Vừa làm xong thủ tục đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Bình Định, chị Nguyễn Thị Phương Lan (36 tuổi, trú phường Quang Trung, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) cho biết rạng sáng cùng ngày, người phụ nữ này có biểu hiện đau âm ỉ ở bụng nên đến bệnh viện khám.
Sau khi khám lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán chị Lan bị viêm loét đại tràng, phải nhập viện để điều trị.
"Do cơn đau hành hạ, phải nhập viện cấp cứu, tôi để quên thẻ bảo hiểm y tế ở nhà. Các bác sĩ cho biết viêm loét đại tràng nếu không khám chữa kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng. May mắn, sau khi nhân viên bệnh viện hướng dẫn sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp đăng ký khám chữa bệnh, tôi đã hoàn thành các thủ tục rất nhanh gọn. Lúc đó mà phải quay về nhà lấy thẻ bảo hiểm y tế thì chắc tôi không còn sức", chị Lan chia sẻ.
Đây là một trong những chuyển đổi số của ngành y tế tỉnh Bình Định khi đã trang bị máy móc, thiết bị, nâng cấp phần mềm để tiếp nhận đăng ký khám chữa bệnh bằng căn cước công dân, giúp người bệnh rút ngắn thời gian làm thủ tục đăng ký khám, chữa bệnh.
70% bệnh nhân dùng thẻ căn cước công dân gắn chíp
Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định là cơ sở y tế tuyến tỉnh được nhiều người dân lựa chọn khám chữa bệnh ở Bình Định. Đầu giờ sáng hàng ngày, lượng bệnh nhân đến bệnh viện thăm khám rất đông.
Ông Nguyễn Đăng Khoa, Trưởng phòng Công nghệ thông tin, cho biết để rút ngắn quá trình làm thủ tục, giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân, bệnh viện đã trang bị máy móc, thiết bị, nâng cấp phần mềm triển khai đón tiếp, khám bệnh bằng bảo hiểm y tế cho bệnh nhân có căn cước công dân gắn chíp.
Từ quý 2 năm 2022, bệnh viện đã thực hiện việc đăng ký khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp từ quý 2 năm 2022. Tuy nhiên, thời điểm đó, người dân có thẻ loại thẻ này chưa nhiều.
Do đó, bệnh viện đã tăng cường công tác tuyên truyền bằng các hình thức phát thanh nội bộ, đăng thông tin trên website. Đến nay, 70% tổng số bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện sử dụng căn cước công dân gắn chíp.
“Nếu trước đây người dân đi khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế giấy thì bắt buộc phải xuất trình cùng lúc 2 loại giấy tờ là giấy tờ tùy thân và bảo hiểm y tế giấy, hiện nay chỉ cần xuất trình căn cước công dân hoặc điện thoại cài ứng dụng VNeID là được. Việc này không chỉ thuận tiện cho người dân mà quá trình tiếp nhận thông tin bệnh nhân của nhân viên bệnh viện cũng được rút ngắn thời gian”, ông Nguyễn Đăng Khoa chia sẻ.
Theo ông Khoa, hiện nay, bệnh viện không chỉ thực hiện công tác đăng ký khám chữa bệnh bằng căn cước công dân mà hiện đã ứng dụng thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, số hóa hồ sơ điện tử giúp rút ngắn thời gian làm các thủ tục cho cả người bệnh và nhân viên bệnh viện. Đồng thời, bệnh viện cũng đang tăng cường các hoạt động y tế từ xa giúp cho các công tác khám chữa bệnh nhanh, hiệu quả…
Mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử
Tỉnh Bình Định có 6 bệnh viện đa khoa; 4 trung tâm chuyên khoa; 11 trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố thực hiện đa chức năng và 5 phòng khám đa khoa khu vực trực thuộc 5 trung tâm Y tế huyện, thành phố; 159 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Nhân lực y tế thuộc tỉnh Bình Định quản lý hơn 6.000 người.
Ngành y tế tỉnh đang triển khai các nền tảng số trong khám chữa bệnh và quản lý các cơ sở khám chữa bệnh. Trong đó, tập trung vào các nền tảng khám chữa bệnh từ xa, bệnh án điện tử và hồ sơ sức khỏe điện tử công dân.
Đối với hồ sơ sức khỏe điện tử, Bình Định đã xây dựng hệ thống đáp ứng việc mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử. Dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử được cập nhật liên tục, đẩy đủ, chính xác từ các nguồn dữ liệu tiêm chủng, dữ liệu khám chữa bệnh của các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định Lê Quang Hùng cho biết từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh tập trung thúc đẩy triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy; hệ thống lưu trữ và chẩn đoán hình ảnh y khoa tiến tới không sử dụng phim nhựa...
Bên cạnh đó, tỉnh đang đẩy mạnh việc hoàn thiện kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe của người dân trên địa bàn tỉnh phục vụ công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu và thực hiện tổng hợp, phân tích dữ liệu để có các chỉ đạo kịp thời về phòng, chống dịch bệnh.
“Hồ sơ sức khỏe điện tử là thành phần cốt lõi để thúc đẩy và triển khai các nền tảng số y tế khác. Mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử và dữ liệu sức khỏe của người dân được hình thành trong các đợt khám chữa bệnh phải được cập nhật liên tục, đầy đủ, chính xác, được đối chiếu với thông tin hành chính và được kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”, ông Hùng nói.
Diễm Phúc