Ngày 8/3/1974, một vụ tai nạn đã xảy ra với chuyến bay của Tổng thống Algeria Houari Boumediene, khi ông thăm chính thức Việt Nam.

Có 15 nhà báo và kỹ thuật viên các cơ quan thông tấn lớn của Algeria (như nhật báo El Moudjahid, hãng thông tấn APS, truyền hình Algeria…), 9 nhà báo Việt Nam và 3 nhân viên phi hành đoàn không may tử nạn khi tháp tùng Tổng thống Algeria.

Tháng 10/2000, nhân chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika (2/3/1937-17/9/2021), một khu tưởng niệm được xây dựng tại nơi xảy ra vụ tai nạn nói trên ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Năm 2013, Chính phủ Algeria dựng bia tưởng niệm 15 nhà báo và đặt tên đường Nhà báo Việt Nam ở thủ đô Algiers.

khánh thành nâng cấp khu tưởng niệm các cán bộ, phóng viên Việt Nam, Algeria hy sinh trong vụ tai nạn máy bay ngày 8-3-1974.
Năm 2023, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Algeria tổ chức khánh thành nâng cấp khu tưởng niệm các cán bộ, phóng viên Việt Nam, Algeria hy sinh trong vụ tai nạn máy bay ngày 8/3/1974. Ảnh: TTXVN

Mahmoud Maida là 1 trong số 15 nhà báo có mặt trong chuyến công tác định mệnh đó. Sau 51 năm, vượt chặng đường hàng nghìn cây số từ Algeria, 2 người con gái của ông là Badia Maidat (SN 1966, họa sĩ) và Siham Maidat (SN 1972, thanh tra cao cấp của Bộ Du lịch Algeria) sang thăm Việt Nam.

Ngày ông Mahmoud Maida qua đời, cả hai chị em còn rất nhỏ. Bà Siham Maidat mới chỉ 2 tuổi, nên những ấn tượng về người cha chỉ còn rất ít ỏi trong tâm trí. Cuộc sống vắng cha nên khi lớn lên, 2 bà luôn đau đáu muốn đến nơi cha mình đã ngã xuống.

Thế nhưng, vì điều kiện địa lý xa xôi, cách trở, phải hàng chục năm sau, cả 2 bà mới có chuyến đi đầu tiên tới Việt Nam.

Sau giai đoạn đại dịch Covid-19, vào năm 2023, lần đầu được đứng trước mộ cha, hai bà Badia Maidat và Siham Maidat thấy ấm lòng khi nơi tưởng niệm cha cùng các đồng nghiệp nằm ở một địa điểm khang trang, được chính quyền các cấp và người dân Việt Nam chăm sóc chu đáo.

W-AIMG_9501.jpg
Hai chị em bà Siham Maidat và bà Badia Maidat. Ảnh: Phạm Hải

Ở lần thăm này, một khoảnh khắc kỳ lạ đã khiến cả 2 lặng người. Đó là khi đang dâng hương, một con bướm trắng bay đến đậu trên bia mộ và một vệt nắng rọi xuống khuôn mặt họ.

Trong tâm thức của nhiều người Việt, linh hồn người quá cố thường mượn thân xác bướm để trở về dương gian thăm con cháu.

“Trong khoảnh khắc ấy, chúng tôi như cảm nhận được hơi ấm thiêng liêng lan tỏa mà các liệt sĩ, trong đó có cha tôi, đang lặng lẽ gửi gắm vào trái tim chúng tôi” - bà Siham Maidat nghẹn ngào chia sẻ.

Trở về “ngôi nhà thứ hai”

Năm 2025 này, họ trở lại Việt Nam và mang theo nhiều cảm xúc sâu đậm hơn. Không còn là những vị khách, họ đã cảm thấy như trở về quê hương - nơi gắn bó với linh hồn người cha.

"Việt Nam không chỉ là nơi người cha đã ngã xuống mà như lưu giữ một phần linh hồn của gia đình. Sự ấm áp từ những người xa lạ, sự trang trọng từ bia tưởng niệm, sự trân trọng lịch sử của cả một dân tộc..., tất cả khiến Việt Nam như quê hương thứ hai trong tim chúng tôi. Việt Nam giờ như đất nước, gia đình, anh em thân thiết” - bà Siham bày tỏ.

W-AHAI_8988.jpg
Bà Siham Maidat. Ảnh: Phạm Hải

Bà Siham Maidat không giấu được hãnh diện khi chia sẻ: “Tôi vô cùng tự hào khi cha mình thuộc thế hệ những nhà báo đầu tiên sau ngày Algeria độc lập, tiên phong đặt nền móng cho nền báo chí, mở ra con đường mới cho thế hệ sau.

Di sản của ông được khắc họa qua những bài viết, những bản tin báo chí dũng cảm và được in đậm trong trái tim 2 chúng tôi. Hình ảnh cha như ngọn đèn soi sáng, nhắc nhở về trách nhiệm của thế hệ nhà báo hiện nay trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị mà ông đã xây dựng”.

Nói về mối quan hệ khăng khít giữa 2 dân tộc, bà Siham Maidat cho biết, Algeria đã được truyền cảm hứng rất nhiều từ chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu của Việt Nam. Việt Nam chính là một tấm gương mạnh mẽ để Algeria đứng lên giành lại độc lập cho dân tộc.

Việt Nam và Algeria tuy cách nhau xa hàng chục nghìn km nhưng có nhiều điểm tương đồng trong lịch sử đấu tranh giành độc lập. Tình hữu nghị 2 nước được hình thành từ máu, nước mắt và sự sẻ chia sâu sắc trong những năm tháng gian khổ. 

W-AHAI_8870.jpg
Bà Badia Maidat rơm rớm nước mắt khi nói về cha. Ảnh: Phạm Hải

Chuyến đi lần này của 2 bà diễn ra đúng dịp Việt Nam chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Vì thế, với các bà, đây không chỉ là cuộc viếng thăm mà còn là hành trình tìm về quá khứ, về ký ức người cha và về một dân tộc có chung lý tưởng đấu tranh.

“Độc lập, tự do có được chính là nhờ biết bao hy sinh, mất mát của các anh hùng liệt sĩ. Đó là điều cực kỳ quý giá, là di sản mà thế hệ trẻ phải biết trân trọng, giữ gìn và tiếp nối.

Tương lai một đất nước có đi lên, có phát triển bền vững hay không cũng phụ thuộc vào việc thế hệ trẻ có hiểu, có phát huy được những giá trị ấy hay không” - bà Siham nhấn mạnh.

Tháng 3 vừa qua, Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Algeria tại Việt Nam dâng hương tưởng niệm các cán bộ, nhà báo Việt Nam và Algeria hy sinh trong vụ tai nạn ngày 8/3/1974.

Đại biện lâm thời Đại sứ quán Algeria Redha Oucher khẳng định đó là một tai nạn thương tâm nhưng cũng là sự kiện mang tính biểu tượng cao, nơi dòng máu của cán bộ, phóng viên hai nước hòa chung làm một, minh chứng cho vận mệnh chung của nhân dân Việt Nam và nhân dân Algeria anh em.

Phương Anh - Diệp Anh - Phạm Hải