Trong chuyến bay khởi hành từ Hà Nội tới Delhi (Ấn Độ) ngày 3/8, Phó giáo sư, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), đã tham gia cấp cứu một bệnh nhân bị khó thở, tăng nhịp tim khi máy bay vừa cất cánh được 30 phút.
Theo bác sĩ Dũng, khi nghe thông báo của tiếp viên trưởng về có trường hợp cần cấp cứu, ông đã xuống vị trí của hành khách nữ này. Vợ chồng họ rất lo lắng. Người chồng liên tục đòi hạ cánh khẩn cấp. Còn người vợ khó thở, nhịp tim nhanh bất thường phải thở oxy.
Phó giáo sư Dũng giới thiệu mình là bác sĩ nhưng người nhà họ vẫn không tin tưởng và đòi hạ cánh khẩn cấp. Tiếp viên nhanh chóng mang vali dụng cụ y tế cấp cứu. Bác sĩ Dũng lấy dụng cụ đo huyết áp, nhịp tim… cho nữ hành khách này. Kết quả, huyết áp bình thường, nhịp tim tăng nhanh trên 120 lần/phút.
"Khi tôi tiến hành cấp cứu, gia đình bệnh nhân vẫn nghi ngờ. Họ bảo trông tôi không giống bác sĩ. Tôi lại mặc chiếc quần jean rách”, bác sĩ này chia sẻ.
Ít phút sau, một hành khách từ dưới đi lên cho biết anh là bác sĩ tại Ấn Độ nên hai người cùng phối hợp cấp cứu. Trong quá trình đó, bác sĩ Dũng trò chuyện với họ bằng tiếng Anh. Khi hai người cùng nhau trao đổi để cấp cứu người bệnh, lúc này, mọi người mới tin Phó giáo sư Dũng là bác sĩ thật.
Trên khoang thương gia nhiều ghế trống, bác sĩ đề nghị đưa nữ hành khách lên đó để chăm sóc y tế. Trong vali cấp cứu của tổ bay có thuốc hỗ trợ tim mạch, dụng cụ đo huyết áp, ống nghe tim phổi nhưng không có máy đo độ bão hòa oxy trong máu SpO2.
Bác sĩ Dũng và đồng nghiệp người Ấn Độ quyết định cho bệnh nhân uống thuốc trợ tim. Tuy nhiên, để giảm tình trạng lo lắng, người bệnh cần dùng thuốc an thần. Bác sĩ Ấn Độ có mang theo loại thuốc này, kịp thời cho bệnh nhân uống. "May mắn, cô ấy bình ổn trở lại. Bữa tối của chúng tôi bị lùi lại một giờ", Phó giáo sư Dũng kể.
Sau 1 tiếng, bệnh nhân đã ổn định, nhịp tim giảm. Vợ chồng hành khách không còn lo lắng như ban đầu. Chuyến bay kéo dài hơn 4 tiếng kết thúc an toàn.
Phó giáo sư Dũng cho biết bệnh nhân này không có tiền sử tăng huyết áp hay tim mạch nên việc dùng thuốc cũng thuận tiện hơn. Ông nhận định có thể do hành khách quá lo lắng hoặc vì một lý do nào đó dẫn tới nhịp tim tăng. Hơn 40 năm làm trong nghề y, đây là lần đầu tiên bác sĩ Dũng tham gia tình huống cấp cứu trên máy bay. Ông chia sẻ nhìn gia đình bệnh nhân đi lại bình thường khi xuống tới sân bay ông mới yên tâm.