Đề án nhân văn sâu sắc và thiết thực đối với hộ nghèo

Đề án hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát (XNT,NDN) có ý nghĩa nhân văn sâu sắc và thiết thực đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách. Cuối tháng 4 vừa qua, Cao Bằng đã tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.

Giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh có 16.049 hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách được hỗ trợ về nhà ở với tổng số kinh phí 588 tỷ 173 triệu đồng. Giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh tập trung hỗ trợ nhà ở cho 6.602 hộ là “lõi nghèo” (gồm các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách không có nhà hoặc nhà ở đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo điều kiện sinh sống). Việc rà soát, bình xét, thẩm định, phê duyệt được thực hiện công khai, minh bạch, có sự tham gia giám sát của nhân dân ngay từ những ngày đầu tiên.

Ảnh minh họa

Từ tháng 4/2021 đến nay, tỉnh hỗ trợ 153 tỷ 688 triệu đồng cho 3.656 hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, đạt 22,78% (trong đó, nguồn kinh phí huy động xã hội hóa hỗ trợ 49 tỷ 928 triệu đồng cho 1.199 hộ; Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hỗ trợ 98 tỷ 980 triệu đồng cho 2.275 hộ; nguồn tạm ứng từ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” hỗ trợ 4 tỷ 780 triệu đồng cho 182 hộ gia đình chính sách, người có công)...

Quá trình thực hiện có nhiều cách làm hay, sáng tạo được triển khai, nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh như giao lực lượng công an làm nòng cốt bám sát địa bàn, hỗ trợ trực tiếp đến từng hộ dân; ngoài kinh phí hỗ trợ của chương trình, các huyện, Thành phố vận động, huy động thêm kinh phí, nguyên vật liệu, ngày công lao động hỗ trợ các hộ gia đình hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người già neo đơn không nơi nương tựa... Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện công khai, minh bạch, khách quan, đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, đúng mục đích, nhà ở sau khi được hỗ trợ đạt các tiêu chí về quy mô, diện tích, chất lượng nhà ở.

Nỗ lực chung tay không để ai bị bỏ lại phía sau

Để hoàn thành mục tiêu XNT,NDN, giảm nghèo bền vững, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 15/7/2021, Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 19/1/2023 về lãnh đạo thực hiện XNT,NDN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2022, tỉnh  hoàn thành việc xóa 6.602 nhà tạm, nhà dột nát; giai đoạn 2023 - 2025, hằng năm tiếp tục rà soát, hỗ trợ các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo ở nhà tạm, nhà dột nát mới phát sinh; kiểm tra, giám sát chất lượng các công trình nhà ở đã hỗ trợ trên địa bàn.

Thực hiện đề án, tỉnh đã huy động, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách địa phương và nguồn lực xã hội hóa, quyết tâm hoàn thành mục tiêu hỗ trợ XNT, NDN trên địa bàn tỉnh theo nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao. Đồng thời tập trung nâng cao hiệu quả công tác vận động xã hội hóa, huy động sự chung tay của doanh nghiệp, người dân trong hỗ trợ XNT, NDN theo tinh thần "Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau". 

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện XNT, NDN gặp một số khó khăn như: nguồn vốn xã hội hóa còn hạn hẹp, ngân sách Trung ương cấp chưa đáp ứng được nhu cầu nên kết quả chưa đạt tiến độ đề ra; nhiều hộ gia đình không có kinh phí đối ứng trong quá trình làm nhà.

Công tác rà soát đối tượng, xác định nhu cầu hỗ trợ tại một số xã thiếu chính xác, phải điều chỉnh; trên địa bàn tỉnh còn khá nhiều trường hợp đã được hỗ trợ theo các chương trình, chính sách khác từ 10 năm trở lên, được hỗ trợ từ 5 - 6 triệu đồng/nhà, đến nay các đối tượng này vẫn thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đời sống gặp nhiều khó khăn, nhà ở bị hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sụp đổ và có nhu cầu cấp thiết cần hỗ trợ về nhà ở để ổn định cuộc sống... Các trường hợp này không thuộc đối tượng được hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Chương trình Mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững...

Qua rà soát, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh có 16.049 hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách cần được hỗ trợ về nhà ở với tổng kinh phí hơn 588 tỷ đồng. Trước mắt, trong giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh tập trung hỗ trợ nhà ở cho 6.602 hộ “lõi nghèo” (gồm các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách không có nhà hoặc nhà ở đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo điều kiện sinh sống). Kinh phí thực hiện XNT, NDN từ nguồn xã hội hóa, ngân sách địa phương và nguồn CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tỉnh còn một số khó khăn  vướng mắc do nhu cầu hỗ trợ về nhà ở lớn nhưng ngân sách địa phương, nguồn xã hội hóa còn hạn hẹp, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ nhà ở thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững năm 2022 không được cấp; năm 2023, mới được cấp trên 97 tỷ đồng, vốn đối ứng ngân sách địa phương trên 13,8 tỷ đồng, chưa đủ nhu cầu hỗ trợ cho các hộ gia đình đã thực hiện xong theo tiến độ chung của đề án. Đồng thời, nguồn vốn Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 hỗ trợ nhà ở thuộc Dự án 1 CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được phân bổ 22 tỷ đồng, chưa đủ so với nhu cầu của tỉnh; nhiều hộ gia đình không có kinh phí đối ứng trong quá trình làm nhà, việc huy động nội lực từ gia đình, dòng họ còn hạn chế… 

Qua rà soát, tổng hợp, hiện toàn tỉnh còn trên 12.600 hộ khó khăn về nhà ở và rất cần thêm nguồn lực hỗ trợ khoảng 450 tỷ đồng. 

Mặc dù còn vô vàn khó khăn ở phía trước, song không thể phủ nhận, thành công bước đầu của Chương trình hỗ trợ XNT, NDN của tỉnh Cao Bằng có ý nghĩa lớn, toàn diện, sâu sắc về nhiều mặt.

Bởi vậy, trong triển khai thực hiện đề án, các cấp, ngành, đơn vị không ngừng chủ động nắm tình hình các hộ nghèo khó khăn về nhà ở, phân loại thứ tự ưu tiên để triển khai thực hiện.

Lực lượng công an các cấp, nhất là cấp cơ sở thường xuyên nắm chắc địa bàn, hoàn cảnh gia đình từng hộ nghèo; chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp, phát huy tốt vai trò nòng cốt, xung kích trong tuyên truyền, vận động giúp nhân dân XNT, NDN trong thời gian tới, gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ giúp dân với giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở; đảm bảo sự tham gia, giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội, người dân trong triển khai thực hiện.

Minh Hưng và nhóm PV