'Vỡ mộng' vì combo du lịch giá siêu rẻ
Cách đây vài ngày, mạng xã hội Việt Nam xôn xao câu chuyện về phòng vé tên Anh Anh bán combo du lịch nghỉ dưỡng giá siêu rẻ bất ngờ ôm hàng chục tỷ đồng bỏ trốn. Cụ thể hơn, một số khách hàng cho biết đại lý này bán combo du lịch Hà Nội - Nha Trang 4 ngày 3 đêm với giá chỉ 2 triệu đồng. Mức tiền này đã bao gồm vé máy bay, khách sạn có buffet ăn sáng. Trong khi đó, mức giá phổ biến của một combo như vậy hiện nay rơi vào khoảng 3,5 triệu đồng.
Một số cảnh báo về combo du lịch giá rẻ trên mạng xã hội
Khi gần đến ngày đi và không thấy ai liên lạc lại, một số khách hàng đến địa chỉ của phòng vé để tìm hiểu nguyên nhân thì thấy địa chỉ đăng ký của nó đã đóng cửa im lìm, toàn bộ thông tin quảng cáo, biển hiệu đã bị tháo dỡ. Các cộng tác viên của phòng vé Anh Anh cho biết người đứng đầu của nơi này đã bỏ trốn, ôm theo toàn bộ tiền bán combo. Ước tính số tiền này lên đến khoảng 10 tỷ đồng vì đại lý này có hàng trăm cộng tác viên bán hàng.
Những người chịu thiệt hại nặng nề nhất trong vụ việc kể trên chắc chắn là cộng tác viên của phòng vé Anh Anh. Họ sẽ phải trả lại toàn bộ tiền khách hàng đã chi ra để mua combo 'hờ'. Theo phản ánh, để tạo niềm tin cho cộng tác viên, phòng vé Anh Anh đã thường xuyên tổ chức các đoàn đi du lịch với giá rất rẻ, tạo hiệu ứng và đáng giá tốt trên fanpage. Điều này khiến rất nhiều người tin tưởng và đăng ký làm cộng tác viên bán combo du lịch. Hiện sở du lịch Hà Nội đã có văn bản gửi Công an thành phố Hà Nội, UBND quận Ba Đình và công an quận Ba Đình đề nghị kiểm tra, xác minh vụ việc.
Trước đó không lâu, một người phụ nữ tên Q.N ở Hà Nội đã lên mạng xã hội 'kêu trời' khi bị lừa đặt combo du lịch Hà Nội - Phú Quốc từ một người không quen biết. Cụ thể hơn, người này cho biết đặt hộ bạn combo du lịch Hà Nội - Phú Quốc trong khoảng thời gian 6 - 9/8 từ một người không quen biết và chỉ cùng là thành viên của một group trên mạng xã hội.
Sau khi bạn của Q.N đã chuyển cho người bán 17 triệu đồng tiền đặt cọc thì lại được thông báo yêu cầu chuyển thêm 10 triệu đồng nữa. Cảm thấy hoài nghi, chị gọi lại cho người bán để xin số của quản lý thì không ai bắt máy và chỉ nhận được ảnh chứng minh thư của quản lý. Kiểm tra kỹ, Q.N phát hiện ra chứng minh thư này là giả.
Phòng vé Anh Anh đã tháo hoàn toàn biển hiệu.
Cuối cùng, người bán combo du lịch kể trên chặn zalo và không nghe điện thoại của Q.N. Chị phải bỏ tiền túi ra để đền cho bạn và báo cơ quan công an để xử lý vụ việc.
Những trường hợp bị lừa vì combo du lịch kể trên đều đến từ 1 nguyên nhân: 'ham rẻ'. Các đại lý lừa đảo thường đánh vào tâm lý ham rẻ của khách hàng để bán combo giá chỉ bằng một nửa những sản phẩm cùng loại trên thị trường. Nhiều người không tìm hiểu kỹ sẽ dính bẫy, chuyển tiền cho đại lý lừa đảo và rồi mất tiền oan.
Làm sao để tránh bị lừa khi mua combo du lịch giá rẻ?
Ngoài việc 'ôm vé bỏ trốn' thì tình trạng các phòng vé 'ôm' tiền của khách rồi hủy tour, thực hiện các combo du lịch kém chất lượng đang được phản ánh rất nhiều trong thời gian gần đây. Các phòng vé thường bán combo du lịch giá rẻ bao gồm vé máy bay và phòng khách sạn kèm buffet ăn sáng với lời quảng cáo giá siêu rẻ.
Thực tế cho thấy khi có những combo du lịch 4 ngày 3 đêm Hà Nội - Nha Trang được bán tràn lan trên mạng với giá 2 triệu đồng, đã có ý kiến cho rằng đó là lừa đảo. Tuy nhiên, do quá ham rẻ nên gần như ai cũng tin combo đó là thật và lao vào mua.
