Đây là tin vui không chỉ với mẹ con Thuận mà còn là niềm tự hào của Trường THPT Chuyên Bắc Ninh và tỉnh Bắc Ninh.
Thầy Nguyễn Nho Hòa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Thuận là một trong 3 học sinh của tỉnh vinh dự được lựa chọn tham dự kỳ thi Olympic Châu Á năm 2021. Ngoài Thuận, đội tuyển Tin học còn có em Ngô Văn Tuân, cũng đạt giải Nhì tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Tin học năm 2020 – 2021.
“Thuận là một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Em bị khuyết tật bẩm sinh, di chuyển khó khăn, nhưng lại có ý chí và nghị lực vô cùng tuyệt vời. Chính chúng tôi, những người thầy, cũng cảm thấy như được truyền động lực và sự hứng khởi trước sự nỗ lực của em”.
Thuận đạt giải Nhất tại Hội thi Tin học trẻ toàn quốc
Thầy Hòa cho biết, khi Thuận còn đang là học sinh lớp 11 của Trường THPT Quế Võ, em đã giành giải Ba môn Tin học trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Chứng kiến nghị lực của Thuận và mẹ khi đồng hành cùng con, ban giám hiệu nhà trường quyết định báo cáo lên Sở GD-ĐT để đón Thuận về học tập tại trường.
Nhà trường đã sắp xếp cho hai mẹ con Thuận một phòng sinh hoạt riêng, ngay cạnh phòng Tin học với tiện nghi tương đối đầy đủ để thuận lợi hơn cho việc học tập. Các thầy của Trường THPT Chuyên Bắc Ninh cũng sẵn sàng dạy kèm miễn phí cho Thuận để em có thể bắt kịp được với các bạn.
Nhờ vậy, đến năm lớp 12, Thuận tiếp tục được tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Tin học và giành giải Nhì. Cậu cũng ẵm luôn giải Nhất Hội thi Tin học trẻ Toàn quốc và trở thành thành viên tham dự kỳ thi Olympic Tin học Châu Á năm nay.
Thuận và mẹ, chị Đỗ Thị Hoài San
Nói về thành tích của con, chị Đỗ Thị Hoài San, mẹ của Thuận cho biết, đó là nhờ những ân tình mà các thầy cô giáo dành cho Thuận - cũng chính là những may mắn mà Thuận nhận được trong cuộc đời.
Đó là thầy giáo dạy Thuận ở Trường THPT Chuyên Bắc Ninh - người sẵn sàng một tuần 7 buổi dạy kèm miễn phí môn Tin cho Thuận.
Đó là các thầy ở Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên đã đón Thuận lên Hà Nội, tạo mọi điều kiện để cậu được học tập cùng các bạn trong đội tuyển Tin quốc gia của trường.
Năm lớp 2, Thuận cũng nhận được sự giúp đỡ của cô giáo chủ nhiệm. Cô không có điều kiện, nhưng khi biết gia đình muốn đưa Thuận đi mổ chân, cô cũng sẵn sàng đi vay tiền hộ và trả lãi thay để gia đình yên tâm chữa trị cho con.
Vì thế, dù đã từng có lúc chị cảm thấy tuyệt vọng khi nhìn về tương lai, nhưng giờ đây, trước ân tình của quá nhiều người và sự nỗ lực của con, chị lại được “truyền ngược” niềm tin, hy vọng và sự lạc quan.
“Thuận bản lĩnh, ít khi ca thán hay cáu gắt. Chính tôi cũng phải học từ con rất nhiều”.
Thúy Nga
Kỳ tích của cậu học trò bại não giành giải Nhì học sinh giỏi quốc gia
Sinh con ra với cơ thể mềm oặt, bàn tay gập xuống tím đen, bất thường, nhưng chị San chưa bao giờ từng thôi hy vọng. 17 năm sau, cậu bé ngày nào đã làm nên điều kỳ tích.