Cánh đồng Chum như một bàn cờ với hơn 1960 chiếc chum lớn nhỏ nằm lổn nhổn kỳ lạ, không theo quy luật sắp xếp nào. Điểm du lịch này nằm trên địa bàn huyện Paek, Phaxay, Phoukoud và Kham của tỉnh Xieng Khouang (Xiêng Khoảng), gần thị xã Phonsavan, Lào.
Đây là di sản thứ 3 của Lào được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 2019 (sau cố đô LuangPrabang và chùa đá Vatphu ở tỉnh Champasak).
Hàng trăm chiếc chum khác nhau cao từ 1 đến 2m, bên trong rỗng ruột và được tạo ra từ các khối đá cổ. Phần lớn chúng có niên đại từ khoảng năm 500 (trước Công nguyên ) tới năm 500 (sau Công nguyên).
Phần lớn các chum đều không có nắp, cái thì trồi lên mặt đất, cái thì chìm một phần dưới đất, miệng chum hình elip, vuông, tròn... Chum to nhất có bán kính 2,5m cao 2,75m, nặng vài tấn.
Xung quanh khu vực này không có núi đá. Người cổ đại đã đục đẽo chế tác ra những chiếc chum khổng lồ này ở đâu và vận chuyển bằng cách nào tới Xieng Khouang, đến nay vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp. Đã có rất nhiều giả thuyết được đưa ra nhưng không ai có thể kiểm chứng.
Có ý kiến cho rằng vì vào mùa khô hạn, ở Xieng Khouang thiếu nước trầm trọng, người xưa đã làm những chiếc chum khổng lồ này để tích nước. Các nhà khảo cổ lại tin rằng đây là những bình đựng di cốt liên quan đến nghi thức an táng thời tiền sử khi phát hiện ra nhiều hài cốt, đồ bồi táng và gốm sứ quanh những chiếc chum đá.
Cánh đồng Chum nằm ở nơi giao nhau giữa hệ thống sông Mekong và sông Hồng nên có điều kiện thuận lợi trong việc giao thương và trao đổi văn hóa. Sự phân bố của các chum đá khắp Xieng Khouang được cho là gắn liền với các tuyến đường bộ buôn bán trao đổi và chúng là bằng chứng nổi bật nhất của nền văn minh thời đại đồ sắt.
Cho đến nay, tuy có nhiều giả thuyết khác nhau được các nhà khảo cổ đưa ra để lý giải về nguồn gốc, vai trò của những cái chum song những lý lẽ này đều chưa đủ sức thuyết phục và có thể đó sẽ là một bí ẩn không bao giờ tìm được lời giải đáp.
Nam Khánh