Lee MacMillan, ngôi sao trên mạng xã hội Instagram, mới đây đã kết thúc đời mình trong bi thảm. Cô là một trong những nạn nhân của trò bắt nạt trực tuyến.
Bức ảnh này được cho là một trong những hình ảnh gây đau buồn nhất từng được chụp về nước Mỹ vào thế kỷ 20. Theo trang Rarehistoricalphotos.com, bức ảnh trên, dù được dàn dựng hay không, đều cho thấy một câu chuyện đầy chua xót.
Bức ảnh được đăng lần đầu trên một tờ báo địa phương tại Valparaiso, bang Indiana, Mỹ vào ngày 5/9/1948. Lũ trẻ thực sự bị cha mẹ chúng rao bán và được các gia đình khác mua. Mãi nhiều năm sau, những đứa trẻ mới chia sẻ câu chuyện của mình.
Khi bức ảnh lần đầu xuất hiện trên tờ Vidette-Messenger, nó được chú thích như sau: "Một tấm biển lớn được dựng trên sân một ngôi nhà tại Chicago. Đó là câu chuyện đau buồn về ông bà Ray Chalifoux, những người phải đối mặt với lệnh trục xuất khỏi căn hộ của họ. Không có nơi nào để đi, người vợ quyết định bán 4 người con. Bà Lucille Chalifoux cố né tránh ống kính camera trong khi các con bà đầy vẻ tò mò. Ngồi ở bậc thang trên cùng là Lana, 6 tuổi và Rae, 5 tuổi, phía dưới là Milton, 4 tuổi và Sue Ellen, 2 tuổi".
Theo tờ The Times of Northwest Indiana, không rõ tấm biển đã ở trong sân bao lâu. Một số người buộc tội Lucille Chalifoux nhận tiền để chụp tấm ảnh đó, song cáo buộc này chưa bao giờ được xác nhận. Tuy nhiên, thực tế là 4 đứa trẻ được rao bán cuối cùng cũng sống ở những gia đình khác nhau.
Bức ảnh sau đó được nhiều tờ báo trên khắp nước Mỹ đăng lại và vài ngày sau, tờ Chicago Heights Star đưa tin, một phụ nữ đã mở cửa nhà bà để đón lũ trẻ và nhiều lời mời làm việc cũng như đề nghị hỗ trợ tài chính được gửi tới cho gia đình Chalifoux.
Thật không may, sự giúp đỡ có vẻ chưa đủ và 2 năm sau khi bức ảnh được đăng lần đầu tiên, tất cả lũ trẻ, gồm cả đứa trẻ mà Lucille đang mang thai, đều rời đi.
Câu chuyện về những đứa trẻ
Rae và em trai Milton được bán cho gia đình Zoeteman vào ngày 28/7/1950, sau đó tên họ được đổi thành Beverly và Kenneth. Gia đình mới của họ cũng không khá hơn nhiều. Cả hai thường bị xích trong nhà kho và phải làm việc nhiều giờ trên cánh đồng. Milton nhớ lại mình từng bị người cha mới gọi là nô lệ. Khi đó, anh mặc nhiên chấp nhận cái tên này vì không hiểu nghĩa nó là gì.
Trong khi Rae và Milton chưa bao giờ được nhận nuôi chính thức thì em trai David của họ (thời điểm chụp ảnh còn nằm trong bụng mẹ) lại được một cặp cha mẹ tử tế nhưng nghiêm khắc tên là Harry và Luella nhận nuôi hợp pháp. David nói, cha mẹ nuôi rất nghiêm khắc nhưng yêu thương và ủng hộ anh. David còn nhớ chuyện đi xe đạp tới gặp anh chị và tháo xích cho họ trước khi trở về nhà.
Rae bỏ nhà đi năm 17 tuổi, ngay sau khi bị chấn thương nặng nề. Khi còn là thiếu niên, cô đã bị bắt cóc, bị cưỡng hiếp dẫn tới mang thai. Rae được đưa tới một ngôi nhà dành cho các cô gái mang thai và sau khi trở về đã nhận lại đứa con.
Còn Milton, khi lớn lên, cậu đã phản ứng với việc bị đánh đập, bỏ đói và những hành vi ngược đãi khác bằng những cơn thịnh nộ dữ dội. Một thẩm phán từng coi Milton là mối đe dọa cho xã hội. Milton đã bị đưa vào bệnh viện tâm thần sau khi buộc phải lựa chọn giữa bệnh viện và trường giáo dưỡng (trại giam dành cho trẻ vị thành niên).
Rae, Milton và David không biết chuyện gì đã xảy ra với Lana và Sue Ellen. Tuy nhiên, sau này, họ đã có thể kết nối với nhau qua mạng xã hội. Lana qua đời vào năm 1988 do ung thư. Sue Ellen vẫn còn sống. Sue Ellen lớn lên ở khu phố East Side của Chicago, không xa ngôi nhà ban đầu của cô ấy.
Người mẹ trong bức ảnh đã tái hôn sau khi bán 5 đứa con, rồi sau đó lại có thêm 4 con gái nữa. Dù vậy, David vẫn bảo vệ mẹ, cậu kể: "Ngay khi mẹ nhìn thấy tôi, bà đã nói: Con trông giống bố con. Mẹ chưa bao giờ xin lỗi. Hồi ấy, đó là sự sống còn. Chúng ta là ai để phán xét chuyện đó? Tất cả chúng ta đều là con người. Tất cả chúng ta đều phạm sai lầm. Mẹ có thể đã nghĩ tới các con và không muốn ai chết”.