Hãng phim truyện Việt Nam ở số 4 Thụy Khuê mỗi ngày một xập xệ, không ai quét dọn trông nom, các phòng làm việc đều cửa đóng then cài, ai đi qua cũng ái ngại.
Sau 6 năm cổ phần hóa hãng phim, các nghệ sĩ nhận thấy cổ đông chiến lược là Tổng công ty Vận tải thủy Vivaso không hề có ý định làm điện ảnh, mà chỉ quan tâm tới giá trị đất đai của hãng.
“Hãng phim truyện Việt Nam đáng lẽ phải được tôn vinh, đứng đầu trong lễ kỷ niệm 70 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam, nhưng thực tế chỉ còn là một địa chỉ quá hiu hắt và điêu tàn, xập xệ, ai cũng đau lòng. Nếu không khôi phục Hãng mà vẫn kiên quyết cổ phần hóa, tồn tại hay không tồn tại thì cũng cho một quyết định để khỏi nhức nhối. Một là sống, hai là chết chứ cứ để Hãng dở dở ương ương, nửa sống nửa chết như hiện nay thì thật buồn” - nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát ngậm ngùi chia sẻ với VietNamNet.
Diễn viên Quyền Linh cho biết, với những người làm điện ảnh, khi không còn hãng phim lớn như Hãng phim truyện Việt Nam hay Hãng phim Giải Phóng, đó là một nỗi buồn lớn.
Sân trước để ô tô, sân sau xe máy của các hộ dân quanh khu vực được gửi trong khuôn viên Hãng phim truyện Việt Nam.
Cánh cổng, cửa các phòng ban khoá lại, bên trong là cảnh hoang tàn.
"Việc vội vàng cổ phần hoá ở Hãng phim truyện Việt Nam ai cũng biết sẽ có kết thúc thảm hoạ. Tuy nhiên, thảm hoạ với ai? Ai sẽ được hưởng lợi...? Bao trùm lên tất cả là những phận người dang dở".