4 tuổi, bé Min (Minh Trung) đã chinh phục thành công 5 ngọn núi, trong đó có 2 đỉnh núi thuộc top cao nhất Việt Nam. Tới đây, Min sẽ tiếp tục chinh phục đỉnh Samu và Tà Chì Nhù - cũng là 2 trong số những đỉnh cao nhất và hấp dẫn nhất của dân leo núi trong nước.

Chị Quỳnh Giang (33 tuổi, ở Hà Nội) - mẹ Min cho biết, thành tích leo núi của cậu bé đã được tích lũy từ năm 2 tuổi rưỡi.

411503951-735375774794874-4745413376357717125-n-1.jpg
Min trên đỉnh Lùng Cúng cao 2.913m hồi đầu tháng 12/2023

Min bắt đầu “gia tài” leo núi của mình với ngọn núi Côn Sơn cao hơn 200m ở Chí Linh, Hải Dương. Nhưng chính thức được gọi là trekking thì phải đến tháng 11/2023 - khi Min hơn 4 tuổi, hai vợ chồng chị Giang đã cùng con chinh phục ngọn núi Lảo Thẩn (cao 2.680m, ở Bát Xát, Lào Cai). 

"Mẹ ơi chóp này, mẹ ơi đỉnh này"

Khi tìm hiểu thông tin trước khi leo núi, chị Giang chưa bao giờ nghĩ sẽ mang theo cả Min, dù chị biết con trai có thể lực tốt, ham khám phá và yêu thiên nhiên. Lý do duy nhất là bởi con mới chỉ vừa bước sang tuổi thứ 4. Nhưng sau mấy ngày nghe ba mẹ bàn nhau chuyện leo núi, Min bắt đầu tò mò hỏi và háo hức muốn đi cùng.

“Lúc ấy chắc cậu bé nghĩ đơn giản leo núi giống như leo mấy ngọn đồi, núi ở quê mẹ. Nên mình vẫn không nghĩ sẽ cho Min theo, vì Lảo Thẩn phải leo trong 2 ngày, mỗi ngày sẽ phải leo nhiều tiếng đồng hồ, ăn ngủ sinh hoạt trên lán không có điện, nước…

Mình nói với Min về điều kiện sinh hoạt và các vấn đề khi leo núi như vậy, nhưng Min nói con đi được. Mình còn tìm các video trên mạng về đoạn đường leo núi như thế nào, sinh hoạt ở lán ra sao, Min vẫn bảo con leo được, con ngủ ở lán được. Vậy là mình không cản nữa, nhưng trong lòng vẫn chưa nghĩ sẽ cho con đi”, chị Giang kể.

Những ngày sau đó, khi làm bất cứ việc gì, chị đều nói Min nên làm thế này, thế kia thì mới đủ sức leo núi. Thế là Min lại cố gắng ăn nhiều hơn, vệ sinh cá nhân nhanh hơn và còn làm việc nhà với ba mẹ nhiệt tình hơn…

Đã có lúc chị cho con xem cả ảnh và đọc cho con những thông tin các bạn nhỏ đi leo núi phải bế, cõng. Mục đích là để con sợ, không đòi đi nữa. Nhưng trong suốt 1 tháng trời, ngày nào gia đình chị cũng nói đến chuyện leo núi và Min luôn quyết tâm 100% sẽ leo được.

Chịu thua trước sự kiên trì và quyết tâm của con trai, chị Giang đồng ý đưa con theo cùng, nhưng làm công tác tư tưởng cho con rất kỹ. Chị yêu cầu con phải ăn uống, tập luyện chăm chỉ và phải quyết tâm con sẽ tự leo chứ không được đòi bế hay cõng. 

411467254-1595641214594658-8354134065805881526-n-1.jpg
Min tự mình leo lên đỉnh lúc sáng sớm trong tiết trời mưa lạnh

Trong suốt quá trình chuẩn bị cho chuyến trekking đầu tiên của gia đình, Min được tham gia vào tất cả công đoạn, được biết tất cả các thông tin mà mẹ tìm hiểu.

