Sở TT&TT tỉnh Hòa Bình vừa phối hợp với Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC), Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị triển khai thúc đẩy phổ cập chữ ký số và ra mắt ứng dụng Công dân số tỉnh Hòa Bình.
Ông Bùi Đức Nam, Giám đốc Sở TT&TT Hòa Bình cho biết, việc triển khai ký số trong giải quyết thủ tục hành chính làm thay đổi căn bản phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước, tăng hiệu quả làm việc, quản lý, tăng tính minh bạch trong hoạt động giải quyết thủ tục hành chính.
Thông qua việc triển khai ký số đã giúp cán bộ xử lý hồ sơ nhanh chóng, chính xác và kịp thời; đồng thời nâng cao tính an toàn, an ninh thông tin khi hồ sơ được xử lý khép kín trên môi trường điện tử.
Theo Phó Giám đốc NEAC Đặng Đình Trường, ngoài việc sử dụng để giải quyết các thủ tục hành chính trên các cổng dịch vụ công, chữ ký số còn đóng vai trò quan trọng trong các giao dịch điện tử hằng ngày, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cũng như gia tăng sự an toàn cho các giao dịch này.
Đặc biệt, với Luật Giao dịch điện tử sửa đổi mới được Quốc hội thông qua, trong thời gian tới, vai trò của chữ ký số sẽ được nâng cao hơn nữa, đi sâu vào các hoạt động hằng ngày của người dân.
Chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số được xác định là thành tố nền tảng pháp lý quan trọng đảm bảo an toàn, xác thực, toàn vẹn, chống chối bỏ cho các giao dịch điện tử của tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong môi trường số.
“Việc triển khai áp dụng chữ ký số rộng rãi sẽ gia tăng sự tin tưởng của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức khi thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của các dịch vụ công do Chính phủ cung cấp tới người dân, doanh nghiệp”, ông Đặng Đình Trường nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo thống kê của NEAC, hiện 100% doanh nghiệp đã sử dụng chữ ký số chủ yếu trong các dịch vụ như kê khai thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội… trong khi tỷ lệ người dân sử dụng chữ ký số còn rất khiêm tốn.
Cụ thể, tính đến hết tháng 7/2023, số lượng chứng thư số đang hoạt động trên toàn quốc là hơn 2,7 triệu, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có gần 1,6 triệu chứng thư số của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức; và hơn 1 triệu chứng thư số cá nhân.
Một số nguyên nhân chính dẫn đến số lượng sử dụng chữ ký số cá nhân còn thấp, theo đại diện NEAC, có thể kể đến như người dân, doanh nghiệp chưa biết lợi ích, cách thức sử dụng chữ ký số hoặc biết nhưng vẫn còn e ngại khi sử dụng, quy định về áp dụng chữ ký số chưa phủ rộng đến khắp các loại hình giao dịch điện tử, thiếu môi trường cho việc sử dụng chữ ký số...
Để tạo thuận tiện cho người dân trong sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, thời gian qua Bộ TT&TT đã cấp phép cung cấp dịch vụ chữ ký số theo mô hình ký số từ xa cho 10 nhà cung cấp dịch vụ.
Cùng với đó, Bộ cũng đã cùng các đơn vị tích hợp chữ ký số cá nhân vào hệ thống giải quyết thủ tục hành chính. Đến nay, đã có 38/63 địa phương tích hợp thành công, trong đó có tỉnh Hòa Bình.
Hướng tới mục tiêu thúc đẩy phổ cập chữ ký số cho người dân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, trong khuôn khổ hội nghị, đại diện Sở TT&TT Hòa Bình, Câu lạc bộ chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam cùng 6 tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (CA) công cộng gồm VNPT, Viettel, MISA, Bkav, SAVIS, Nacencomm (CA2) đã ký kết thỏa thuận phối hợp.
Theo thỏa thuận mới ký kết, Câu lạc bộ chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam và các CA công cộng cam kết hỗ trợ các cá nhân là công dân tỉnh Hoà Bình dùng thử miễn phí dịch vụ ký số từ xa để sử dụng dịch vụ công trực tuyến với gói cước có hiệu lực 1 năm kể từ ngày cấp.
Ngoài ra, các CA công cộng còn có những chính sách dành riêng cho Hòa Bình để thúc đẩy thị trường chữ ký số doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn. Hòa Bình là địa phương thứ 12 mà NEAC cùng các CA công cộng triển khai chương trình hỗ trợ thúc đẩy phổ cập chữ ký số.
Đại diện Sở TT&TT Hòa Bình đề nghị thời gian tới các doanh nghiệp sẽ đảm bảo việc cung cấp chữ ký số miễn phí cho người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến theo đúng cam kết với tỉnh.
Đồng thời, bố trí nhân lực tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận một cửa các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn để cung cấp chữ ký số miễn phí và hướng dẫn sử dụng chữ ký số cho người dân.
Cùng với việc ký kết phối hợp thúc đẩy phổ cập chữ ký số trên địa bàn, Sở TT&TT Hòa Bình vừa ra mắt ứng dụng Công dân số Hòa Bình.
Được Sở TT&TT phối hợp cùng VNPT Hòa Bình xây dựng, ứng dụng Công dân số Hòa Bình sẽ là 1 kênh tương tác chính thống giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp trên môi trường số.
Qua đó, góp phần giúp cơ quan Nhà nước thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ; nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp và kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm.