Việc nâng cao số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ cũng như tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương phải thực hiện quyết liệt.

Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cũng đã nêu rõ yêu cầu với các địa phương trong việc nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Theo đó, trong năm 2022, các địa phương cần hoàn thành 2 chỉ tiêu về dịch vụ công trực tuyến gồm: Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 80%, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đạt 50%.

Thực tế tại Cao Bằng, theo số liệu của Sở TT&TT, 87% dịch vụ công của tỉnh đã được cung cấp trực tuyến mức 3, 4. Tuy nhiên, tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 còn rất thấp, chưa được người dân và doanh nghiệp quan tâm, thực hiện nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tuyến.

Cụ thể, năm 2021, tỉnh Cao Bằng chỉ đạt 10% số dịch vụ công trực tuyến mức 4 có phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ được giải quyết trực tuyến cũng mới đạt 9,8%. “Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của tỉnh nằm trong nhóm thấp nhất của cả nước”, UBND tỉnh Cao Bằng nhận định.

Theo phân tích, bên cạnh nguyên nhân khách quan là một bộ phận người dân chưa biết đến lợi ích của dịch vụ công trực tuyến, còn hạn chế về kỹ năng sử dụng, sự hạn chế trong cung cấp, sử dụng dịch vụ công online còn đến từ nguyên nhân chủ quan từ phía cơ quan nhà nước.

Đó là, cơ quan nhà nước còn chưa tạo thuận tiện cho người dân sử dụng dịch vụ; việc hoàn thiện hồ sơ còn nhiều khó khăn; người dân chưa được hướng dẫn cụ thể về kỹ năng, cách thức sử dụng dịch vụ công trực tuyến; quy trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ chưa đồng bộ, thống nhất trên môi trường mạng, giao diện ứng dụng nộp hồ sơ trực tuyến chưa thân thiện, dễ hiểu…

{keywords}
UBND tỉnh Cao Bằng giao các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố phải đưa tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 80% ngay trong năm nay (Ảnh minh họa)

Để giải quyết tồn tại nêu trên, UBND tỉnh Cao Bằng mới đây đã lên kế hoạch thúc đẩy hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch hướng tới thúc đẩy nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính, góp phần cải thiện chỉ số chuyển đổi số - DTI, chỉ số cải cách hành chính - PAR Index, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI.

Các nhiệm vụ, giải pháp sẽ được tỉnh Cao Bằng tập trung triển khai trong thời gian tới gồm có: Giao chỉ tiêu tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến cho các sở, ban, ngành, cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố; lựa chọn, đề xuất dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 chỉ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến; ban hành và thực hiện các chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại các điểm phục vụ bưu chính...

Cụ thể, các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, xã trên địa bàn Cao Bằng được yêu cầu lựa chọn từ 1 dịch vụ công trở lên chỉ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, đồng thời công bố, thông báo rộng rãi cho các tổ chức, cá nhân biết để thực hiện. Thời hạn hoàn thành việc này là trong tháng 8.

Cũng trong tháng 8, Văn phòng UBND tỉnh, trực tiếp là Trung tâm phục vụ hành chính công có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành, UBND huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan để tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành, thực hiện chính sách giảm thời gian giải quyết và ưu tiên giải quyết đối với các hồ sơ thủ tục hành chính được người dân, doanh nghiệp nộp trực tuyến.

Từ nay đến cuối năm 2022, Sở TT&TT Cao Bằng sẽ tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chính sách giảm phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính khi người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến.

Song song đó, thời gian tới, Sở TT&TT và Bưu điện tỉnh Cao Bằng sẽ chủ trì việc rà soát, đánh giá khả năng đáp ứng của Bưu điện huyện, điểm phục vụ bưu chính xã để tổ chức giới thiệu, hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến tại các điểm phục vụ bưu chính đủ điều kiện.

Vân Anh

Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ mới chỉ đạt 30%

Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ mới chỉ đạt 30%

Nhận định vấn đề lớn nhất hiện nay là hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa cao, Bộ TT&TT cho biết, đến hết tháng 5, tính trung bình trên cả nước, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ mới đạt khoảng 30%.