Giá dịch vụ khách sạn hay vé máy bay tại các điểm du lịch nổi tiếng Việt Nam chỉ có mức siêu rẻ vào tháng 5 và 6 năm nay, tức là ở thời điểm ngay sau khi bỏ cách ly xã hội, cần hạ giá thành để kích cầu. Đến tháng 7, giá các dịch vụ không hề rẻ nữa bởi đã bước vào mùa cao điểm du lịch. Theo nhiều chuyên gia, mặt bằng chung giá thành dịch vụ du lịch năm nay ở Việt Nam sẽ rẻ hơn trung bình hàng năm khoảng 15 - 25% do ảnh hưởng của Covid-19 và sẽ không xuống đến mức 'rẻ như cho'.
Ảnh minh họa
Vì vậy, khi mua combo du lịch đến một nơi nào đó trong thời điểm từ nay đến hết cao điểm du lịch hè (tháng 9), bạn cần chú ý tránh những nơi giá quá rẻ. Ví dụ, một combo du lịch Hà Nội - Đà Nẵng 4 ngày 3 đêm với khách sạn 3 sao và vé máy bay khứ hồi hiện nay được một đại lý khá uy tín bán với giá 3.870.000 đồng/người. Tuy nhiên, nếu bạn tự đặt khách sạn và vé máy bay thì giá cũng chỉ tương đương với giá của combo kể trên, thậm chí còn rẻ hơn. Điều này chứng tỏ rằng giá của các combo du lịch ở thời điểm hiện tại là không còn quá rẻ nữa và nếu bạn nhìn thấy một nơi nào đó bán với giá thấp đến bất thường (2 - 2,5 triệu đồng) thì nên tìm hiểu thật kỹ trước khi đặt mua.
Các combo du lịch thường mang đến sự tiện lợi cho khách hàng bởi không cần mua quá nhiều thứ cùng lúc và có người tìm giờ, tìm phòng cho bản thân mình. Khách hàng chủ yếu mua qua người quen rao bán trên mạng hoặc các đại lý có nhiều tương tác tốt ở mạng xã hội. Tuy nhiên, nhiều đại lý hiện nay thường dùng mạng xã hội để tung các hình ảnh thật đẹp và tạo uy tín bằng cách tổ chức vài tour giá rẻ thật sự. Sau khi đã có được đánh giá tốt, họ sẽ tuyển nhiều cộng tác viên rồi rao bán combo thật rẻ để thu số tiền thật lớn về rồi bỏ trốn.
Vì vậy, có thể những gì khách hàng nhìn thấy ở các quảng cáo trên mạng xã hội về combo du lịch giá rẻ là không đúng với sự thật. Bạn tốt nhất nên tìm đến các công ty lữ hành uy tín để đặt gói du lịch đảm bảo với giá thành hợp lý.
Nếu vẫn muốn mua combo du lịch qua mạng xã hội, bạn nên kiểm tra giá của công ty đưa ra so với các công ty, đại lý uy tín trên thị trường. Nếu giá của nơi bạn muốn mua đang thấp hơn khoảng 30% giá thị trường thì khả năng cao là không an toàn, nhất là với những điểm đến 'ăn khách' trong nước như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc... Bạn cần hiểu rằng ít nhất trong năm nay sẽ không thể có một combo theo kiểu đi Hà Nội - Đà Nẵng hay Hà Nội - Nha Trang 3 ngày 2 đêm có giá khoảng 2 triệu đồng/người (gồm khách sạn và vé máy bay).
Tóm lại trước khi đặt bất kỳ một thứ gì đó qua mạng xã hội nói riêng và internet nói chung, bạn cần tìm hiểu thật kỹ lưỡng. Đặt biệt với các combo du lịch, sẽ không có chuyện nó rẻ hơn quá nhiều so với việc bạn tự đặt hoặc đi thông qua những công ty lữ hành uy tín. Đừng ham rẻ để rồi 'tiền mất, tật mang'.
Mới đây, Tổng cục du lịch đã có công văn số 898/TCDL-LH và nêu rõ Chương trình 'Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam' do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động trong thời gian vừa qua đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ và nhanh chóng của hầu hết các địa phương, các hiệp hội và doanh nghiệp du lịch trên phạm vi cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, đã xuất hiện tình trạng chất lượng sản phẩm không đảm bảo, không đúng như cam kết với khách hàng, chưa đảm bảo chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú du lịch như hạng sao được công nhận; thu hút khách bằng việc giảm giá nhưng cắt bớt dịch vụ, làm giảm giá trị chương trình du lịch và ảnh hưởng đến tâm lý, niềm tin của du khách. Nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách du lịch, tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình kích cầu du lịch nội địa, Tổng cục Du lịch đề nghị Sở quản lý du lịch các địa phương rà soát các hoạt động cung ứng dịch vụ du lịch, lữ hành, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức kinh doanh du lịch trái phép, không đúng chức năng, cung cấp các dịch vụ kém chất lượng cho khách du lịch.
(Theo VnReview)
Cẩn trọng với hình thức lừa đảo khi mua hàng online: Lập shop trên Facebook, đăng ảnh đẹp, khách chuyển khoản mua hàng xong là shop ‘mất hút’
Chiêu bài của những shop này là đăng ảnh thật đẹp, giá phù hợp, sau đó giục khách chuyển khoản trước 100%. Đến khi khách làm xong thì shop lập tức chặn Facebook và biết mất.