Câu hỏi khó của nữ sinh lớp 7
Cách đây 2 năm, trong một buổi truyền thông về kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục cho trẻ em ở một địa phương thuộc tỉnh Quảng Trị, thầy giáo Hồ Sỹ Thái (Thạc sĩ ngành Công tác xã hội, Trường Đại học Khoa học Huế) đã nhận được câu hỏi bất ngờ từ một cô bé lớp 7.
“Trong giờ giải lao, cô bé đó ra hỏi riêng tôi. Em chia sẻ gia đình em hiện có bố mẹ và 2 chị em gái. Nhưng gia đình hoàn cảnh khó khăn, nhà chật nên cả 4 người đang ngủ chung trên một chiếc giường. Vậy theo thầy, như thế có phải là xâm hại tình dục hay không”, thầy Thái kể.
Trước tình huống này, vị giảng viên tư vấn: "Tôi khuyên em nên về nói chuyện với bố mẹ rằng 2 thế hệ có giờ giấc sinh hoạt, ăn ngủ khác nhau. Bố mẹ phải ngủ sớm, dậy sớm đi làm rẫy, còn 2 chị em hay ngủ muộn hơn để học bài, sáng ra có thể dậy muộn hơn. Vì thế, bố mẹ nên cố gắng sắp xếp cho 2 chị em ngủ giường riêng".
Tuy nhiên, câu hỏi của nữ sinh cũng khiến vị giảng viên nhận ra rằng, việc tuyên truyền kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục, giáo dục giới tính cho đối tượng phụ huynh cũng quan trọng không kém, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Chính vì thế, trong những buổi tập huấn, truyền thông tại địa phương dành cho người lớn về công tác xã hội nói chung, thầy Thái luôn cố gắng lồng ghép những câu chuyện, tình huống có liên quan đến kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em vào các bài giảng của mình.
Với thâm niên gần 15 năm giảng dạy và tập huấn, tư vấn về chủ đề phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em, thầy Thái nhận ra, mức độ hiểu biết của trẻ em về vấn đề này ở mỗi vùng miền có sự chênh lệch rõ rệt. Trẻ ở thành thị thường hiểu biết nhiều hơn trẻ ở nông thôn, vùng sâu vùng xa. Đối tượng phụ huynh cũng như vậy.
Giảng viên này chia sẻ, với mỗi buổi tập huấn, truyền thông ở các vùng miền, anh thường đặt ra mục tiêu chung là cung cấp cho các em kỹ năng bảo vệ bản thân, nhận biết nguy cơ và hành vi xâm hại. “Tuy nhiên, tôi luôn cố gắng không ‘hù dọa’ khiến đứa trẻ sợ hãi.
Tôi mong muốn các em biết rằng, trên thực tế, các em có nguy cơ là nạn nhân của xâm hại tình dục. Nhưng không phải vì thế mà sợ hãi mọi người xung quanh mình”.
Anh cũng nhận ra một vấn đề chung qua chia sẻ của các em, đó là các em rất khó nói chuyện được với người thân khi có hành vi xâm hại xảy ra hoặc sự nghi ngờ về hành vi nào đó. “Cuối mỗi buổi chia sẻ, tôi hay dành ra 30 phút để lắng nghe các em chia sẻ. Tuy nhiên, tại đó, các em cũng chỉ dám chia sẻ những vấn đề chung.
Thi thoảng, có em gọi vào số điện thoại của tôi để hỏi. Các em thường thắc mắc hành động này, hành động kia có phải là xâm hại hay không. Vì các em không biết chia sẻ cùng ai”.
Chính vì vậy, theo thầy Thái, tại mỗi địa phương hay trường học, nên có một bộ phận tiếp nhận những thông tin nhạy cảm, mang tính cá nhân từ trẻ em.
Nhận diện đúng thủ phạm, hành vi
Trong các bài giảng của mình, thầy Thái thường chia sẻ cho các em quy tắc 5 ngón tay, trong đó mỗi ngón đại diện cho những hành vi có nguy cơ trở thành hành vi xâm hại tình dục. “Ngoài nhận diện hành vi, tôi cũng chia sẻ cho các em biết các dấu hiệu nhận diện địa điểm, nhận diện đối tượng thực hiện hành vi xâm hại.
Địa điểm xảy ra hành vi xâm hại tình dục có thể là bất cứ nơi nào, kể cả ở nơi đông người và trong gia đình, chứ không phải chỉ ở nơi vắng người. Đối tượng thực hiện hành vi rất có thể là những người quen, người thân, chứ không phải chỉ là người lạ”.
Giảng viên này chia sẻ, nhiều đứa trẻ vẫn hiểu nhầm giữa việc thể hiện tình cảm với hành vi xâm hại. “Đôi khi các em nghĩ người đó là người thân quen thì hành vi đó được chấp nhận. Các em có thể cảnh giác với người lạ, nhưng lại chủ quan với người quen. Trên thực tế, phần lớn thủ phạm lại là người quen của nạn nhân”.
Vì thế, việc cung cấp kiến thức để trẻ nhận diện đúng nguy cơ có thể tới từ đâu là rất quan trọng.
Ngày nay, hành vi xâm hại tình dục có thể là trực tiếp nhưng cũng có thể là gián tiếp qua môi trường mạng. Việc người khác yêu cầu các em chụp những bức hình không mặc đầy đủ quần áo, gửi qua mạng cũng là một hành vi xâm hại – thầy Thái nói.
Do đó, việc hướng dẫn các em nhận biết các bộ phận nhạy cảm của cơ thể, cách thức sử dụng Internet an toàn cũng là một trong số những kỹ năng cần thiết để phòng tránh xâm hại.
Từ những chia sẻ trên, thầy Thái mong muốn rằng việc trang bị kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em không chỉ đơn thuần dừng ở những buổi truyền thông, tập huấn mà phải thực sự trở thành những câu chuyện trao đổi trong gia đình. Đó là câu chuyện trao đổi giữa bố mẹ với con cái, giữa anh chị lớn và các em nhỏ hoặc trở thành diễn đàn trong các buổi sinh hoạt ngoại khoá thường xuyên tại trường học – nơi các em có thể nói lên suy nghĩ, cảm nhận, sự hiểu biết, những thắc mắc cần giải đáp hoặc kể câu chuyện của chính bản thân, của bạn bè về vấn đề liên quan.
Trang bị kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục là một phần quan trọng trong việc bảo vệ sự an toàn và phát triển toàn diện của trẻ em. Người lớn có trách nhiệm cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết, song bản thân các em nếu có nhận thức đúng, đầy đủ, sự tự tin và kết nối tốt với thầy cô, gia đình thì nguy cơ bị xâm hại sẽ giảm thiểu đáng kể. Điều này góp phần tạo dựng môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ, tạo nền tảng cho sự phát triển xã hội bền vững.
Nguyễn Thảo