Thông tin trên được ông Nguyễn Tiến Sỹ, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Sở TT&TT Hà Nội chia sẻ trong tham luận về “Vai trò của tổ chức Công đoàn trong thực hiện chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh” gửi tới Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Khẳng định các cấp lãnh đạo thành phố đều quyết tâm cao trong việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Hà Nội thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn, phát triển nhanh và bền vững, ông Nguyễn Tiến Sỹ cũng cho biết, việc triển khai chuyển đổi số của Hà Nội đã đạt được một số kết quả bước đầu.
Cụ thể, các chỉ số xếp hạng, đánh giá liên quan đến chuyển đổi số năm 2022 được nâng cao, trong đó có chỉ số Chuyển đổi số cấp tỉnh, thành phố - DTI xếp thứ 24, tăng 16 bậc so với năm 2021.
Thành phố đã kiện toàn Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số; ban hành kế hoạch trọng tâm công tác chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số thành phố Hà Nội năm 2023. Một số quy chế quan trọng của Hà Nội cũng đã được ban hành.
Một số hệ thống thông tin lớn của Hà Nội đã được triển khai đến 3 cấp chính quyền. Trong đó, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Hà Nội được vận hành từ tháng 4, hiện đã kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cổng thanh toán trực tuyến quốc gia và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ ngành.
Ngoài ra, hệ thống cũng kết nối với Vietnam Post thực hiện tiếp nhận và trả kết quả theo hệ thống Bưu điện công ích; kết nối tổng đài, tin nhắn SMS Brandname phục vụ cho Hệ thống nhắn tin với người dân, doanh nghiệp khi thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính.
Đáng chú ý, tháng 7/2023, Hội đồng Nhân dân thành phố đã ra Nghị quyết 07 quy định mức thu phí, lệ phí bằng 0 với 82 dịch vụ công khi cá nhân, tổ chức thực hiện nộp hồ sơ theo hình thức trực tuyến.
Hà Nội đã triển khai cấp 12.188 chữ ký số cho cán bộ, công chức thuộc các cơ quan, tổ chức của thành phố phục vụ hoạt động nghiệp vụ. Tổ chức cung cấp miễn phí gần 39.000 chữ ký số cá nhân cho công dân trên địa bàn để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch điện tử.
Chữ ký số cá nhân đã được xác định là 1 trong 8 yếu tố cơ bản để hình thành công dân số. Hà Nội là 1 trong 16 địa phương đã cùng với Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia – NEAC, Bộ TT&TT cùng các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (CA) công cộng triển khai các giải pháp để đưa chữ ký số đến gần hơn với người dân, hướng tới thực hiện mục tiêu phổ cập chữ ký số cá nhân.
Ngoài việc gian hàng cấp miễn phí chữ ký số cho người dân Hà Nội vào các dịp cuối tuần ở phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm được mở từ tháng 4, Sở TT&TT Hà Nội cũng đã đề nghị các sở, ngành trên địa bàn thành phố chỉ đạo bộ phận một cửa phối hợp với các CA công cộng triển khai cấp chữ ký số miễn phí cho người dân thủ đô.
Cũng trong tham luận “Vai trò của tổ chức Công đoàn trong thực hiện chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh”, bên cạnh việc chỉ rõ một số khó khăn trong quá trình chuyển đổi số của thành phố, ông Nguyễn Tiến Sỹ cho rằng: Tổ chức công đoàn cần xác định chuyển đổi số là một nhiệm vụ quan trọng trong bối cảnh xây dựng quốc gia số, chính quyền số, thành phố thông minh.
Đại diện Công đoàn Sở TT&TT Hà Nội cũng đề xuất một số nội dung mà công đoàn cần tập trung làm tốt trong thời gian tới để đồng hành với các cấp, các ngành thực hiện chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, đó là: Ban hành kế hoạch, chương trình hành động của Công đoàn Thủ đô thực hiện Nghị quyết 18 của Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025.
Cùng với đó, tập trung tuyên truyền vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp, nhân dân tích cực tham gia chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh trong mọi lĩnh vực; vận động công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, đơn vị tăng cường ứng dụng CNTT, sử dụng chữ ký số, hòm thư điện tử trong công tác quản lý, điều hành công việc tại các cơ quan, đơn vị; tổ chức phòng họp không giấy tờ; nghiên cứu đề xuất phát động các phong trào thi đua thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố trong các lĩnh vực cải cách hành chính, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, sáng kiến, sáng tạo thủ đô...