Sáng 6/4, tại Thanh Hóa, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với tỉnh Thanh Hóa tổ chức chương trình “Gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ”.

Trong số các đại biểu, có vợ chồng ông Vũ Xuân Thanh (94 tuổi) và bà Nguyễn Thị Lan (87 tuổi), trú phường Vinh Tân, TP Vinh, Nghệ An, đều là những người tham gia ở chiến trường Điện Biên Phủ.

W-z5321546070251-b3e51d78ce298d28a15b4bba780504d9-1.jpg
Vợ chồng ông Vũ Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Lan. Ảnh: Lê Dương

Ông Thanh chia sẻ, vợ chồng ông rất xúc động khi được mời tham gia chương trình gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên hôm nay. 

Ông Thanh kể, năm 17 tuổi ông là lính bộ binh, thuộc biên chế Sư đoàn 312 chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ, sau đó chuyển sang pháo binh. Khi chiến dịch thắng lợi, đơn vị ông phụ trách đánh chặn, không cho quân Pháp từ Điện Biên Phủ rút về Lào.

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Thanh tiếp tục tham gia kháng chiến chống Mỹ, chiến tranh biên giới năm 1979, sau đó về hưu.

“Vợ tôi (bà Lan) chỉ cách nhà tôi một cái ao. Tuy vậy, ngày ấy hai người chỉ biết nhau sơ sơ. Khi lên Điện Biên vợ tôi là thanh niên xung phong. Lúc gặp, hai người nói chuyện mới nhận ra nhau, rồi yêu thương nhau. Đến năm 1962, tôi và bà ấy tổ chức đám cưới tại quê nhà”, ông Thanh kể lại.

Có mặt trong buổi tri ân, ông Nguyễn Bá Viết, chiến sĩ Điện Biên đang sinh sống tại phố Ái Sơn 1, phường Đông Hải (TP Thanh Hóa) chia sẻ, Điện Biên Phủ là một thời lửa đạn, gian khó, “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” nhưng “gan không núng, chí không mòn”, không thể nào quên. Đó là những trận đánh vang dội vào trung tâm đề kháng Him Lam, mở toang “cánh cửa thép” ở phía Bắc, Đồi A1 – “Bùn, máu và hoa”, nơi ghi dấu trận chiến ác liệt nhất.

W-153d6104053t9237l2-z5321058753643-64322-1.jpg
Ông Nguyễn Bá Viết chia sẻ về những trận chiến ở Điện Biên. Ảnh: Lê Dương

Những trận đánh đã đóng góp vào chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, viết nên trang sử hào hùng của quân và dân ta 70 năm về trước; kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

"Tôi tin tưởng và mong rằng, thế hệ trẻ hôm nay luôn tự hào, ghi nhớ và phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc nói chung và tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quyết tâm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, 'giữ nước từ khi nước chưa nguy' để xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng", ông Nguyễn Bá Viết bày tỏ.

W-a8hhhhhhhhhhhh.jpg
Ông Nguyễn Trọng Áp xem lại những bức tranh quý thời chiến. Ảnh: Lê Dương

Ông Nguyễn Trọng Áp (91 tuổi), quê ở xã Đông Quang, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) thì bồi hồi, nhìn về những bức ảnh, thước phim, ông chia sẻ: “Chúng tôi có được những ngày như hôm nay không thể quên được các đồng đội đã ngã xuống”.

W-a4hhhhhhhhhhhhhhh.jpg
Xe đạp thồ tái hiện lại cách đây 70 năm ở Điện Biên Phủ. Ảnh: Lê Dương
W-a3hhhhhhhhhhhhhhh.jpg
Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Bản anh hùng ca Điện Biên Phủ”. Ảnh: Lê Dương

Phát biểu tại cuộc gặp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng của chính nghĩa, chiến thắng của sự đoàn kết quân dân, chiến thắng đó được kết tinh bởi truyền thống yêu nước, sức mạnh toàn dân tộc.

"Trong giờ phút trang trọng, xúc động của cuộc gặp mặt, tri ân hôm nay, chúng ta bày tỏ lòng thành kính, biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã cống hiến trọn đời mình vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Chúng ta tưởng nhớ công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, người chỉ huy tài tình, tư lệnh của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tổ quốc và nhân dân đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc…", ông Đỗ Văn Chiến nói.