canada cho biết.
Trong khi đó, một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho rằng Mỹ “tin khả năng cao” đây là khinh khí cầu của Trung Quốc làm nhiệm vụ bay trên các khu vực nhạy cảm để thu thập thông tin
Một trong những nơi khinh khí cầu được phát hiện là bang Montana của Mỹ, nơi có một trong ba bãi chứa tên lửa hạt nhân tại Căn cứ Không quân Malmstrom.
Ông Patrick Ryder, thư ký báo chí Lầu Năm Góc, tuyên bố chính phủ Mỹ đang tiếp tục theo dõi khinh khí cầu. Khinh khí cầu “đang di chuyển ở độ cao cao hơn nhiều so với các tuyến hàng không thương mại, và không gây ra mối đe dọa quân sự hay thể chất đối với người dân dưới mặt đất”.
Ông cũng cho biết khinh khí cầu từng xuất hiện trong vài năm qua. Và Mỹ đã thực hiện các bước để đảm bảo khinh khí cầu không thu thập thông tin nhạy cảm.
Phía Mỹ đã điều các máy bay chiến đấu bao gồm cả tiêm kích F-22, cũng như sẵn sàng bắn hạ khinh khí cầu nếu Nhà Trắng ra lệnh. Song Lầu Năm Góc đã phản bác ý định này, khi cho rằng những mảnh vỡ từ khinh khí cầu có thể gây nguy hiểm cho người dân phía dưới.
Hiện chưa rõ quân đội Mỹ làm gì để ngăn khinh khí cầu thu thập thông tin nhạy cảm, hoặc điều gì sẽ xảy ra nếu nó không bị bắn hạ.