Các tuyến giao thông nội tỉnh, cảng Trần Đề, cầu Đại Ngãi, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng… sẽ giúp Sóc Trăng tăng kết nối với các khu vực trọng điểm phía Nam, phát triển kinh tế biển, tạo lợi thế trong thu hút đầu tư.
Tại Hội thảo về đầu tư cảng biển Trần Đề sáng 7/8, diễn ra tại TP. Sóc Trăng, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết, vùng ĐBSCL có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều khó khăn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải còn hạn chế, thiếu đồng bộ; chưa phát triển đồng đều và thiếu mối liên kết giữa các phương thức vận tải; quy mô và năng lực vận tải đường thủy còn thấp; chưa có cảng đầu mối và các trung tâm logistics lớn.
Hiện nay, hơn 70% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của ĐBSCL phải vận chuyển bằng đường bộ lên cụm cảng TP.HCM, làm tăng chi phí vận chuyển, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng chất lượng hàng hóa; đồng thời tạo áp lực lên giao thông đường bộ.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh, với vai trò cảng cửa ngõ cho vùng ĐBSCL, cảng biển Trần Đề là "mảnh ghép hoàn hảo" giúp đồng bộ hạ tầng giao thông, trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Việc quy hoạch, triển khai đầu tư hệ thống cao tốc trục dọc, trục ngang đồng bộ với hệ thống cảng, kỳ vọng sẽ giải quyết điểm nghẽn lâu nay.
Chia sẻ tại hội thảo, nhiều nhà đầu tư bày tỏ mong muốn được Chính phủ quan tâm về vốn đầu tư, xem xét hỗ trợ cầu dẫn (cầu vượt biển dài 18km), đê chắn sóng để hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng biển Trần Đề...
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, cho hay, doanh nghiệp có 6 nhà máy chế biến, 2 xí nghiệp nuôi tôm với trên 5.000 lao động; hằng năm tạo kim ngạch xuất khẩu khoảng 250 triệu USD.
Theo ông Lực, trong hơn 27 năm hoạt động, doanh nghiệp phải vận chuyển hàng hóa xuất khẩu các cảng thuộc TP.HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Cung đường từ miền Tây đến các cảng đó khá xa, mật độ lưu thông rất cao có thể làm hàng không tới cảng kịp thời, gây thiệt hại cho hoạt động chung.
“Cảng nước sâu Trần Đề nằm sát địa bàn ĐBSCL sẽ hỗ trợ hoạt động nhiều mặt, như giảm chi phí, giảm rủi ro, tăng độ tin cậy với đối tác trong việc giao nhận hàng hóa và nhiều lợi ích khác”, ông Lực nói.
Ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, đánh giá, đây là dự án rất tâm huyết của Chính phủ, Quốc hội để đưa vùng ĐBSCL phát triển. Cảng Trần Đề được triển khai, được kết nối với hệ thống đường cao tốc sẽ là lựa chọn tối ưu cho ĐBSCL, đưa vùng này phát triển.
Ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng, thông tin, sau hội thảo, Tỉnh ủy sẽ chỉ đạo các ngành liên quan thực hiện lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng cảng biển Trần Đề, đặc biệt là có các cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm kêu gọi các nhà đầu tư tiềm lực.
Theo Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 24/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, dự án đầu tư Khu bến cảng Trần Đề - Sóc Trăng cần 50.000 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD) vốn đầu tư giai đoạn khởi động, dự kiến kêu gọi vốn từ doanh nghiệp.
Theo quy hoạch, cảng biển Trần Đề có tổng diện tích 4.960ha, có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, container lên đến 100.000 tấn, tàu hàng rời đến 160.000 tấn. Công suất thiết kế từ 80-100 triệu tấn/năm, được kỳ vọng trở thành cảng biển đặc biệt, đảm nhận vai trò là cửa ngõ xuất nhập khẩu hàng hóa vùng ĐBSCL.