Gặp nhau trong một trại hè phát triển cộng đồng năm 2019, Đặng Thị Hạnh, Phạm Lê Khánh Trang và Nguyễn Thị Ngọc My – 3 cô gái sinh năm 2001 ở Đắk Nông cùng với Trần Thị Huyền sinh năm 2000 ở Đà Nẵng đã cùng nhau “thai nghén” và cho ra đời dự án Hoa Cúc Dại.
Đây là một dự án cộng đồng, cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ em, được thực hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Thông điệp của dự án là: “Thêm một trẻ em được học về kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục, sẽ bớt đi một nạn nhân của vấn nạn xã hội đầy nhức nhối này”.
Hạnh chia sẻ về cái tên Hoa Cúc Dại: “Thực ra, hồi đó chúng tôi không nghĩ ra nhiều cái tên.
Sau khi tìm hiểu thì biết hoa cúc dại còn có ý nghĩa là hoa của trẻ em vì nó thuần khiết, đơn sơ. Dự án hướng đến đối tượng trẻ em nên chúng tôi quyết định lấy tên này”.
Vừa “thoát” mác học sinh, bỡ ngỡ trở thành người lớn, việc xây dựng và điều hành dự án nghiêm túc như Hoa Cúc Dại mang đến nhiều khó khăn cho nhóm 4 bạn trẻ.
“Chúng tôi phải lập kế hoạch, thuyết phục các chuyên gia trở thành diễn giả, phải thuyết phục các trường tin tưởng cho phép tổ chức chương trình…
Để lấy được lòng tin của các bên, chúng tôi phải làm kế hoạch kỹ lưỡng và cụ thể nhất có thể để mọi người hình dung được chúng tôi đang làm gì”, Hạnh chia sẻ.
Hạnh cho biết, rất may, thời điểm ấy các thầy cô, chuyên gia tâm lý cũng rất hiểu cho những thiếu sót, non nớt của nhóm và đồng hành rất nhiệt tình.
Một khó khăn nữa, đó là thời điểm dự án ra đời, cả 4 thành viên nhóm đều đang không sinh sống ở Đắk Nông.
“Trang là du học sinh ở Singapore. Chị Huyền ở Đà Nẵng. Còn tôi và Ngọc My học đại học ở TPHCM” – Hạnh chia sẻ.
Để dự án hoạt động suốt mấy năm qua, các thành viên phải làm việc trực tuyến, tuyển cộng tác viên ở Đắk Nông và khi sự kiện diễn ra, các thành viên đều phải bỏ tiền túi để về quê.
Đến nay, Hoa Cúc Dại đã tổ chức được các hội thảo chuyên đề về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em ở hơn 11 trường THCS, THPT, cung cấp kiến thức cho hơn 7.000 học sinh.
“Để đạt được kết quả này, dự án phải cảm ơn rất nhiều sự đồng hành của các chuyên gia tâm lý như thầy Lê Minh Huân - Thạc sĩ Tâm lý học, Đại học Sư phạm TPHCM, thầy Võ Minh Thành - Thạc sĩ Tâm lý học, giảng viên Khoa Tâm lý học, Đại học Sư phạm TPHCM, anh Đào Lê Tâm An - nghiên cứu sinh Tâm lý học.
Họ đều là những chuyên gia có tiếng trong lĩnh vực và là những người nhiệt thành với công tác tuyên truyền phòng chống xâm hại tình dục trẻ em”.
Hạnh cho biết, ngoài những kiến thức phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, các chuyên gia còn cung cấp cho học sinh các kiến thức về sức khỏe sinh sản, về tình yêu tuổi học trò, các kỹ năng mềm… Đây là những chủ đề mà phụ huynh hay thầy cô vẫn còn ngại ngùng khi đề cập với con trẻ.
Niềm vui lớn nhất của nhóm là chỉ ngay sau buổi hội thảo đầu tiên, Hoa Cúc Dại đã được nhiều trường trong địa bàn tỉnh biết đến và có lời mời.
Và sau hàng chục hội thảo, nhóm vô cùng tự hào khi Hoa Cúc Dại đã trở thành một cái tên quen thuộc với học sinh Đắk Nông. “Tiếng lành đồn xa, dần dần Hoa Cúc Dại nhận được sự tin tưởng và ủng hộ từ các trường.
Thậm chí, có những thầy cô và phụ huynh tham gia hội thảo chia sẻ rằng, một số kiến thức được nghe tại hội thảo hoàn toàn mới mẻ với họ”.
Hiện dự án chỉ còn lại 2 thành viên là Hạnh và Trang. Tuy cả 2 đều không sống ở Đắk Nông nhưng nhóm vẫn quyết tâm, mong muốn tiếp tục thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh.
“Bởi vì chúng tôi nhận thấy trẻ em trên quê hương mình vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận đầy đủ những kiến thức giáo dục giới tính, kỹ năng bảo vệ bản thân khỏi những nguy cơ rình rập.
Chúng tôi nghĩ, mình phải làm tốt ở nơi mình sinh ra và lớn lên thì mới có thể làm tốt ở những nơi khác, mặc dù khoảng cách địa lý sẽ khiến cả hai thành viên đều gặp khó khăn”.
Hạnh chia sẻ, thời gian tới, cô sẽ tìm giải pháp cho vấn đề này. “Hướng đi tới của chúng tôi trong thời gian tới là gây quỹ để nhóm có nguồn kinh phí ổn định, bền vững cho việc phát triển dự án lâu dài”.
Nguyễn Thảo