Liên quan đến tờ trình của UBND TP.HCM về danh mục 13 dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn, sáng 12/7, HĐND TP.HCM đã thông qua nghị quyết.
Tuy nhiên, tại nghị quyết thông qua, HĐND TP.HCM chỉ chấp thuận danh mục 9 dự án cần thu hồi đất. 4 dự án còn lại không được thông qua vì chưa đảm bảo điều kiện, chưa được bố trí vốn theo kế hoạch đầu tư công năm 2023.
Đáng chú ý, trong 4 dự án cần thu hồi đất không được thông qua có dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài (cần thu hồi 204,49ha đất).
Cùng với đó là công trình chống sạt lở bờ trái thượng lưu cầu Long Kiểng, huyện Nhà Bè (0,42ha); hai dự án tại TP.Thủ Đức đã thông qua nhưng quá 3 năm chưa triển khai là dự án Vành đai 2 TP.HCM, đoạn từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội (47,67ha) và dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh, đoạn từ cầu Xây dựng đến nút giao Vành đai 2 (3,12ha).
Đối với dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, tại kỳ họp này, UBND TP.HCM cũng đã trình HĐND Thành phố về việc điều chỉnh quy mô và nguồn vốn.
Sau khi xem xét, HĐND TP.HCM thống nhất chủ trương điều chỉnh quy mô và nguồn vốn như đề xuất của UBND Thành phố, yêu cầu đảm bảo cân đối đủ vốn ngân sách tham gia vào dự án.
Theo tờ trình, UBND TP.HCM đề xuất tổng chiều dài đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài là 51,171km, dài hơn 1,171km so với quy hoạch cũ. Chiều rộng nền đường cũng được điều chỉnh tăng từ 17m lên 25m.
Về nguồn vốn đầu tư giai đoạn 1 dự kiến, TP.HCM đề xuất tăng từ 15.900 tỷ đồng lên 21.527 tỷ đồng.
Trong đó, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư là 6.900 tỷ đồng; chi phí xây dựng 9.885 tỷ đồng; phần còn lại là chi phí quản lý, tư vấn đầu tư, lãi vay và dự phòng.
Về cơ cấu nguồn vốn tham gia dự án, vốn Nhà nước khoảng 9.827 tỷ đồng, chiếm 46% tổng mức đầu tư, và vốn nhà đầu tư BOT là 11.700 tỷ đồng, tương đương 54% tồng mức đầu tư.