Cậu bé hào hứng từ lúc chuẩn bị cho tới khi lên đỉnh thành công. Đi đường, gặp ai Min cũng được cổ vũ ‘em bé cố lên’, có thể vì thế mà cậu được tiếp thêm năng lượng. Chặng này Min chưa có biểu hiện mệt, vợ chồng chị Giang leo lần đầu cũng chưa có kinh nghiệm, khi nào con kêu mỏi chân mới nghỉ.

“Trên đường đi Min ngắm núi, hoa cỏ, cây cối, nói chung là rất hưởng thụ cảnh quan không khí núi rừng, gặp cái gì cũng thốt lên: Ba mẹ xem này, hoa đẹp không? Núi kia cao không mẹ? Chỗ này con thấy đẹp, mẹ chụp ảnh không?”.

Vấn đề chỉ bắt đầu khi đến lán (chỗ nghỉ chân), Min muốn đi vệ sinh nặng nhưng khi mẹ đưa vào chỗ vệ sinh thì con nhất quyết không đi vì kêu bẩn và hôi. Mẹ khuyên như thế nào, con cũng khăng khăng là con nhịn.

Lúc ấy, chị Giang nói “nếu con không đi vệ sinh bây giờ thì đến đêm không có điện, mà trời lạnh như thế này không ai đưa con đi đâu”. Cậu bé vẫn nhất quyết không đi, tiếp tục vui chơi, ngắm nghía, háo hức khám phá quanh lán. 

Đến tối, cả đoàn đi ngủ sớm. Nửa đêm, chị Giang và một số người nữa bị đau bụng. Dù trời mưa, lạnh, không có điện, nhà vệ sinh cách lán một đoạn nhưng ai cũng vẫn phải đội đèn pin ra ngoài. Lúc này, Min cũng trằn trọc nhưng chị Giang lại nghĩ con ngủ tập thể không quen. Một lúc sau hỏi ra mới biết con cũng đau bụng nhưng nhớ lời mẹ nói lúc chiều nên không dám đòi đi vệ sinh. 

411076892 699386735293928 4958019031257830471 n.jpg
Những khoảnh khắc không "màu hồng" trên hành trình leo núi của Min

4h sáng, cả đoàn rục rịch dậy chuẩn bị leo tiếp lên đỉnh thì trời mưa ào ào. Đường còn lại vài trăm mét nữa, nhưng là đoạn dốc nhất và khó nhất của hành trình.

Chị Giang nghĩ bụng cứ để cho con ngủ. Nhưng cuối cùng, khi mưa không còn nặng hạt, trưởng đoàn vẫn quyết định leo tiếp, ai không muốn đi thì ở lại nghỉ ngơi. “Lúc này, Min bảo con leo, phải leo lên đỉnh chứ. Vậy là con dậy lau mặt, mặc đồ, nhưng không kịp ăn sáng”, chị cho biết.

Trời lạnh, tối, mưa lâm thâm, đường trơn trượt và dốc. Min cùng chú dẫn đường đi trước ba mẹ. Con có vẻ mệt vì thiếu năng lượng. Chị Giang tự thấy mình tắc trách khi quên túi đồ ăn vặt đã chuẩn bị trước. May mà con xin được chiếc bánh của cô cùng đoàn. 

“Đến đoạn dốc khá trượt, khi chú dẫn đường vừa bế con lên, mẹ mới bảo ‘ơ kìa Min có cần bế không nhỉ, chú hỗ trợ để con tự đi xem thế nào’, thế là Min lại xuống tự đi. Dù mẹ biết lúc đó Min đã thấm mệt. Lên đến đỉnh thì đúng là cảm giác chinh phục thành công nên con thích thú vô cùng: 'Mẹ ơi chóp này, mẹ ơi đỉnh này'. Bao nhiêu mệt mỏi như thể tan biến hết".

411083506 814854640103765 7886772466870698438 n.jpg
Min chinh phục đỉnh Lảo Thẩn hồi tháng 11/2023

Trên đường xuống núi, cậu bé vẫn rất hào hứng với hành trình và hỏi luôn lần sau nhà mình leo núi nào. 

Đầu tháng 12 vừa rồi, gia đình chị lại chinh phục đỉnh Lùng Cúng (Yên Bái) cao 2.913m. “Chặng xuống đúng là đáng nhớ vì nó dốc vô cùng. Rất nhiều đoạn mình phải ngồi để trượt xuống. Min có nhìn thấy mẹ trượt một lần còn cười trêu: Con vẫn còn sức, con không phải trượt như mẹ đâu”. 

Dạy con có trách nhiệm với quyết định của mình

Chị Giang chia sẻ, vợ chồng chị rất chú trọng rèn luyện thể chất cho con. Trước khi cho Min leo núi, chị từng cho con tham gia câu lạc bộ xe thăng bằng. Sau khi nghỉ ở câu lạc bộ, con vẫn tập xe đều đặn cùng ba mẹ hoặc các cô chú trong hội xe tuần 2-3 buổi tối.

Hè vừa rồi con bắt đầu đi học bơi sinh tồn và đến giờ vẫn học đều đặn mỗi tuần 2 buổi. Mỗi ngày, đi học với bà, con đều đi bộ khoảng 400m đến trường. Tính đến nay, Min cũng tham gia 3 giải chạy cự ly 3,5 - 5km. Trước khi leo núi, tuần nào gia đình cũng sắp xếp 1-2 lần leo lên, leo xuống khoảng 30 tầng thang bộ chung cư.

“Leo núi mang lại không chỉ cho Min, mà cho cả gia đình mình những cảm xúc và trải nghiệm rất đặc biệt. Gia đình mình không quá quảng giao nên Min ít khi gặp gỡ nhiều người mà lại nhận được sự yêu thương khích lệ nhiều đến thế. Bạn ấy rất vui vì điều đó. Min làm quen được rất nhiều cô chú trong hành trình leo núi của mình.

Con biết tên, trò chuyện và còn hẹn leo núi lần sau… Khi về rồi, con luôn miệng nhắc tên các chú Mạnh, chú Thảo, chú Nam, chú A Say, cô Bầu, chú A Giàng… là các cô chú đã hỗ trợ con khi con leo núi. Thỉnh thoảng, con lại hỏi hôm nay cô này, chú kia làm gì nhỉ, có leo núi nào không mẹ… Bây giờ chỉ cần nhắc tên núi là con sẽ hỏi ngay núi cao bao nhiêu mét, núi ở đâu, lúc nào nhà mình leo núi đấy...”.

Hành trình leo núi còn giúp con thêm yêu thiên nhiên và có ý thức giữ gìn môi trường xanh, sạch. Trên đường đi, con hay hỏi mẹ sao chỗ này có rác, sao mọi người lại vứt rác ra đây. “Mình cũng ước rằng các chuyến tới nhà mình có sức khỏe hơn, để không chỉ cầm rác của gia đình mình về mà còn có sức để nhặt các vỏ chai, bao bì, bánh kẹo thấy trên đường leo núi nữa”. 

Điều khiến chị Giang bất ngờ nhất chính là sự quyết tâm và có trách nhiệm của Min trong suốt hành trình leo núi.

"Bạn ấy tự làm nhiều việc, tự biết lo nhiều việc cá nhân trong lúc ba mẹ không ở cạnh. Bình thường ở nhà bạn ấy không tự lập và biết tự lo đến thế. Có nhiều đoạn mẹ đi sau, thấy chú dẫn đường nói chú bế nhé thì Min từ chối, bảo con tự đi được. Ôi, lúc đó mình mệt lắm nhưng tự dưng thấy thương con và thấy mình phải cố gắng hơn nữa”.

Bà mẹ 1 con cho biết, leo núi về, chị thấy con có nhiều thay đổi tích cực, chủ động hơn, tự tin hơn. “Cả chặng đường Min quan tâm ba mẹ, hỏi mẹ mệt không, ba mẹ cố lên, chỗ này đẹp lắm, mẹ cố lên, con chờ mẹ đây rồi. Cả núi rừng vang vọng tiếng bạn Min…”.